Một trong những mục tiêu mà Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đặt ra đến năm 2030 là phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đây là tỷ lệ khá khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng lại là thách thức không nhỏ của Việt Nam, một quốc gia có nền CNVH còn khá non trẻ.
Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam chỉ rõ, các ngành CNVH Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Đây được xác định là những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ VH-TTDL, đến năm 2018, doanh thu từ 12 ngành CNVH của Việt Nam mới đạt khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. Đến nay, con số này có tăng thêm, nhưng để đạt được 7% GDP còn là một khoảng cách.
Như với ngành điện ảnh, mục tiêu đặt ra đến năm 2030 doanh thu đạt khoảng 250 triệu USD, trong đó riêng phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD (tương đương 3 ngàn tỷ đồng). Đây là con số “khó nhằn” với phim Việt, bởi sự trồi sụt của chất lượng phim ra rạp. Dù thời gian qua đã có những phim đạt doanh thu trăm tỷ như: Nhà bà nữ, Lật mặt 6… nhưng để có những phim tương tự “xô đổ” kỷ lục doanh thu không dễ, nhất là trong điều kiện khán giả ngày càng có nhiều lựa chọn cho thế giới giải trí của mình. Dễ thấy là gần đây, một số phim dù ra mắt rầm rộ, được truyền thông tích cực ủng hộ song doanh thu vẫn không đạt như kỳ vọng.
Để các ngành CNVH của Việt Nam phát triển, đóng góp 7% GDP, theo nhiều chuyên gia, không nên đầu tư dàn trải cho cả 12 ngành CNVH mà nên lựa chọn phát triển những ngành Việt Nam có thế mạnh như: nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa… Đồng thời, đẩy mạnh thu hút và hỗ trợ, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành CNVH sẵn có lợi thế, tiềm năng; khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về CNVH.
Bên cạnh đó, cần tích cực hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành CNVH…
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin