Huyện Trảng Bom hiện có 12 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 2 cánh đồng lớn. Nhờ tham gia mô hình liên kết, nông dân có đầu ra ổn định, đơn vị thu mua có nguồn nguyên liệu đầu vào như mong muốn.
Huyện Trảng Bom hiện có 12 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 2 cánh đồng lớn. Nhờ tham gia mô hình liên kết, nông dân có đầu ra ổn định, đơn vị thu mua có nguồn nguyên liệu đầu vào như mong muốn.
Thu hoạch ca cao tại dự án Cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ca cao (xã An Viễn, H.Trảng Bom). Ảnh: L.An |
Hiện các mô hình liên kết này được khuyến khích nhân rộng nhằm tạo ra số lượng hàng hóa nhiều, chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu.
* 12 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp
Thông tin từ Phòng Kinh tế H.Trảng Bom cho biết, trên địa bàn huyện có 12 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 2 dự án cánh đồng lớn. Việc xây dựng chuỗi liên kết giữa người sản xuất với đơn vị thu mua đã đem lại lợi ích cho cả 2 bên, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững.
Về cánh đồng lớn, hiện cả 2 dự án cánh đồng lớn đều có doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng bao tiêu đầu ra với đại diện HTX. Cụ thể, dự án Cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây điều (xã An Viễn), HTX Dịch vụ nông nghiệp An Viễn là đơn vị đại diện cho hơn 300 hộ dân ký hợp đồng bán sản phẩm cho DN tư nhân Tuấn Sang trên địa bàn huyện.
Với dự án Cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ca cao (xã An Viễn), HTX Dịch vụ nông nghiệp An Viễn ký hợp đồng ghi nhớ với Công ty CP Bamboo Capital để phát triển cây ca cao xen điều nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Ngoài việc cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của các hộ dân tham gia vào chuỗi liên kết, các công ty này còn nhân giống cây bán và hỗ trợ kỹ thuật trồng cho người dân, liên kết với nhà cung cấp phân bón và thuốc trừ sâu để người dân mua được giá gốc, xây dựng cơ sở chế biến ngay tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thu, hộ trồng ca cao tại xã An Viễn, chia sẻ tham gia dự án cánh đồng lớn, ông được mua giống của công ty, được hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc, sản phẩm thu hoạch bao nhiêu công ty mua bấy nhiêu. Ngoài ra, khu vực cánh đồng lớn được hỗ trợ làm hệ thống tưới nước tiết kiệm, đường điện và đường giao thông. Nhờ vậy, doanh thu từ ca cao xen điều ở năm thứ 5 gấp 4 lần so với làm điều.
Đối với chuỗi liên kết, huyện có 12 chuỗi do nông dân, tổ hợp tác ký hợp đồng bán sản phẩm cho DN, cơ sở thu mua, trong đó có 8 chuỗi trồng trọt và 4 chuỗi chăn nuôi.
Điển hình là chuỗi liên kết trên cây ca cao tại xã Trung Hòa do Tổ hợp tác Ca cao Trung Hòa ký hợp đồng bán sản phẩm cho Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán); chuỗi liên kết chăn nuôi gà khép kín giữa Công ty TNHH MTV Bình Minh và hộ nuôi tại các xã Thanh Bình, Cây Gáo; chuỗi liên kết nuôi heo giữa Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đồng Nai D&F với các trang trại tại xã Trung Hòa…
Ông Nguyễn Văn Hồng, thành viên Tổ hợp tác Ca cao Trung Hòa cho biết, nhiều năm nông dân không lo đầu ra bấp bênh, bị ép giá. Bên cạnh đó, công ty còn cho nông dân “ứng” trước cây giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và làm các xét nghiệm đất, nước để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu vào cho chế biến xuất khẩu nên ông khá yên tâm.
* Nhân rộng các mô hình hiệu quả
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Viễn Nguyễn Danh Uy cho biết, trên địa bàn xã có 2 dự án cánh đồng lớn. Cả 2 dự án đều có HTX đại diện cho nông dân ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với DN. Nhờ có sự tham gia của DN, các giống điều cao sản được trồng thay thế điều già cỗi, đất trồng điều được xen thêm cây ca cao, từ đó mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân, góp phần vào xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế H.Trảng Bom, mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, cánh đồng lớn đang phát huy hiệu quả rõ rệt, đem lại lợi ích cho cả người nông dân lẫn đơn vị hợp tác. Ngoài ra, việc phát triển các mô hình này cũng thúc đẩy hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo hàng hóa cạnh tranh, chất lượng tương đồng, từ đó thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp.
Nông dân được Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng (tưới nước tiết kiệm, đường điện, đường giao thông) thông qua chương trình hỗ trợ vùng sản xuất tập trung; được DN hỗ trợ mua cây/con giống, kỹ thuật chăm sóc và mua sản phẩm với giá như đã thỏa thuận. Còn đơn vị hợp tác có được sản phẩm như mong muốn, tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào cho chế biến, xuất khẩu mà không qua nhiều trung gian.
Mặc dù vậy, các mô hình liên kết sản xuất nông sản cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là giá đất và chi phí đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi) tăng cao, lao động nông nghiệp ngày càng thiếu, nhiều hộ không mặn mà với sản xuất nông nghiệp dẫn đến khó mở rộng chuỗi liên kết, cánh đồng lớn. Chính sách ưu đãi về tín dụng nông nghiệp có nhưng nông dân, DN khó tiếp cận vì nhiều điều kiện ràng buộc trong khi số tiền được vay ít. Một số dự án liên kết chưa bền chặt, dễ “vỡ” hợp đồng.
Do vậy, huyện kiến nghị UBND tỉnh, Sở NN-PTNT hỗ trợ thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đơn giản điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Huyện tiếp tục tuyên truyền nông dân tham gia vào chuỗi liên giữa nhà nông và DN; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Cùng với đó tổ chức tập tuấn quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho hộ gia đình, tổ hợp, HTX.
Lê An