Báo Đồng Nai điện tử
En

Niềm vui khi di tích được trùng tu, tôn tạo

Văn Truyên
08:39, 16/09/2023

Được sự quan tâm của UBND tỉnh, từ tháng 12-2022 đến nay, Bảo tàng Đồng Nai đã thực hiện bảo quản sơn son thếp vàng các hiện vật tại nhiều di tích trên địa bàn tỉnh.

Trưởng ban Quý tế đình Phước Lư (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) Tống Hữu Giàu lau bức hoành phi vừa được Nhà nước thực hiện trùng tu, bảo quản. Ảnh: Sông Thao

Đây là niềm vui của nhân dân, ban quý tế các di tích khi hàng loạt di tích được trùng tu, tôn tạo ở nhiều mức độ khác nhau…

* Dành nguồn lực lớn cho di tích

Giữa tháng 9-2023, dự án Trùng tu, tôn tạo di tích Đền thờ Nguyễn Tri Phương (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) được khởi công.

Theo ông Nguyễn Văn Thoại, Trưởng ban Quý tế Đền thờ Nguyễn Tri Phương, trước khi dự án được triển khai, các hạng mục: nhà khách, tiền điện, chánh điện, sân đường nội bộ bị xuống cấp, thấm dột nhiều vị trí làm mất mỹ quan di tích và không đảm bảo an toàn cho người dân khi đến tham quan và dâng hương tại di tích.

 “Trước đây, Ban Quý tế và bà con chủ động quyên góp để sửa chữa. Nhưng với nguồn lực hạn chế, việc này chỉ mang tính chắp vá tạm thời. Do vậy, khi Nhà nước bố trí kinh phí thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo đền thờ khiến Ban Quý tế, người dân địa phương rất phấn khởi” - ông Thoại chia sẻ.

Dự án Trùng tu, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Tri Phương được thực hiện với tổng kinh phí trên 8,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Công trình dự kiến hoàn thành trong tháng 1-2024. Điểm đáng chú ý là thời điểm khởi công và dự kiến hoàn thành công trình đúng vào dịp kỷ niệm 150 năm ngày mất danh tướng Nguyễn Tri Phương.

Trước đó, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi sơn son thếp vàng hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ di tích đình Phước Lộc, đình Phước Nguyên (H.Long Thành), đình Phước Thiền (xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch), di tích đình Bình Thiền, đình Phước Lư (TP.Biên Hòa).

Dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi sơn son thếp vàng hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ tại các di tích nhằm tránh sự hư hỏng tiếp theo, kéo dài tuổi thọ cho các hiện vật tại di tích. Hiện vật sau khi được bảo quản, tu bổ, phục hồi sẽ góp phần nâng cao giá trị, sức thu hút đối với du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tham gia tích cực vào việc phát triển du lịch văn hóa địa phương, tạo sức thu hút đối với du khách trong và ngoài nước đến dâng hương, tham quan di tích, tăng thêm tính phong phú và đa dạng các loại hình di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật ở Đồng Nai.

Trưởng ban Quý tế đình Phước Lư Tống Hữu Giàu cho hay, Ban Quý tế, bá tánh đến với đình rất vui khi những hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ có tuổi đời từ năm 1912, 1930 tại di tích được Nhà nước kịp thời bảo quản, tu bổ, phục hồi sơn son thếp vàng. Đây là những hiện vật đóng vai trò “linh hồn” của đình trong suốt chiều dài lịch sử từ khi được hình thành đến nay.

* Chú trọng bảo tồn phần gốc trong trùng tu, tôn tạo

Song song với việc bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích, yêu cầu bảo tồn yếu tố gốc được tỉnh đặc biệt chú trọng. Bởi thời gian qua, nhiều câu chuyện buồn đã xảy ra đối với các di tích trên cả nước khi mà sau quá trình trùng tu, tôn tạo, yếu tố gốc bị xóa sổ, bê tông cốt thép thay thế cho những kết cấu của đình, đền tồn tại hàng trăm năm.

Từ tháng 12-2022 đến nay, có 46 hoành phi, 24 cặp câu đối, 36 bảng thờ chữ được bảo quản, tu bổ, phục hồi sơn son thếp vàng với tổng kinh phí trên 5,2 tỷ đồng.

Vậy nên khi trùng tu, tôn tạo hạng mục chánh điện tại Đền thờ Nguyễn Tri Phương, các đơn vị liên quan đặt ra mục tiêu phải thiết lập nhà bao che trước khi thực hiện trùng tu, tôn tạo. Trong quá trình hạ giải toàn bộ hệ bờ mái, mái lợp ngói âm dương sẽ thu hồi 40% để tái sử dụng. Đồng thời, đảm bảo bảo quản, giữ nguyên kết cấu nguyên gốc còn lại trên bờ mái, bảo quản nguyên trạng phần nền lát gạch hoa xi măng và gạch tàu. Các cấu kiện còn tốt, cần vệ sinh bảo quản lắp dựng lại như cũ. Giữ gìn tối đa các hoa văn họa tiết chạm trên bề mặt gỗ. Tô trát lại tường bằng vữa tam hợp, quét vôi màu theo màu nguyên gốc. Phục hồi mái lợp ngói âm dương không men truyền thống...

Còn tại các đình, đền, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi sơn son thếp vàng hiện vật đều tuân thủ nguyên tắc ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích. Tất cả các hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ được bảo quản theo phương pháp truyền thống. Các vật liệu chính sử dụng cho công trình là sơn ta, vàng quỳ, bột màu, gỗ tự nhiên... 

Đối với phần thếp vàng còn có lớp sơn cầm rồi thếp vàng hoàn thiện. Các lớp sơn còn được thực hiện tùy vào các cấu kiện, hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ và vị trí để thi công cho hợp lý và giữ được vẻ tinh xảo của các hoa văn họa tiết trang trí trên hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ.

Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư, đơn vị chuyên môn cùng ban quý tế, ban quản lý các di tích có sự phối hợp chặt chẽ.

Trưởng ban Quý tế đình Phước Lư Tống Hữu Giàu cho hay, quá trình rà soát, rồi lên phương án, triển khai thực hiện, các cơ quan chức năng của tỉnh đều tham vấn ý kiến ban quý tế, các bậc cao niên; đồng thời, dự án có sự tham gia của các chuyên gia nên khi hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo, Ban Quý tế, bá tánh đánh giá rất cao vì yếu tố gốc được bảo tồn, những hư hỏng được khắc phục.

Văn Truyên

Tin xem nhiều