Môi trường là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đang được các địa phương triển khai với nhiều giải pháp thiết thực.
Môi trường là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đang được các địa phương triển khai với nhiều giải pháp thiết thực.
Người dân H.Vĩnh Cửu đổi chất thải phân loại lấy quà tặng tại Ngày hội môi trường năm 2022. Ảnh: N.Liên |
Để hoàn thành các tiêu chí trên, H.Vĩnh Cửu là địa phương dẫn đầu việc ứng dụng công nghệ sinh học và các giải pháp sinh học trong sản xuất nông nghiệp.
* Biến “rác” thực phẩm thành phân bón
Là địa bàn dân cư thí điểm mô hình xử lý chất thải thực phẩm bằng phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học IMO tại khu dân cư kiểu mẫu, hiện các khu dân cư kiểu mẫu tại các ấp: Tân Triều, Bình Lục và Vĩnh Hiệp (xã Tân Bình) ngoài việc tạo được cảnh quan môi trường nông thôn sạch đẹp, vấn đề môi trường cũng được xỷ lý tốt, nhất là công tác xử lý rác tại nguồn đã được thực hiện có hiệu quả tại các hộ gia đình.
Để người nông dân có thể tận dụng hết nguồn “rác thải” từ các phụ phẩm nông nghiệp (rau củ quả, phụ phẩm từ động vật…), xã Tân Bình đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tập huấn, tuyên truyền cho người dân cách thức phân loại rác và ứng dụng công nghệ sinh học IMO và sinh vật bản địa (MEVI) vào sản xuất nông nghiệp như: làm phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu thảo dược…, nhằm giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, chủ động nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao giá trị nông sản với công nghệ bảo quản. Đến nay, trên địa bàn xã Tân Bình có gần 400 hộ trồng bưởi với diện tích trên 94ha và 12 hộ chăn nuôi heo, bò.
Cũng nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của địa phương, ông Trần Văn Mười (xã Tân An) là nông dân đi đầu khi sử dụng máy bay không người lái trong bón phân, phun thuốc và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Ông Mười đã ứng dụng hiệu quả công thức ủ “rác” là các phụ phẩm nông nghiệp với chế phẩm sinh học IMO đề tạo ra thuốc trừ sâu thảo mộc và phân hữu cơ.
Ông Mười cho biết, sau khi làm ra phân bón và thuốc trừ sâu thảo mộc từ các phụ phẩm sinh học, chi phí đầu tư cho vườn cây bưởi hơn 10ha của ông giảm đáng kể. Theo ông Mười, sản xuất và chăm sóc cây theo phương pháp mới vẫn thấy cây phát triển ổn định, năng suất không giảm và môi trường cũng trở nên trong lành, hơn nữa do sử dụng men vi sinh nên đất trong vườn tốt hơn. Từ những kết quả đạt được, ông Mười dự định sẽ tăng thêm diện tích trồng bưởi và chuyển dần theo hướng hữu cơ. Ông Mười chia sẻ: “Khi bắt tay vào làm, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình và có trách nhiệm từ các kỹ sư, chuyên viên của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp H.Vĩnh Cửu trong làm men IMO. Với sự giúp sức này, tôi tin người nông dân sẽ áp dụng thành công công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cho gia đình”.
* Gắn bảo vệ môi trường với xây dựng NTM
Theo UBND H.Vĩnh Cửu, huyện luôn chú trọng công tác phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn gắn liền với nhiệm vụ xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
Nông dân ứng dụng công nghệ sinh học làm phân bón tại vườn. Ảnh: N.Liên |
Việc thực hiện tốt phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình khi vận chuyển, xử lý; đồng thời, tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp; giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ chất thải rắn sinh hoạt gây ra, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường nói chung, giữ gìn vệ sinh môi trường sống nói riêng; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hạn chế phát thải chất thải rắn trong đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại các khu dân cư, những nơi công cộng như chợ, trường học… cũng được chú trọng tuyên truyền. Hiện nay, tại các trường học trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thông qua việc xây dựng Kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chống rác thải nhựa.
Cụ thể là ứng dụng men vi sinh (IMO) để khử mùi nhà vệ sinh trường học và xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh (IMO) để tạo ra phân bón hữu cơ chăm sóc hoa, cây cảnh trong các trường học trên địa bàn huyện; mô hình tái chế chất thải (Ngôi nhà tái chế) để tổ chức thu gom chất thải sau khi phân loại đối với sản phẩm nhựa dùng một lần.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xử lý chất thải thực phẩm bằng phương pháp sử dụng vi sinh vật bản địa, ông Nguyễn Quang Phương, Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã triển khai thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn đối với từng giai đoạn cụ thể 2022-2023 và 2024-2025.
Theo đó, giai đoạn năm 2022-2023, mỗi xã, thị trấn lựa chọn một ấp, khu phố hoặc khu dân cư làm điểm việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: đảm bảo trên 75% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom và phân loại tại nguồn; 100% các xã, thị trấn tham gia thực hiện mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; các địa bàn không thực hiện làm điểm cùng phấn đấu lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và phân loại tại nguồn đạt từ 50% trở lên. Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên xây dựng mỗi hội, đoàn từng năm ít nhất một mô hình điểm về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xử lý chất thải thực phẩm bằng phương pháp sử dụng IMO.
Ngoài ra, phấn đấu cuối năm 2023, đạt tỷ lệ ≥ 30% số hộ gia đình trên địa bàn huyện thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; giai đoạn 2024-2025 sẽ có 100% các ấp, khu phố, cụm dân cư các xã, thị trấn triển khai phong trào phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; những ấp, khu phố hoặc khu dân cư làm điểm, kiểu mẫu thì 100% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom, phân loại tại nguồn và xử lý theo quy định; các ấp, khu phố hoặc khu dân cư còn lại công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt từ 50-75% trở lên.
Theo UBND H.Vĩnh Cửu, từ năm 2020, Vĩnh Cửu đã thực hiện mô hình thí điểm xử lý chất thải thực phẩm bằng phương pháp IMO tại khu dân cư kiểu mẫu tại các xã: Tân Bình, Hiếu Liêm, Vĩnh Tân, Bình Lợi và đến nay đã nhân rộng mô hình đến các xã còn lại. Nhằm nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường cũng như để những giải pháp hiệu quả được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, mới đây Huyện ủy Vĩnh Cửu đã ban hành nghị quyết về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xử lý chất thải thực phẩm bằng phương pháp sử dụng vi sinh vật bản địa trên địa bàn huyện. |
Ngọc Liên