Với số lượng lễ hội lớn được tổ chức trong năm 2023, Đồng Nai đã đẩy mạnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.
Biểu diễn lân - sư - rồng tại lễ hội kỳ yên đình Tân Lân (TP.Biên Hòa) năm 2022. Ảnh: L.Na |
Các hoạt động đã và đang góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh để các giá trị của lễ hội được bồi đắp và lan tỏa.
* Nhiều điểm sáng…
Là một trong những địa phương có nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức, ngay từ đầu năm, Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, hướng dẫn các di tích và nhân dân những quy định về quản lý, tổ chức lễ hội; tổ chức vui chơi giải trí, lễ hội truyền thống đảm bảo trang trọng, an toàn, lành mạnh, đúng nghi lễ truyền thống. Tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các di tích, đình chùa hầu như đều có đặt hòm công đức và sử dụng nguồn thu công đức để tổ chức lễ hội, phục vụ cho hoạt động bảo vệ di tích, đảm bảo minh bạch, đúng quy định.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, để đưa hoạt động lễ hội vào nề nếp, cùng với công tác tuyên truyền, thành phố chỉ đạo Phòng Văn hóa - thông tin phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch, các cơ sở thờ tự… tổ chức hoạt động đảm bảo thực hiện đúng quy định.
Tại H.Long Thành, toàn huyện có 6 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trên 181 cơ sở tín ngưỡng có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian. Trong năm 2023, địa phương đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức cho các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đăng ký tổ chức 22 lễ hội truyền thống; đồng thời, xây dựng các chương trình về nguồn gắn với các buổi sinh hoạt, nói chuyện và tìm hiểu các giá trị lịch sử, di tích cách mạng… thu hút nhân dân đến tham quan, chiêm bái, sưu tầm, nghiên cứu lịch sử. Tổng số người tham gia là trên 7 ngàn lượt người/năm.
Theo báo cáo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2023 của Bảo tàng Đồng Nai, trong năm đơn vị đã thực hiện kiểm kê và hoàn thành kiểm kê 48 lễ hội các dân tộc trên địa bàn H.Tân Phú (15 lễ hội) và H.Định Quán (33 lễ hội); đồng thời, thực hiện lập hồ sơ khoa học lễ hội Sayangva của người Chơro ở Đồng Nai trình Bộ VH-TTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, Bảo tàng Đồng Nai còn tổ chức sưu tầm hình ảnh và phim tư liệu về các lễ hội trên địa bàn tỉnh (240 hình ảnh; 8 phim tư liệu về lễ hội truyền thống); phối hợp với các địa phương thực hiện kiểm tra, hướng dẫn công tác tổ chức hoạt động lễ hội tại các di tích xếp hạng.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy di tích và lễ hội hàng năm còn hạn chế. Một số lễ hội ở các cơ sở tín ngưỡng dân gian vẫn còn hiện tượng xin xăm, bán hàng rong, làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội. Việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh của một số người dân tham gia lễ hội còn hạn chế, tình trạng xả rác, trang phục phản cảm, chen lấn tại một số lễ hội còn diễn ra.
Trong 2 ngày 5 và 6-12 (nhằm ngày 23 và 24-10 âm lịch), Ban Tế tự đình Tân Lân (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) tổ chức lễ hội kỳ yên đình Tân Lân nhân kỷ niệm 303 năm ngày mất của Đức Ông Trần Thượng Xuyên (1720-2023). Nhiều nghi lễ truyền thống được tổ chức như: cúng nhập đàn, cung thỉnh sắc Ông đi chu du, biểu diễn lân - sư - rồng… Đây là dịp để tưởng nhớ công ơn Đức Ông Trần Thượng Xuyên - người có công lớn trong việc khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng Đồng Nai - Gia Định.
* Gắn với quảng bá hình ảnh đất và người Đồng Nai
Toàn tỉnh hiện có 68 di tích đã được xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia, 37 di tích cấp tỉnh) và hơn 1,5 ngàn di tích phổ thông. Trong đó, một số di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật thường tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm. Cụ thể như: lễ hội kỳ yên ở đình, lễ vía Bà ở miếu, lễ vía Quan Thánh Đế quân...
Bên cạnh đó, còn có các lễ hội được tổ chức ở cộng đồng các dân tộc như: lễ hội Tả Tài Phán, lễ hội cúng thần nông; lễ hội mừng lúa mới (Sayangva); lễ hội Lồng tồng, lễ cấp sắc của dân tộc Dao; lễ hội Sen Đolta, lễ hội Ooc Om Bok của dân tộc Khmer...
TS Nguyễn Văn Quyết - nhà nghiên cứu văn hóa ở TP.Biên Hòa cho biết, lễ hội truyền thống ở Đồng Nai thường được chia làm 2 phần là lễ và hội. Các lễ hội truyền thống là nơi thực hành, trao truyền nhiều loại hình di sản văn hóa độc đáo, tiêu biểu của mỗi tộc người như: ẩm thực, tri thức dân gian, văn nghệ dân gian, trò chơi dân gian thu hút đông đảo nhân dân đến lễ bái và thưởng lãm. Hầu hết lễ hội được tổ chức trên tinh thần tiết kiệm, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.
“Các lễ hội thu hút khá đông nhân dân và du khách tham gia. Có rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống gắn với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Đồng Nai đến với du khách trong và ngoài nước” - TS Nguyễn Văn Quyết chia sẻ.
Mới đây, Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình đã ký văn bản triển khai thực hiện quyết định ban hành Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Trong đó, các đơn vị, địa phương tùy vào điều kiện, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tổ chức lễ hội; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về di tích, lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Bài trừ các hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực, các hành vi phản cảm trái thuần phong, mỹ tục dân tộc.
Ly Na
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin