Báo Đồng Nai điện tử
En

Chùa Hóc Ông Che

09:09, 29/09/2008

Chùa Hóc Ông Che, còn có tên gọi là Hiển Lâm sơn tự, tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc địa phận xã Hóa An, TP.Biên Hòa. Tên gọi dân gian lẫn tên chữ Hán đều hàm chỉ đây là một ngôi chùa ở chốn rừng sâu.

Chùa Hóc Ông Che, còn có tên gọi là Hiển Lâm sơn tự, tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc địa phận xã Hóa An, TP.Biên Hòa. Tên gọi dân gian lẫn tên chữ Hán đều hàm chỉ đây là một ngôi chùa ở chốn rừng sâu.

 

Sau một thời gian tu học ở chùa núi Châu Thới do Hòa thượng Khánh Long dạy bảo, thiền sư Huệ Lâm (tục danh là Bùi Văn Tươi) đến khu rừng sâu ở Hóa An lập chùa, bốc thuốc giúp dân. Thoạt đầu, ông che một cái chòi nhỏ để trú nắng mưa. Có lẽ vì thế người ta gọi nơi ấy là hóc có ông che chòi. Lại có người cho rằng, do đêm đêm người ta nghe tiếng rừng thiêng lảnh lót như tiếng che ép mía nên gọi nơi đó là Hóc Ông Che.

 

Chùa được tạo dựng vào khoảng năm 1920. Ban đầu, ngôi chùa nhỏ, thấp. Vào các năm 1930 và 1975, chùa được trùng tu và mở rộng phần chánh điện, nhà Tổ, nhà giảng với kiểu thức kiến trúc hình chữ đinh, bằng vật liệu kiên cố. Khuôn viên chùa rộng, được ngăn cách với bên ngoài bởi bức tường gạch cao. Từ cổng vào chùa được lót bằng đá xanh, sân chùa khá rộng, xung quanh cũng được kè bằng đá xanh và gắn những bình gốm lớn. Kiểu thức kiến trúc nghệ thuật cổ còn bảo lưu đậm nét với kết cấu dạng nhà tứ trụ. Nội thất chùa với những cột gỗ cao treo câu đối, bao lam và hoành phi được chạm trổ tinh tế. Chánh điện chùa bài trí các ban, tượng thờ Phật. Nối tiếp với chánh điện là nhà Tổ thờ Đức tổ Huệ Lâm thiền sư và gian thờ Tam Thế Phật. Nhà Giảng được xây song song với nhà Tổ.

 

Trong khuôn viên chùa có am chư vị, tháp tổ sư. Am chư vị thờ các âm binh âm tướng tương truyền là lực lượng đã từng trợ giúp hai thầy võ địa phương đánh cọp dữ cứu dân làng thời khai khẩn. Phía sau chùa, trên gò đất cao, có đảnh thờ các vị nữ thần: Linh Sơn Thánh Mẫu, Ngũ Hành, Nữ Oa. Từ chùa có đường đi lên đảnh được làm bằng những  phiến đá xanh độc đáo.

Bộ sưu tập tượng thờ ở chùa Hóc Ông Che khá độc đáo, được đánh giá: "Sưu tập tượng gốm đất nung và tượng gỗ ở chùa khá phong phú về số lượng, có giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử sâu sắc. Tượng gốm đất nung Đồng Nai mà đỉnh cao là tượng gốm đất nung ở chùa Hóc Ông Che là thành tựu nghệ thuật chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử gốm mỹ thuật Nam bộ, là kết quả giao lưu giữa gốm Việt và gốm của nhóm di dân người Hoa... Mỗi tượng đều đạt trình độ nghệ thuật đáng chú ý".

 

Đến với chùa, khách hành hương càng thú vị biết bao khi nghe được những chuyện tích liên quan của chốn thiền lâm thời khai mở. Chốn rừng sâu Hóa An trước kia là rừng thiêng nước độc, có nhiều thú dữ hoành hành. Nơi rừng sâu ấy từng có con cọp dữ chuyên bắt người đi rừng, trở thành nỗi kinh hoàng của người dân. Một thầy võ đã từng tập hợp môn sinh, ngày đêm luyện tập để trừ họa cứu dân. Trong một trận quyết chiến kéo dài cả ngày lẫn đêm, người thầy võ dũng cảm đã dùng hết sức bình sinh và ngón võ điêu luyện diệt cọp, hy sinh cả mạng sống của mình...

 

Chùa Hóc Ông Che là một cơ sở tín ngưỡng, gắn liền với những chuyện tích buổi đầu khai phá vùng Hóa An, là một trong những di tích lịch sử quan trọng của Biên Hòa...

Phan Đình Mỹ

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích