Vài năm nay, hình thức sinh hoạt văn hóa "Làng vui chơi, làng ca hát" đã trở nên rất quen thuộc với người dân vùng sâu vùng xa trong tỉnh. Cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi có dịp tham dự cuộc chơi được tổ chức tại xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ). Hôm ấy, bạn chơi và cũng là đối thủ "nặng ký" của "làng" Long Giao là " làng" Nhân Nghĩa.
Vài năm nay, hình thức sinh hoạt văn hóa "Làng vui chơi, làng ca hát" đã trở nên rất quen thuộc với người dân vùng sâu vùng xa trong tỉnh. Cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi có dịp tham dự cuộc chơi được tổ chức tại xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ). Hôm ấy, bạn chơi và cũng là đối thủ "nặng ký" của "làng" Long Giao là " làng" Nhân Nghĩa.
Khi chúng tôi đến nơi, dù còn khá sớm nhưng đã thấy cờ hội, cờ đỏ sao vàng và cờ đuôi nheo phấp phới bay trên các ngả đường. Tại nơi tổ chức hội, các diễn viên, vận động viên và cả các "fan" của hai làng đã đến cùng với lỉnh nghỉnh các loại "đạo cụ". Hai vị lãnh đạo huyện là bà Trịnh Thị Tố Mai, Phó chủ tịch UBND huyện và bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cũng đã có mặt cùng các cán bộ Phòng Văn hóa - thông tin (VHTT) và Trung tâm VHTT huyện. Nhìn gương mặt phấn chấn của cán bộ, nhân dân và không khí nô nức trên sân có thể thấy "làng vui chơi, làng ca hát" đã được mọi người chờ đợi từ lâu. Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Cẩm Mỹ cho biết, trước khi diễn ra "ngày hội văn hóa làng", hai xã Long Giao và Nhân nghĩa đã có vài tuần tập luyện và chuẩn bị đạo cụ. Ngoài phần thi văn nghệ, kiến thức, trình bày mâm ngũ quả còn có các trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo gẩy bóng, kéo co... Bên cạnh mục tiêu tăng cường sức khỏe, kỹ năng khéo léo, trình độ thẩm mỹ...cho người chơi, ban tổ chức còn sáng tạo thêm một số trò chơi mới mang ý nghĩa giáo dục như: "Hành quân thần tốc", "Bảo vệ môi trường"... Trong khoảng hai giờ đồng hồ, chúng tôi bị cuốn hút vào các trò chơi dân gian diễn ra trong tiếng hò reo cổ vũ hết mình của các "fan". Tiếng trống giòn dã thúc giục khiến người ta không thể không liên tưởng đến "sới vật" ở những làng quê Việt
Buổi tối cùng ngày đã diễn ra cuộc thi văn nghệ kết hợp với trả lời câu hỏi kiến thức của "đội tuyển" hai làng. Tuy "cây nhà lá vườn" nhưng các tiết mục văn nghệ cũng được chuẩn bị khá kỹ với nhiều thể loại phong phú: đơn ca, song ca, tốp ca, ngâm thơ, độc tấu... Những câu hỏi có liên quan đến văn bản, chính sách pháp luật đều được các bên trả lời trôi chảy, chứng tỏ có sự đầu tư khá kỹ. Nhưng hồi hộp và bất ngờ nhất chính là phần thi kiến thức với những câu hỏi hóc búa xoay quanh chuyện làm ăn của nhà nông như giải thích câu "Không lân không vôi thì thôi trồng đậu" hoặc phương pháp chọn bò cái giống tốt.v.v...
Tổ chức "Làng vui chơi, làng ca hát " là nỗ lực rất đáng ghi nhận của đội ngũ cán bộ VHTT cơ sở mà chủ yếu là các Trung tâm VHTT huyện. Sáng kiến này khởi đầu từ khi Đài VTV3 tổ chức mô hình "Làng kháng chiến" tại huyện Xuân Lộc vào năm 2004. Sau đó, cán bộ VHTT huyện với sự hỗ trợ của Trung tâm VHTT tỉnh đã linh hoạt tổ chức mô hình "Làng vui chơi, làng ca hát" (có học hỏi từ chương trình cùng tên của đài VTV3 ) và được nhân dân hưởng ứng tích cực. Đến nay, mô hình này từ Xuân Lộc đã lan sang các địa phương khác như Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Long Thành và triển vọng sẽ "phủ sóng" trong toàn tỉnh.
"Làng vui chơi, làng ca hát" là sân chơi được công chúng đón nhận bởi nó gần gũi, phù hợp với nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân các vùng nông thôn. Đây cũng là cơ hội cho các địa phương thi tài, thể hiện khả năng tổ chức. Vì vậy sẽ là không hay nếu các "làng" chạy theo thành tích mà quên đi tình đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Ngoài ra, để loại hình sinh hoạt văn hóa này ngày càng phong phú, hấp dẫn và bổ ích, các Trung tâm VHTT cần tìm tòi, đổi mới cả nội dung lẫn hình thức thể hiện, sao cho "Làng vui chơi, làng ca hát" là dịp đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp thêm nguồn sinh lực mới .
Hồng Ngọc