Báo Đồng Nai điện tử
En

Chào mừng kỷ niệm 310 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai
Những giá trị văn hóa đang được tôn vinh

10:10, 01/10/2008

Tin vui cho những người ghiền sách văn học: từ nay đến cuối năm 2009, Nhà xuất bản (NXB) tổng hợp Đồng Nai sẽ lần lượt phát hành tác phẩm văn chương của các tác giả Hồ Biểu Chánh, Lý Văn Sâm và Bình Nguyên Lộc.

Tin vui cho những người ghiền sách văn học: từ nay đến cuối năm 2009, Nhà xuất bản (NXB)  tổng hợp Đồng Nai sẽ lần lượt phát hành tác phẩm văn chương của các tác giả Hồ Biểu Chánh, Lý Văn Sâm và Bình Nguyên Lộc. Sau những công trình sưu tầm, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và Nam bộ nói chung được NXB tổng hợp Đồng Nai xuất bản trong những năm qua, nay đến lượt các tác phẩm nổi tiếng của những nhà văn Nam bộ tiêu biểu có cơ hội tiếp cận với độc giả trẻ.

 

Nói về các tác giả của ba bộ sách này, ông Bùi Quang Huy, Giám đốc - Tổng biên tập NXB tổng hợp Đồng Nai đã biểu lộ sự ưu ái và tâm đắc. Ưu ái, bởi cả ba tác giả đều là người miền Nam, trong đó có đến hai người quê ở Biên Hòa, Đồng Nai. Tâm đắc, bởi tất cả đều là những tên tuổi lớn trên văn đàn, dù mỗi người theo một khuynh hướng, thể loại riêng nhưng tài năng của họ đều đã được khẳng định trong lòng độc giả từ nửa đầu thế kỷ trước.

 

Theo ông Bùi Quang Huy, nói đến Hồ Biểu Chánh, bạn đọc nhớ ngay đến những tiểu thuyết sống mãi với thời gian như Ngọn cỏ gió đùa, Chúa tàu Kim Quy, Con nhà nghèo, Nợ đời... Bắt đầu sáng tác vào năm 1922, ông được xem là nhà tiểu thuyết đầu tiên của Nam bộ. Số lượng tiểu thuyết ông viết khá đồ sộ, ấy là chưa kể đến các tác phẩm thuộc thể loại khác như hồi ký, biên khảo, dịch thuật, phê bình, tùy bút, tuồng hát bội. Có thể nói, trong vòng một thế kỷ nay chưa có nhà văn Việt Nam nào có sức sáng tạo và khối lượng tác phẩm lớn như Hồ Biểu Chánh. Không chỉ thế, tiểu thuyết của ông là những câu chuyện về vùng đất và con người Nam bộ vào đầu thế kỷ 20. Đọc Hồ Biểu Chánh, người đọc càng hiểu thêm về những con người rất đỗi dung dị, bình thường của vùng quê miền Nam dù ông xuất thân từ chốn quan trường. Nội dung tác phẩm của ông không chỉ miêu tả hiện thực xã hội mà còn đề cao tình nghĩa, đạo lý của con người. Qua những câu chuyện, nhân vật trong tiểu thuyết, có thể nhận ra ông là người vừa biết nâng niu, giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc, lại vừa có tư tưởng rất tiến bộ. Độc đáo hơn nữa, dù tiểu thuyết là một thể loại rất hiện đại so với thời điểm ấy, nhưng với lối văn phong giản dị, ngôn ngữ rặt chất Nam bộ, từ cách dẫn chuyện, cách trình bày diễn tiến câu chuyện đến tâm lý, đặc tính, lời nói, ý nghĩ của nhân vật... tất cả đều hòa hợp với không gian sống, với khung cảnh và môi trường sinh hoạt, tạo ra nét quen thuộc, gần gũi với độc giả, nhất là độc giả miền Nam. Phong cách "tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh" đã tạo nên một con đường rất riêng cho ông trên văn đàn và chiếm ngôi vị độc tôn, không ai có thể bắt chước và có thể so sánh.

 

Là một trong ba nhà văn Đồng Nai đoạt giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (năm 2006), một trong những phần thưởng cao quý nhất, về mặt văn chương, Lý Văn Sâm là một tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam từ trước năm 1945, sánh ngang tầm với các nhà văn đương đại trong thời điểm đó. Theo ông Bùi Quang Huy, nhắc đến Lý Văn Sâm, không thể không nhắc đến các tác phẩm thuộc thể tài tiểu thuyết đường rừng của ông như Kòn Trô, Sương gió biên thùy... Ông là nhà văn đầu tiên và duy nhất ở Nam bộ viết về đề tài đặc biệt này, có thể sánh ngang với những nhà văn chuyên viết truyện đường rừng ở phía Bắc như Lan Khai, TchyA. Ngoài ra, Lý Văn Sâm còn là "một trong hai cây bút xuất sắc nhất của dòng văn chương tranh đấu miền Nam trước năm 1954", với khá nhiều tác phẩm viết về đời sống sinh hoạt của đô thị miền Nam, đặc biệt là tập trung khắc họa hình tượng người trí thức tìm về cội nguồn dân tộc. Nhiều nhà phê bình nhận định rằng, cho đến nay chưa có sáng tác nào thành công như thế khi viết về tầng lớp trí thức đô thị. Những tác phẩm của ông không chỉ thu hút độc giả mà còn khơi gợi lòng yêu nước, lý tưởng tự do, công bằng và bác ái trong lòng họ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng cho rằng, chính lý tưởng yêu nước trong tiểu thuyết của Lý Văn Sâm đã dẫn dắt nhà văn xứ Huế này đi theo kháng chiến. Chi tiết này đã chứng tỏ được sức mạnh văn chương từ ngòi bút của ông. Về khía cạnh xã hội, Lý Văn Sâm không chỉ là một nhà văn mà còn là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, một người Cộng sản rất trung kiên, cả cuộc đời dấn thân vì cách mạng, dân tộc, sử dụng ngòi bút của mình để chiến đấu cho lý tưởng. Lý Văn Sâm đã trở thành một biểu tượng rất đáng tự hào cho đất Đồng Nai, góp phần làm rạng danh cho xứ sở Đồng Nai. Năm 2002, NXB tổng hợp Đồng Nai đã hết sức trân trọng khi tập hợp và cho in bộ Lý Văn Sâm toàn tập (do Bùi Quang Huy sưu tầm, giới thiệu) dày gần 3.000 trang. Nhưng do kinh phí xuất bản từ nguồn ngân sách để phục vụ nhiệm vụ chính trị là chủ yếu nên trên thị trường không ai biết, độc giả không thể tìm mua được ở các nhà sách. Cách làm này đã phần nào hạn chế việc giới thiệu tác giả và tác phẩm với người yêu sách. Tên tuổi Lý Văn Sâm vì thế vẫn còn chịu cảnh khuất lấp, những giá trị văn học trong tác phẩm của ông chưa được phát huy vì bạn đọc khó có điều kiện tiếp cận. Việc xuất bản lần này được thực hiện từng quyển lẻ, đúng với bản in lần đầu và phát hành rộng rãi trên toàn quốc sẽ giúp đông đảo độc giả có dịp hiểu biết đầy đủ về ông.

Từ trước đến nay việc xuất bản những tác phẩm văn học viết về Nam bộ vẫn có, nhưng rất ít. Vì thế, khi Đồng Nai chuẩn bị kỷ niệm Biên Hòa 310 năm thì việc NXB tổng hợp Đồng Nai giới thiệu lại những thành tựu của các nhà văn Nam bộ, trong đó có Đồng Nai, là việc làm cần thiết và ý nghĩa. Nét mới trong đợt xuất bản lần này là kinh phí thực hiện không phải từ nguồn tài trợ ngân sách như trước kia mà hoàn toàn bằng phương thức xã hội hóa. Bộ sách Lý Văn Sâm (gồm 10 quyển) do Công ty cổ phần văn hóa Nhân Văn đầu tư in ấn và phát hành. Còn hai bộ sách Hồ Biểu Chánh và Bình Nguyên Lộc do Nhà sách Văn Chương phối hợp thực hiện. Hiện nay, 10 đầu sách của Lý Văn Sâm vừa ra mắt độc giả với số lượng 1.000 bản/đầu sách. Bộ sách Bình Nguyên Lộc đã được in 3 tựa, gồm: Đò dọc, Gieo gió gặt bão và Khi Từ Thức về trần. Từ nay đến khoảng tháng 12-2009, 54 tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh và trên 50 tác phẩm khác của Bình Nguyên Lộc cũng với số lượng in, quy cách, hình thức như trên sẽ lần lượt được phát hành. Với đợt xuất bản này, những di sản văn học của Nam bộ sẽ được giới thiệu rộng rãi đến công chúng một cách trân trọng nhất.

 

Bình Nguyên Lộc - nhà văn sinh ra và lớn lên ở Biên Hòa cũng có khối lượng tác phẩm khá lớn: trên 50 tiểu thuyết và hơn 1.000 truyện ngắn, trong đó có những tác phẩm rất nổi tiếng như Đò dọc, Gieo gió gặt bão, Xô ngã bức tường rêu, Nhìn Xuân người khác... Ngoài ra, ông còn là một nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học, dân tộc học, văn học dân gian, lĩnh vực nào ông cũng có những thành tựu đáng chú ý. Theo ông Bùi Quang Huy, một người như Lý Văn Sâm vẫn luôn tự nhận mình là người "học trò nhỏ" của Bình Nguyên Lộc; còn nhà văn Sơn Nam lại kể rằng, chính tác giả Đò dọc đã dạy cho ông cách viết văn. Không chỉ nổi tiếng trên văn đàn, Bình Nguyên Lộc còn là người sống có khí tiết, tác phẩm của ông luôn phản ánh nét trong sáng, thiết tha yêu quê hương xứ sở. Những câu chuyện rất giản dị, rất đời thường nhưng thấm đẫm nghĩa tình người Nam bộ đã giúp người đọc giữ gìn bản sắc, hồn dân tộc trong cơn bão táp thời cuộc, đến nay vẫn là những khúc ca đồng nội làm người đọc thêm yêu mến quê hương. Từ sau năm 1975, tác phẩm của Bình Nguyên Lộc hầu như rất ít được tái bản, nếu có, hầu hết là ở nước ngoài. Đây là lần đầu tiên việc tái bản tác phẩm của Bình Nguyên Lộc ngay tại quê hương ông và tại Việt Nam một cách đầy đủ nhất...

Thanh Thúy

 

 

 

Tin xem nhiều