Báo Đồng Nai điện tử
En

Cây bút mới Hạc Nha: Truyền lửa đam mê văn chương đến học trò

Hải Yến
09:00, 03/10/2023

Là giáo viên dạy văn Trường THPT Phú Ngọc (H.Định Quán), có niềm đam mê sáng tác văn học, cô giáo Lê Thị Hồng Nhạn - cây bút mới Hạc Nha đã luôn nuôi dưỡng niềm đam mê của mình. Quá trình sáng tác giúp cô hiểu sâu sắc hơn những tác phẩm văn học mà mình dạy, từ đó truyền lửa đam mê văn chương đến học trò.

Cô giáo Lê Thị Hồng Nhạn - cây bút mới Hạc Nha. Ảnh: H.YẾN
Cô giáo Lê Thị Hồng Nhạn - cây bút mới Hạc Nha. Ảnh: H.YẾN

Mong muốn lớn nhất của cô Hồng Nhạn là đem văn học đến gần hơn với học trò, giúp các em hiểu được những lợi ích thiết thực mà văn chương mang lại cho đời sống.

* Nuôi dưỡng đam mê

Là giáo viên dạy văn, cô Hồng Nhạn có sẵn niềm đam mê với văn chương và thường xuyên viết lách như một cách để tự sự cho thỏa nỗi lòng. Những bài viết của cô luôn nằm im trong sổ nhật ký, chỉ một số ít bài viết về học trò, mái trường được gửi đăng trên báo của Hội Khuyến học. Vì muốn “ẩn danh”, cô chọn bút danh Hạc Nha.

Năm 2015, trải qua biến cố lớn khi người em gái ruột mất vì bệnh ung thư máu, cô giáo Hồng Nhạn quyết định sẽ làm những việc mà mình yêu thích, ấp ủ. Điều đầu tiên là đi học cao học chuyên ngành Văn học. Trong quá trình học, cô được tiếp xúc nhiều hơn với mảng nghiên cứu, lý luận văn học và được giảng viên dạy cao học khuyến khích sáng tác. Truyện ngắn đầu tay Đêm và em được cô gửi tham dự cuộc thi Một nửa làm đầy thế giới và lọt vào tốp 5 của tháng, được Ban giám khảo đánh giá tốt.

Tác giả Hạc Nha đã có một số tác phẩm được đăng trên Báo Đồng Nai, trong đó có truyện ngắn Bến xuân, đăng trên báo Xuân Đồng Nai năm 2023.

“Khi đó, tôi nghĩ, à thì ra mình cũng có thể sáng tác được. Sau đó, qua nhiều cơ duyên, tôi có dịp quen với một số nhà văn, nhà thơ và gửi sáng tác của mình cho các tiền bối nhận xét rồi sửa lại và được đăng báo. Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp là người đã dành nhiều thời gian để đọc tác phẩm của tôi rồi đưa ra nhận xét tỉ mỉ, giúp tôi tự hoàn thiện tác phẩm của mình. Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp cũng chính là người đã động viên, giới thiệu tôi tham gia Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai (Ban Văn học)” - cô Hồng Nhạn chia sẻ.

Năm 2021, cô Hồng Nhạn được kết nạp Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai và bắt đầu quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho việc sáng tác. Mỗi tác phẩm của cô đều được các bậc tiền bối trong Ban Văn học, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai nhận xét nhiệt tình, chỉ ra những chỗ còn hạn chế để dần hoàn thiện kỹ năng viết.

* Truyền lửa đam mê văn chương cho học trò

Tuy kết nạp Hội Văn học nghệ thuật chưa lâu nhưng cô Hồng Nhạn đã được tham gia trại sáng tác 2 lần. Đây là cơ hội để cô được gặp gỡ, cùng sáng tác với các hội viên của tỉnh.

Cô Hồng Nhạn chia sẻ: “Cuộc sống ở quê, nói về sáng tác văn chương là điều xa lạ lắm. Tôi hầu như không có bạn thơ, bạn văn để trò chuyện. Vì vậy, khi đi trại sáng tác chính là lúc tôi được sống trong thế giới chỉ có văn chương, sáng tác. Tôi được mở mang tầm nhìn, biết thêm nhiều tác phẩm, anh chị em nghệ sĩ. Điều này khiến tôi rất hạnh phúc và có cảm hứng, động lực sáng tác nhiều hơn”.

Cô Hồng Nhạn tự nhận mình viết chưa tốt lắm song có nhiều thuận lợi để làm công việc sáng tác. Là giáo viên dạy văn, cô được tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học; biết kỹ thuật khai thác, xây dựng nhân vật, xây dựng cốt truyện, tình huống truyện, nội dung, nghệ thuật… Ngược lại, quá trình sáng tác văn học cũng giúp ích rất nhiều cho cô trong quá trình giảng dạy.

Cô Hồng Nhạn chia sẻ: “Từ khi tham gia Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, dấn thân vào sáng tác văn học, tôi cũng đầu tư nhiều hơn cho dạy học. Tôi không dạy một chiều như trước đây nữa mà có ý thức khai thác sâu và rõ hơn tác phẩm để dạy học trò. Bản thân tôi cũng hiểu và trân trọng hơn từng câu chữ, từng ý mà nhà văn chắt chiu trong các tác phẩm. Hiểu được những thổn thức, đắn đo, canh cánh trong lòng nhà văn… để truyền tải đến học trò một cách có hồn hơn chứ không “thao thao bất tuyệt”, dạy một cách máy móc”.

Cô Hồng Nhạn cho biết, mong muốn lớn nhất của cô là đem văn học đến gần hơn với học trò, giúp các em hiểu được những lợi ích thiết thực mà văn chương mang lại cho đời sống.

Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai nhận xét, vài năm trở lại đây ghi nhận một bước tiến dài của nhà văn Hạc Nha. Ban đầu, cây bút trẻ này chỉ viết những tản văn nhưng sau đó thì viết truyện ngắn, trong đó có một số tác phẩm đã được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai và Báo Đồng Nai.

“Hạc Nha chưa phải là người có kỹ năng viết hoàn hảo nhưng lại là cây bút giàu cảm xúc và thể hiện được thế giới nội tâm phong phú, tinh tế của phụ nữ. Ưu điểm lớn của Hạc Nha là có niềm đam mê đối với văn chương. Chính quá trình viết lách đã mang lại nhiều lợi ích cho một nhà văn là cô giáo dạy văn. Vì muốn viết giỏi thì phải đọc nhiều, điều này giúp cho Hạc Nha mở rộng được kiến văn, mở rộng tri thức và có thể truyền đạt được cảm xúc, những cảm hứng về văn học đến với học sinh…” - nhà văn Hoàng Ngọc Điệp cho hay.          

Hải Yến

Tin xem nhiều