Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàn thiện hạ tầng thương mại nông thôn

06:04, 14/04/2022

UBND H.Tân Phú vừa đề xuất Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh nâng mức hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng ngân sách tỉnh để thực hiện xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn, trong đó chủ yếu tại các điểm chợ, nhằm phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao.

UBND H.Tân Phú vừa đề xuất Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh nâng mức hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng ngân sách tỉnh để thực hiện xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn, trong đó chủ yếu tại các điểm chợ, nhằm phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Chợ truyền thống vẫn đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa. Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại chợ Phương Lâm. Ảnh: Lê Lâm
Chợ truyền thống vẫn đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa. Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại chợ Phương Lâm. Ảnh: Lê Lâm

Những đề xuất, kiến nghị của H.Tân Phú dựa trên cơ sở rà soát, khảo sát thực tế nhu cầu giao thương, mua sắm tại các chợ truyền thống của người dân địa phương vẫn còn ở mức cao hơn so với mua sắm tại các cửa hàng tiện ích.

* Phù hợp tiêu chí NTM nâng cao

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng. Do đó, để hoàn thành tiêu chí này, H.Tân Phú đang nỗ lực nhằm nâng cao giá trị thương mại địa phương. Thời gian qua, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống chợ, cửa hàng tiện ích được quản lý chặt chẽ, bảo đảm vừa cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, vừa bảo đảm đạt các tiêu chí trong xây dựng NTM. Kết quả, giá trị thương mại năm 2021 toàn huyện đạt trên 7,4 ngàn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Chia sẻ về quá trình xây dựng hệ thống thương mại nông thôn trên địa bàn huyện thời gian qua, Phó chủ tịch UBND H.Tân Phú Phạm Duy Thi cho biết, đến nay huyện đã xây dựng hoàn thành tiêu chí NTM nâng cao về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đối với các xã: Phú Lộc, Phú Xuân, Phú Thanh, đồng thời giữ vững tiêu chí NTM đối với các xã: Đắc Lua, Phú Sơn, Phú Lộc…

Đáng chú ý, năm 2021, để bảo đảm cung cấp nhu yếu phẩm đến người dân, huyện đã linh động phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị tổ chức hơn 50 điểm bán hàng thiết yếu và có kế hoạch cung ứng hàng hóa riêng từng địa phương, góp phần ổn định xã hội và trở thành địa phương duy nhất trong tỉnh giữ được màu xanh theo cấp độ dịch bệnh tại thời điểm tình hình dịch bệnh phức tạp, các ca nhiễm mới tăng mạnh ở địa phương lân cận.

* Nhu cầu phát triển chợ truyền thống

Qua khảo sát, đánh giá chung của UBND huyện, hiện đa phần các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể trong huyện cung cấp, tiêu thụ hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng và các nguồn tiêu thụ khác mà chưa quan tâm nhiều đến việc mở rộng thị trường thông qua các kênh quảng bá bằng các hình thức khác như: thương mại điện tử, siêu thị…

Người dân mua sắm tại chợ Phú Xuân
Người dân mua sắm tại chợ Phú Xuân

Trong khi đó, H.Tân Phú những năm gần đây phát triển khá mạnh các mặt hàng nông sản, đã tạo dựng được thương hiệu uy tín như: sầu riêng Phú An, bưởi da xanh Tà Lài đạt tiêu chuẩn VietGAP, tôm càng xanh Trà Cổ, lúa Phú Điền… và các sản phẩm đat chuẩn OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Hầu hết các sản phẩm trên đều chưa khai thác hết tiềm năng tiêu thụ do người nông dân vẫn còn tập trung vào chợ truyền thống hoặc thương lái thu mua tại vườn. Do đó, nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa tại các chợ truyền thống vẫn còn khá lớn tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn huyện vẫn còn một số nơi chưa đạt chuẩn. Do đó, việc tăng kinh phí nâng cấp, làm mới các chợ truyền thống vẫn đang rất cần thiết.

Tại buổi làm việc với UBND huyện về công tác thương mại, dịch vụ, Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung ghi nhận những khó khăn cũng như đề xuất, kiến nghị của địa phương; đồng thời, đề nghị địa phương quan tâm một số vấn đề như: tăng cường tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của các sản phẩm OCOP để người dân tham gia; vừa qua Sở Công thương đã ra mắt sàn thương mại điện tử, đây là sàn thương mại công đầu tiên tại Việt Nam và hiện hoàn toàn miễn phí nên rất cần doanh nghiệp địa phương biết đến và đăng ký giao dịch; quan tâm những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đưa các sản phẩm ra bên ngoài, hỗ trợ ứng dụng,  thiết bị máy móc, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tham gia cùng Sở Công thương; có số liệu thống kê vùng trồng, sản phẩm, đầu ra… để Sở Công thương nắm được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, từ đó có hướng hỗ trợ trong thời gian tới.

Ngọc Liên - Lê Lâm

Tin xem nhiều