Với thế mạnh về nguồn tài nguyên du lịch đa dạng cả về thiên nhiên lẫn các công trình di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, khu, điểm du lịch…, TP.Biên Hòa đang có chiến lược khai thác nguồn tài nguyên phong phú này.
Với thế mạnh về nguồn tài nguyên du lịch đa dạng cả về thiên nhiên lẫn các công trình di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, khu, điểm du lịch…, TP.Biên Hòa đang có chiến lược khai thác nguồn tài nguyên phong phú này.
Đoàn khách du lịch dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên |
Nói về TP.Biên Hòa, những hình ảnh về thiên nhiên như dòng sông Đồng Nai hiền hòa chảy giữa lòng thành phố, có danh thắng núi Bửu Long, cù lao Ba Xê thơ mộng. TP.Biên Hòa còn có những công trình di tích lịch sử, văn hóa được nhiều người biết đến như: đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Văn miếu Trấn Biên, chùa Ông, chùa Đại Giác, Bảo tàng Đồng Nai, đình An Hòa, Thành cổ Biên Hòa… và cả những làng nghề bánh chưng, bánh gai, bánh đa, gò hàn, gốm…, cũng như các lễ hội truyền thống đặc sắc.
* Đi du lịch ở thành phố công nghiệp
Là thành phố trung tâm của tỉnh, cửa ngõ giao thoa giữa các tỉnh Đông Nam bộ và cũng là một trong những thành phố năng động bậc nhất, nhì các tỉnh miền Đông và phía Nam, Biên Hòa trở thành địa chỉ thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp từ hàng chục năm nay, với nhiều khu công nghiệp (KCN) như: KCN Biên Hòa 1, KCN Biên Hòa 2, KCN Amata, KCN Long Bình…
Theo thống kê của TP.Biên Hòa, trên địa bàn thành phố hiện có 27 di tích được xếp hạng. Trong đó, 17 di tích cấp quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh, cùng với hệ sinh thái tự nhiên phong phú. Bên cạnh đó, Biên Hòa còn có các khu du lịch hiện đại, rất phù hợp cho phát triển du lịch gắn với các giá trị văn hóa, di tích, tâm linh. |
Biên Hòa cũng là vùng đất có bề dày truyền thống về văn hóa, lịch sử với những công trình di tích, đình, chùa nổi danh như: Thành cổ Biên Hòa, Văn miếu Trấn Biên, Khu du lịch Bửu Long, Khu du lịch Sơn Tiên… và các làng nghề hình thành từ rất lâu. Với những tiềm năng đó, TP.Biên Hòa đang có kế hoạch khai thác, thúc đẩy phát triển ngành du lịch gắn với những giá trị văn hóa, lịch sử, di tích, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.
Thực tế những năm qua, những điểm đến như Văn miếu Trấn Biên, Bảo tàng Đồng Nai, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, nhà lao Tân Hiệp… luôn là địa chỉ được các doanh nghiệp lữ hành lựa chọn tổ chức tour về nguồn, dã ngoại cho học sinh, sinh viên ở các trường học trong và ngoài tỉnh.
Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt (TP.HCM) Nguyễn Văn Mỹ cho biết, sau khi khảo sát một số điểm đến tại TP.Biên Hòa, theo ông Mỹ, TP.Biên Hòa hiện nay có nhiều thay đổi tích cực về du lịch, các điểm đến. Trong đó, một số địa chỉ du lịch mới có thể khai thác du lịch tốt như: Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai là điểm rất hay, đáp ứng khách quốc tế, học sinh quốc tế, phục vụ thị phần riêng là khách cao cấp muốn tham quan, trải nghiệm nghề làm gốm tại nơi đào tạo ra các nghệ nhân làm gốm. Tại các điểm đến như Bảo tàng Đồng Nai là một kho tàng về những hiện vật với ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Tuy nhiên, muốn du lịch Đồng Nai, trong đó có TP.Biên Hòa, khai thác hết các tiềm năng du lịch đòi hỏi phải có sự thay đổi suy nghĩ về du lịch và bắt kịp xu hướng. Bởi dù có tiềm năng lớn nhưng sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa có sự liên kết, tạo nên sản phẩm đặc trưng, ấn tượng cho khách du lịch.
* Tạo thêm các sản phẩm du lịch
Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh (TTXTDL tỉnh), để khai thác hết những giá trị, tiềm năng về du lịch của TP,Biên Hòa, TTXTDL tỉnh đã mời các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong và ngoài tỉnh khảo sát một số điểm đến như: Khu du lịch Bửu Long, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Khu du lịch Sơn Tiên, Thiền Tâm… nhằm đánh giá, góp ý xây dựng một số tour liên kết và kêu gọi doanh nghiệp tích cực đưa khách về địa phương.
Khách du lịch tham quan Bảo tàng Đồng Nai |
Theo TTXTDL tỉnh, ngoài những chuyến khảo sát, TP.Biên Hòa đang rà soát lại quy hoạch du lịch, chú trọng phát triển các nguồn tài nguyên du lịch trở thành sản phẩm du lịch để hấp dẫn, thu hút du khách, đặc biệt quan tâm phát triển một số sản phẩm về du lịch sinh thái rừng ngay trong thành phố; khai thác tuyến du lịch trên sông Đồng Nai; du lịch di tích văn hóa, tâm linh…
Để những sản phẩm du lịch sớm được hình thành, phát triển, hiện TP.Biên Hòa đang kêu gọi đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đối với một số dự án như: xây dựng các bến bãi công cộng dành riêng cho du lịch; đầu tư bến đỗ tại các điểm dừng cho du khách lên xuống thuận tiện; cải tạo cảnh quan ven sông; hình thành khu chợ đêm đường Nguyễn Văn Trị (ven sông Đồng Nai), đồng thời đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đường sông. Bên cạnh đó, để du lịch đường sông thu hút du khách, các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh du lịch đường sông cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch bằng cách kết hợp giữa tham quan, du lịch đơn thuần với các hoạt động văn hóa, văn nghệ (đờn ca tài tử, ca múa, biểu diễn thời trang…), thể thao (xem biểu diễn võ thuật, thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian), lễ hội, tâm linh, tổ chức cho khách giao lưu với các doanh nhân, nghệ nhân nổi tiếng hoặc người có uy tín của địa phương…
Ngoài ra, đơn vị kinh doanh du lịch phải có sự liên kết với nhau để có chính sách giá cả cạnh tranh, hợp lý để thu hút du khách đến với du lịch đường sông.
Đối với lĩnh vực du lịch tìm hiểu di tích văn hóa, lịch sử, tuy có nhiều lợi thế về di tích văn hóa, lịch sử đặc sắc, có giá trị du lịch rất lớn như: Văn miếu Trấn Biên, đình Tân Lân, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông, chùa Đại Giác, Thành cổ Biên Hòa, Bảo tàng Đồng Nai…, nhưng lượng du khách đến với các điểm di tích văn hóa, lịch sử của Biên Hòa còn khá khiêm tốn.
Để thu hút du khách, trong thời qua, TP.Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai đã trùng tu, tôn tạo nhiều di tích, danh thắng như: núi Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên, di tích Nhà Xanh, Thành cổ Biên Hòa… Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá cũng rất quan trọng, Biên Hòa cần tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá các di tích trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, internet… để nhiều người biết đến.
Giám đốc TTXTDL tỉnh TRẦN THỊ THU TRANG cho biết, TP.Biên Hòa nằm ở vị trí thuận lợi, gần với TP.HCM và tỉnh Bình Dương, là những địa phương có dân số đông, thị trường khách du lịch lớn nhưng lại rất thiếu những nơi cho người dân vui chơi giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng, đặc biệt là vào những dịp cuối tuần, lễ, Tết. Khi các sản phẩm du lịch trên địa bàn TP.Biên Hòa hình thành, cùng với các điểm tham quan, vui chơi giải trí hiện hữu sẽ tạo cho sản phẩm du lịch của Biên Hòa được phong phú, đa dạng. Chắc chắn khi đó du lịch Biên Hòa sẽ phát triển mạnh mẽ và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, tỉnh Đồng Nai nói chung. |
Thủy Mộc