Trang trại Sơn Thủy Hà tại xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ) là cơ sở nuôi bò thịt có quy mô lớn nhất tỉnh. Điểm nhấn của trang trại là áp dụng mô hình tuần hoàn từ chăn nuôi, giết mổ, phân phối thịt cho đến xử lý chất thải.
Trang trại Sơn Thủy Hà tại xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ) là cơ sở nuôi bò thịt có quy mô lớn nhất tỉnh. Điểm nhấn của trang trại là áp dụng mô hình tuần hoàn từ chăn nuôi, giết mổ, phân phối thịt cho đến xử lý chất thải.
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy thăm Trang trại bò Sơn Thủy Hà tại H.Cẩm Mỹ. Ảnh: H.Lộc |
Bên cạnh đó, trang trại còn hợp tác với nhiều nông dân trong vùng tiêu thụ nông sản và bán phân bón hữu cơ.
* Mô hình khép kín
Với quy mô chăn nuôi 20 ngàn con, Trang trại Sơn Thủy Hà hiện là cơ sở nuôi bò thịt lớn nhất tỉnh. Con giống chủ yếu được nhập khẩu từ Australia, một số nước trong khu vực Đông Nam Á và nội địa. Sản phẩm được giết mổ trực tiếp và phân phối vào hệ thống các cửa hàng tiện lợi, siêu thị.
Ông Lưu Sơn Thủy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn Thủy Hà, chủ trang trại cho biết, H.Cẩm Mỹ có nguồn nguyên liệu rất dồi dào như: cây bắp sinh khối, phụ phẩm nông nghiệp và lúa, bắp, mì. Đây là nguồn thức ăn tuyệt vời, phù hợp với định hướng nuôi bò theo hướng hữu cơ, chi phí nguồn thức ăn chăn nuôi rẻ và chất lượng thịt đảm bảo của công ty.
Từ nhiều năm trước, công ty đã hợp tác với nông dân ở H.Cẩm Mỹ, H.Xuân Lộc thu mua phụ phẩm, sản phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò. Mỗi con bò được gắn chíp theo dõi trọng lượng, tình trạng sức khỏe. Trên cơ sở đó, công nhân sẽ điều chỉnh lượng thức ăn để bò không bị tăng trưởng quá nhanh hoặc chậm lớn, ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Việc này cũng nhằm giúp đối tác, người tiêu dùng tra cứu được thông tin nguồn gốc, quy trình chăm sóc, thời gian sinh trưởng của con bò.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như sức khỏe vật nuôi, công ty đầu tư hơn 20 tỷ đồng làm hệ thống xử lý chất thải. Bò không phải tắm rửa nên nước thải gần như không có. Trung bình 3-4 ngày, công nhân sẽ gom phân từ chuồng đưa vào xử lý mùi hôi rồi đóng bao bán.
“Khoảng 90% phân vi sinh từ chất thải bò chúng tôi bán cho Thaco (Công ty CP Tập đoàn Trường Hải) đưa sang Campuchia phục vụ sản xuất nông nghiệp. Phần còn lại, công ty bán cho nông dân địa phương làm phân bón trồng trọt” - ông Thủy chia sẻ.
Việc hợp tác này đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Công ty có nguồn nguyên liệu thức ăn cho bò ổn định và chất lượng, có thị trường tiêu thụ phân bón. Còn nông dân có đầu ra cho nông sản, kể cả phụ phẩm, yên tâm về chất lượng và giá cả khi sử dụng phân bón vi sinh của công ty.
* Chuỗi liên kết bền vững
Xử lý chất thải của bò thành phân bón hữu cơ bán tại Trang trại Sơn Thủy Hà |
Thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, việc nhập khẩu con giống từ Australia gặp nhiều khó khăn, chi phí cao, Trang trại Sơn Thủy Hà đã chủ động giảm đàn, giảm nhập con giống, thay vào đó tự nhân giống bò kết hợp với thu mua bò con, bò thịt nuôi chưa đạt trọng lượng của nông dân trong nước về vỗ béo rồi giết mổ. Vì vậy, công ty vẫn đảm bảo sản lượng thịt cung cấp cho các đối tác và thị trường; đảm bảo đầu ra về nông sản cho người nông dân.
Ông Thủy tâm sự, thời gian qua, ngành chăn nuôi trong nước gặp không ít khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào tăng liên tục. Kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn nên nhu cầu của người tiêu dùng phần nào giảm. Bên cạnh đó, thịt gia súc đông lạnh không rõ ràng về nguồn gốc và chất lượng tràn lan trên các chợ từ truyền thống đến chợ online đã ảnh hưởng đến những người chăn nuôi chân chính.
Mặc dù vậy, công ty vẫn nỗ lực duy trì đàn, một mặt để có sản phẩm thịt chất lượng cung cấp cho thị trường, một mặt không bị gián đoạn trong quá trình hợp tác thu mua nguyên liệu; tiếp tục quan tâm đầu tư khâu giết mổ, cung ứng thịt cho các siêu thị; sản xuất phân bón bán cho nông dân và đối tác.
Bà Trương Thị Kim Nương, cán bộ phụ trách chăn nuôi Phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ cho biết, Sơn Thủy Hà là trang trại nuôi bò lớn nhất huyện. Không chỉ tạo việc làm cho hàng chục lao động, đơn vị còn hợp tác với nhiều nông dân thu mua nông sản và bán phân bón. Quá trình đầu tư tại huyện, công ty trao tặng hàng trăm con bò giống cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các hoạt động xã hội của địa phương.
Ông Phạm Văn Hùng, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ thông tin, địa phương hiện có vùng chuyên canh cây bắp hơn 500ha, diện tích cây đậu, cây mì cũng khá lớn nên thu hút được nhiều trang trại chăn nuôi gia súc. Để phát triển chăn nuôi bền vững, hạn chế tác động xấu đến môi trường và dịch bệnh, huyện tuyên truyền, định hướng áp dụng mô hình tuần hoàn khép kín, tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi xử lý thành phân hữu cơ để bán hoặc tái đầu tư trồng trọt.
Hoàng Lộc