Anh Mai Thế Hiển (ngụ ấp Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch) là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhờ mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao.
Anh Mai Thế Hiển (ngụ ấp Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch) là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhờ mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao.
Anh Mai Thế Hiển chăm sóc dưa lướ |
Đây là một trong số ít mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả của xã.
* Theo trào lưu “bỏ phố về vườn”
Anh Hiển học chuyên ngành hóa học, ra trường may mắn được một công ty thực phẩm lớn trong tỉnh nhận vào làm. Làm việc được khoảng 10 năm, vườn thanh long gần 1ha của gia đình vào giai đoạn suy kiệt nên anh quyết định bỏ việc về làm nông nghiệp.
Anh lên mạng tìm hiểu và lựa chọn mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng và hợp tác với một công ty ở TP.HCM để mua hạt giống, phân bón và bán sản phẩm.
“Khó khăn khi bắt tay thực hiện dự án là nguồn vốn” - anh Hiển chia sẻ. Anh phải đem sổ đỏ đất cầm cố ngân hàng để vay vốn sản xuất. Vài vụ đầu khá thuận lợi, dưa đạt năng suất 40-45 tấn/ha/vụ, giá bán bình quân 25 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, 2 năm nay, dịch bệnh Covid-19 khiến giá dưa có lúc chỉ còn 10 ngàn đồng/kg.
Không nản chí, anh Hiển tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nhà màng lên 7 ngàn m2. Thời gian tới, anh dự định thuê thêm khoảng 3-5 ngàn m2 đất để phát triển mô hình đồng thời gia tăng sản lượng để cung ứng sản phẩm cho khách hàng.
* Cần vốn hỗ trợ nông dân
Theo anh Hiển, khó khăn lớn nhất với nông dân hiện nay vẫn là nguồn vốn vay ưu đãi. “Đầu tư nhà màng diện tích 1 ngàn m2 cần khoảng 400 triệu đồng, nhưng khi làm hồ sơ vay vốn Quỹ Hội Nông dân chỉ được tối đa 50 triệu đồng/hộ” - anh Hiển chia sẻ, đồng thời kiến nghị nên tăng mức cho vay đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao, có thể 300-500 triệu đồng/dự án tùy theo quy mô hoặc 1/3-1/2 chi phí để đầu tư nhà màng, nhà xưởng.
Cũng theo anh Hiển, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng rất dễ áp dụng vì không phụ thuộc nhiều vào chất đất, điều kiện khí hậu. Dưa được trồng trong bịch giá thể (xơ dừa và phân bò), phân và nước được tưới bằng hệ thống tự động. Có thể rút ngắn quy trình bằng cách ươm mầm sẵn trong khay, sử dụng ong nuôi để giúp cây thụ phấn đúng ngày.
Mặc dù có công ty bao tiêu đầu ra, nhưng 3 năm qua, anh Hiển chưa phải nhờ đến kênh này vì sản phẩm đã có thương lái địa phương cắt xô tại vườn.
“Tôi bán xô cho thương lái trung bình 25 ngàn đồng/kg, bán lẻ cho dân địa phương giá 40 ngàn đồng/kg. Vụ nào hết vụ đó, chỉ trừ lúc giãn cách xã hội” - anh Hiển nói.
Lê An