Yêu thương, chia sẻ, tôn trọng để xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu của các gia đình Việt Nam hiện đại. Trong đó, các vấn đề xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới đang được nhiều người quan tâm.
Yêu thương, chia sẻ, tôn trọng để xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu của các gia đình Việt
* Bình đẳng giới: vẫn còn nhiều điều đáng bận tâm
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, tỷ lệ bình đẳng giới trên địa bàn Đồng Nai diễn ra khá đồng đều trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục - đào tạo, y tế... Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2005 - 2010 ở cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 20,41%, cấp huyện gần 21%, cấp xã - phường trên 18%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa 11, 12 là 30%; nữ tham gia HĐND cấp tỉnh là 31,50%, cấp huyện là 26,45%, cấp xã - phường là 22,09%; nữ tham gia lãnh đạo cấp tỉnh là 18,52%, cấp huyện, thành phố là 10%. Toàn tỉnh có 2.608 doanh nghiệp, chi nhánh văn phòng đại diện do phụ nữ làm chủ, chiếm 27,69%. 42% tỷ lệ lao động nữ được đào tạo (trong đó có 36% lao động nữ được đào tạo nghề) v.v...
Trong thực tế, phụ nữ Đồng Nai đã tham gia ở tất cả các loại hình, nghề nghiệp, song chủ yếu tập trung vào các nghề dịch vụ, giản đơn, không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Trong lao động việc làm, mặc dù chênh lệch về tỷ lệ tham gia các hoạt động kinh tế không lớn, nhưng thu nhập trung bình thực tế của nam giới vẫn cao hơn. Mặt khác, xã hội vẫn còn nặng về quan niệm con trai hơn con gái, vẫn coi công việc gia đình là trách nhiệm của riêng người phụ nữ, công tác định hướng nghề nghiệp vẫn theo hướng truyền thống..., nên việc đầu tư cho trẻ em gái học tập không được chú ý nhiều. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn về trình độ năng lực và tay nghề của phụ nữ thấp, khiến họ chỉ có thể làm những công việc đơn giản, ổn định, làm việc những nơi không có điều kiện, thu nhập thấp, bấp bênh, dễ mất việc làm hoặc không được bảo hiểm..., ảnh hưởng đến nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
Mặt khác, vấn đề bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra ở cả thành thị và nông thôn. Riêng trong năm 2007, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 800 vụ bạo lực gia đình, trên 2.000 vụ ly hôn và 29 vụ giao cấu với trẻ em gái. Cũng trong năm vừa qua, 407 phụ nữ trong tỉnh đã kết hôn với Việt kiều và 426 trường hợp phụ nữ kết hôn với ngoại kiều. Tình trạng ngược đãi phụ nữ trong gia đình vẫn còn tồn tại ở nông thôn và thành thị, trong tất cả các nhóm xã hội và còn quan niệm là vấn đề riêng tư, thuộc nội bộ gia đình, nên những nỗ lực của các cơ quan chức năng, đoàn thể chưa mang lại hiệu quả cao.
Qua thống kê, phụ nữ kết hôn với người Đài Loan đa số sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trình độ văn hóa thấp, nhận thức về Luật Hôn nhân - gia đình có yếu tố nước ngoài chưa sâu; nghề nghiệp của hai bên nam nữ phần lớn làm công nhân, làm ruộng, rẫy với độ tuổi chênh lệch nam thường lớn hơn nữ từ 10 - 15 tuổi và quan trọng là bất đồng về ngôn ngữ nên rất khó để có gia đình hạnh phúc.
* Thực hiện bình đẳng giới và xây dựng gia đình hạnh phúc
Thực tế, trong bối cảnh của thời kỳ đầu hội nhập đã và đang xuất hiện những xu hướng rất đáng lo ngại: sự giảm sút những giá trị đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam; giảm sút trách nhiệm gia đình trong việc thực hiện các chức năng xã hội; sự gia tăng ly hôn và xung đột trong gia đình; xuất hiện nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài vì mục đích kinh tế; sự buông thả trong cuộc sống của một số thanh thiếu niên; tình trạng trẻ em cơ nhỡ bị bóc lột lao động, lạm dụng tình dục, người già bị con cái bỏ rơi...
Từ đó, các giải pháp được đưa ra để đảm bảo thực hiện bình đẳng giới và xây dựng gia đình hạnh phúc là cần có sự phối hợp liên ngành trong việc thực hiện đồng bộ các chỉ tiêu; có sự phân công trách nhiệm rõ ràng đối với các cơ quan, tổ chức, tập trung xây dựng và thi hành luật pháp, tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới. Đẩy mạnh hơn nữa việc lồng ghép giới vào quá trình hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển và thực thi chính sách ở tất cả các cấp, các ngành; lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm. Tăng cường đầu tư cho công tác giáo dục, dạy nghề, khuyến nông và đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, trong đó chú trọng các thông tin cảnh báo về tệ mại dâm, buôn bán phụ nữ và phát triển các hoạt động trợ giúp pháp lý, phòng ngừa hạn chế tối đa các tổn hại có thể xảy ra đối với phụ nữ. Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ và hệ thống các ban vì sự tiến bộ phụ nữ cấp huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở, ngành và năng lực của Hội Phụ nữ các cấp... Đồng loạt triển khai các giải pháp trên, vấn đề bình đẳng giới sẽ được thực hiện hiệu quả, góp phần tích cực trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc - tế bào quan trọng để xây dựng xã hội văn minh trong thời kỳ hội nhập.
Mai Hà