Báo Đồng Nai điện tử
En

Cánh đồng lớn, chuỗi liên kết bị tắc vì giá đất

07:06, 14/06/2022

Huyện Cẩm Mỹ đang triển khai nhiều dự án cánh đồng lớn, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trong nông nghiệp. Tuy nhiên, do giá đất tăng cao, nhiều nhà đầu tư đến mua đất nông nghiệp nhưng không tổ chức sản xuất dẫn đến khó duy trì và mở rộng diện tích cánh đồng lớn, chuỗi liên kết.

Huyện Cẩm Mỹ đang triển khai nhiều dự án cánh đồng lớn, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trong nông nghiệp. Tuy nhiên, do giá đất tăng cao, nhiều nhà đầu tư đến mua đất nông nghiệp nhưng không tổ chức sản xuất dẫn đến khó duy trì và mở rộng diện tích cánh đồng lớn, chuỗi liên kết.

Thu hoạch dưa leo tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Cường (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ). Ảnh: H.Lộc
Thu hoạch dưa leo tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Cường (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ). Ảnh: H.Lộc

Bên cạnh đó, thủ tục để hưởng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, giá vật tư đầu vào tăng cao cũng là trở ngại.

* Hình thành nhiều cánh đồng lớn, chuỗi liên kết

Cẩm Mỹ là huyện thuần nông nên vấn đề phát triển chuỗi liên kết trồng trọt, chăn nuôi gắn với tiêu thụ được địa phương đặc biệt quan tâm. Đến nay, nhiều dự án cánh đồng lớn, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đã hình thành, phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp lẫn người nông dân.

Trưởng phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ Ngô Hữu Phụng chia sẻ, trước đây, trên địa bàn có 4 dự án cánh đồng lớn được UBND tỉnh phê duyệt gồm: cây tiêu, cây bắp, cây sầu riêng và cây cà phê. Tuy nhiên, qua rà soát, huyện thống nhất triển khai 2 dự án và đều phát huy hiệu quả.

Dự án Cánh đồng lớn cây bắp là một trong số đó. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt năm 2017, diện tích 270ha và 303 hộ dân tham gia.

Trong giai 2022-2025, H.Cẩm Mỹ dự kiến triển khai 8 chuỗi liên kết gồm: sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng của Cơ sở 6 Hiệp, xã Xuân Quế, diện tích 50ha; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thanh long của Tổ hợp tác Thanh long xã Xuân Bảo, diện tích 13ha; sản xuất và tiêu thụ cá nước ngọt của Tổ hợp tác Cá sạch Sông Ray, diện tích 10ha; sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của HTX Rau sạch Xuân Đông, diện tích 10ha; sản xuất và tiêu thụ chanh dây của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng, diện tích 20ha; sản xuất và tiêu thụ gà sạch của HTX Tâm Việt, quy mô 500 ngàn con; sản xuất và tiêu thụ gia súc tại 2 xã Xuân Đông, Xuân Tây, quy mô 100 ngàn con và sản xuất và tiêu thụ gạo sạch Sông Ray, diện tích 50 ha.

Ông Bùi Trung Vinh Phước, Giám đốc HTX Đông Tây, chủ đầu tư dự án, cho biết để dự án phát huy hiệu quả, Ban chủ nhiệm HTX đã thống nhất tập trung đầu tư chế biến thức ăn chăn nuôi từ cây bắp. Khi đó, HTX đã đầu tư gần 2 tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất, chủ động thỏa thuận với người dân địa phương để ổn định vùng nguyên liệu. Cây bắp tươi được thu mua tại vườn, băm, ủ chua rồi bán cho các trang trại chăn nuôi gia súc trên địa bàn trung bình 80 tấn/ngày và xuất khẩu theo đơn đặt hàng.

“Quá trình hợp tác rất thuận lợi. Nông dân trồng bắp bán cho HTX lợi nhuận gấp 2-3 lần so với trồng lúa, không phải lo đầu ra. HTX nhiều năm được đánh giá loại tốt. Mặc dù dự án đã kết thúc năm 2021 (thời gian triển khai từ 2017-2021) nhưng HTX vẫn triển khai lịch sản xuất và thu mua toàn bộ sản lượng cây bắp của nông dân” - ông Phước chia sẻ.

Đối với các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, H.Cẩm Mỹ hình thành được 9 chuỗi do chủ đầu tư thực hiện, có thể kể đến: chuỗi liên kết cây sầu riêng do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng triển khai với diện tích hơn 115ha, thu mua sầu riêng tươi để đông lạnh xuất khẩu; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tơ tằm do Công ty TNHH Tằm tơ Minh Tuyết Bảo Lộc làm chủ, diện tích 250ha; liên kết sản xuất và tiêu thụ heo cho các công ty: CP, Japfa và nhiều liên kết trồng trọt, chăn nuôi khác.

* Gặp khó vì giá đất, chi phí đầu vào

Theo UBND H.Cẩm Mỹ, đa phần dự án cánh đồng mẫu lớn, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát huy hiệu quả, nhưng không bền vững. Nhiều chuỗi liên kết mới dừng lại ở việc doanh nghiệp và người dân tự hợp đồng thu mua sản phẩm, chủ đầu tư chưa bỏ vốn cùng người dân thực hiện, chưa trình duyệt kế hoạch phát triển chuỗi. Giá đất nông nghiệp, chi phí đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, thủ tục để được hưởng ưu đãi từ chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP năm 2018 (Nghị định số 98) của Chính phủ còn khó khăn.

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình triển khai các dự án liên kết sản xuất nông nghiệp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngô Hữu Phụng cho rằng, tuy đã có HTX, tổ hợp tác tại các vùng dự án cánh đồng lớn, chuỗi liên kết nhưng thực sự chưa hiệu quả, công nghiệp chế biến còn yếu, chủ yếu bán thô. 2 năm trở lại đây, giá cả vật tư (phân, thuốc, thức ăn chăn nuôi) tăng cao trong khi giá đầu ra bấp bênh nên nhiều doanh nghiệp e ngại đầu tư.

Các nguồn lực như: vốn, đất, lao động nông nghiệp ngày càng giảm. Chẳng hạn về đất, vài năm trở lại đây, giá đất trên địa bàn H.Cẩm Mỹ tăng cao, nhiều nhà đầu tư nơi khác đến mua đất nông nghiệp nhưng không tổ chức sản xuất dẫn đến sản lượng thấp, khó duy trì và phát triển quỹ đất để làm chuỗi liên kết, cánh đồng lớn. Lao động nông nghiệp ngày càng thiếu do chuyển sang làm công nhân. Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập, một số nông dân, chủ dự án bỏ tiền hỗ trợ chi phí hóa đơn cao.

Ông Nguyễn Văn Lý, quản lý Trang trại Bò Sơn Thủy Hà (xã Xuân Đông), chia sẻ từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, giá xăng, dầu liên tục tăng cao đã tác động trực tiếp đến giá thức ăn chăn nuôi và chi phí nhập con giống. Đây là lý do trang trại giảm 2/3 số lượng so với thời kỳ cao điểm, hiện còn khoảng 7 ngàn con.

“Sơn Thủy Hà là trang trại bò lớn nhất tỉnh. Trước đây, trung bình mỗi ngày trang trại tiêu thụ 300-400 tấn bắp cây. Nay sản lượng bò giảm, nông dân cũng không dám đầu tư trồng bắp nhiều. Chúng tôi lo ngại đến khi lượng bò tăng lại bị thiếu nguồn thức ăn do nông dân chuyển sang cây trồng khác hoặc bán đất. Thu mua bắp cây nơi khác sẽ làm gia tăng chi phí” - ông Lý bày tỏ.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều