Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo tồn di tích - nhìn từ Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư

Hải Yến
09:01, 12/09/2023

Cố đô Hoa Lư nằm trong vùng lõi quần thể Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, là nơi phát tích của 3 triều đại phong kiến Việt Nam là: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu triều đại nhà Lý. Đây là địa điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến với Ninh Bình. 

Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư Lê Thị Bích Thục (bìa phải) giới thiệu về Khu di tích đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng với đoàn du khách Đồng Nai. Ảnh: H.Yến

Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư là đơn vị quản lý và tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư. Đây là mô hình hoạt động hiệu quả, không chỉ làm tốt công tác bảo tồn mà còn thu hút được ngày càng nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.

* Điểm tham quan hấp dẫn

Năm 1962, Di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích quốc gia. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2014, Di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư thuộc Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Cố đô Hoa Lư có hơn 30 di tích liên quan đến 2 triều Đinh - Tiền Lê, đa dạng về loại hình thờ tự như: lăng tẩm, đền, miếu, phủ, chùa. Trong các di tích này, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành là công trình tiêu biểu, đặc sắc nhất. 2 công trình này được xây dựng và trùng tu kế tiếp nhau qua nhiều triều đại, nhưng hiện nay vẫn mang đậm nét phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Công trình vẫn giữ được nguyên nét cổ kính, rêu phong nhưng vẫn vững chãi.

Sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch của tỉnh Ninh Bình nhanh chóng phục hồi và phát triển. Năm 2022, tỉnh này đón khoảng 3,7 triệu lượt du khách (tăng 3,6 lần so với năm 2021). Ninh Bình đặt mục tiêu đón 4,5 triệu lượt khách trong năm 2023 nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm đã đạt được chỉ tiêu đề ra.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành tọa lạc tại xã Trường Yên, H.Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ vua Đinh, cha mẹ, các con trai ông và bài vị các tướng triều Đinh. Nơi đây, long sàng được công nhận là bảo vật quốc gia. Long sàng được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Trải qua 400 năm, các hoa văn trên long sàng gần như vẫn còn nguyên vẹn đến từng chi tiết nhỏ.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở nơi chính điện kinh đô Hoa Lư ngày xưa. Trước mặt đền là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa. Trên núi có lăng mộ vua Đinh, đường lên lăng mộ vua được lát các bậc đá hoa, hàng ngày có nhân viên quét dọn sạch sẽ. Du khách lên viếng mộ vua có thể đứng trên đỉnh núi Mã Yên để nhìn ngắm toàn cảnh khu di tích và cánh đồng bao la rộng lớn bao quanh. Các nhà nghiên cứu đánh giá, đền thờ vua Ðinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo với giá trị nổi bật là các tác phẩm chạm khắc gỗ và đá có niên đại từ thế kỷ XVII-XIX.

Cách đền thờ vua Đinh khoảng 300m là đền thờ vua Lê Đại Hành, có quy mô nhỏ hơn đền thờ vua Đinh. Điêu khắc gỗ trong kiến trúc ở đền thờ vua Lê Đại Hành tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê.

* Tăng cường truyền thông, ứng dụng công nghệ

Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Ninh Bình. Trung tâm có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao thực hiện, quản lý và tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư.

Trung tâm này có Ban giám đốc và 5 tổ chuyên môn. Để chủ động trong công tác thông tin, tuyên truyền, trung tâm có website riêng (https://codohoalu.vn), thường xuyên đăng tải các thông tin hoạt động của trung tâm và các bài viết về văn hóa, lịch sử, công tác bảo tồn…

Tháng 7-2023, trung tâm đã ra mắt phục vụ du khách sản phẩm quét mã QR thuyết minh tự động tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư. Công nghệ thuyết minh chuyển đổi số này giúp cho du khách có thể truy cập nhanh chóng vào trang thuyết minh bằng mã QR khi được số hóa dữ liệu thuyết minh.

Toàn bộ thông tin dạng chữ viết, âm thanh, hình ảnh của Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư được đưa lên ứng dụng. Ứng dụng tự động phiên dịch sang tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Pháp…, giúp cho du khách trong nước và quốc tế tiếp cận nhanh một cách chủ động. Theo đó, khi quét mã QR, du khách sẽ được nghe các bài thuyết minh tự động theo văn bản tại màn hình điện thoại, du khách có thể tạm dừng hoặc nghe lại các đoạn thuyết minh.

Khi khách tham quan mua vé sẽ sử dụng biểu tượng website Cố đô Hoa Lư từ màn hình điện thoại để truy cập chức năng quét mã QR, sau đó quét mã QR của vé điện tử để lưu thông tin và sử dụng chức năng thuyết minh mà không cần cài đặt ứng dụng.

Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư Lê Thị Bích Thục cho hay: “Trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững đã có những đóng góp quan trọng vào việc tạo ra nhận thức, hành động đúng đắn từ mỗi người dân địa phương, du khách. Bản thân mỗi người dân, du khách về cơ bản đã có cách ứng xử phù hợp với di sản, gắn trách nhiệm của cộng đồng địa phương với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, góp phần vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh di sản của Việt Nam đối với du khách trong nước và quốc tế”.

Hải Yến

Tin xem nhiều