Cùng với việc tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, H.Nhơn Trạch đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.
Cùng với việc tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, H.Nhơn Trạch đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.
Một người dân xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) ký nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: Ban Mai |
* Kịp thời hỗ trợ người dân
H.Nhơn Trạch hiện là một trong 2 địa phương có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất tỉnh, gần 13 ngàn ca. Dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài khiến nhiều người dân, DN rơi vào khó khăn. Trước thực tế đó, Huyện ủy, UBND H.Nhơn Trạch đã chỉ đạo các đơn vị, xã, thị trấn thực hiện nhiều giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ cho người dân trong lúc khó khăn.
Đối với người dân thuộc các nhóm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, huyện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, quà và nhu yếu phẩm.
Đối với người lao động, huyện chia ra các nhóm: lao động tự do bị mất việc, công nhân bị ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Những lao động tự do mất việc, huyện chỉ đạo Phòng LĐ-TBXH và các xã, thị trấn lập danh gửi UBND tỉnh phê duyệt. Đối với công nhân tạm hoãn hợp đồng, mất việc, nghỉ việc không lương, Phòng LĐ-TBXH huyện hướng dẫn các công ty cập nhật danh sách gửi Sở LĐ-TBXH. Trên danh sách được duyệt và nguồn tiền phân bổ theo từng đợt, các đơn vị liên quan tổ chức chi trả cho người lao động.
Ngoài ra, huyện cũng kêu gọi các cá nhân, tổ chức, DN đóng chân trên địa bàn chung tay hỗ trợ cho người dân tại các khu cách ly y tế, vùng phong tỏa. Các nguồn lực hỗ trợ được phân bổ kịp thời nhằm chia sẻ một phần khó khăn với người lao động bị giảm thu nhập, mất việc làm.
Bà Đặng Thị Minh Linh (ấp Xóm Hố, xã Phú Hội) cho biết, thời gian qua, gia đình bà được hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Mới đây, 3 thành viên trong nhà bà nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước. Bà sẽ dùng số tiền này mua thêm nhu yếu phẩm cho gia đình.
Bà Minh Linh tâm sự: “Tôi bán cá dạo, chồng làm thợ hồ, con trai lớn phụ xe tải. Nhiều tháng qua, cả 3 thất nghiệp khiến cuộc sống càng khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và các mạnh thường quân mà gia đình tôi không bị đói ăn, thiếu mặc. Nhưng cũng không ai hỗ trợ được mãi nên nhận tiền hỗ trợ xong tôi sẽ đi mua ít gạo, mắm muối về dùng dần”.
Có mặt tại điểm nhận tiền hỗ trợ của xã ngày 3-10, ông Nguyễn Văn Hồng (ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội) chia sẻ, 2 năm nay, ông thuê phòng trọ ở đầu hẻm bán hàng tạp hóa. Trung bình mỗi ngày, ông kiếm được hơn 100 ngàn đồng tiền lời. Hơn 3 tháng nay, quán đóng cửa để phòng dịch nên ông không có thu nhập. Số tiền hỗ trợ của Nhà nước tuy không nhiều nhưng giúp ông vượt qua khó khăn trước mắt.
* Đồng hành với DN
Theo chia sẻ của đại diện Công ty TNHH JYJ (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1), thời gian qua, công ty phải tạm ngưng sản xuất, hàng hóa không xuất bán được nhưng công ty vẫn nỗ lực để người lao động có lương. Làm được điều này là do công ty làm hồ sơ và được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện duyệt cho vay từ gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ để trả lương cho công nhân.
Ở góc độ DN, bà Đinh Thị Kim Cúc, Trưởng phòng Hành chính - nhân sự Công ty TNHH Giày Tuấn Việt (Cụm công nghiệp Phú Thạnh - Vĩnh Thanh) chia sẻ, trong suốt thời gian từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, chính quyền địa phương luôn sát sao, hỗ trợ kịp thời cho DN.
Cụ thể, ngay thời điểm đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, công ty tạm ngưng hoạt động để phòng dịch, huyện đã bố trí tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 300 công nhân của công ty. Trong thời gian tạm ngưng hoạt động, người lao động của công ty được chính quyền hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm. Lúc công ty hỗ trợ gạo cho người lao động, lực lượng chức năng xã, ấp phụ cấp phát. Huyện cũng hướng dẫn công ty lập danh sách lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh gửi Sở LĐ-TBXH; hỗ trợ hồ sơ, thủ tục đề xuất tái sản xuất.
“Khoảng 80% công nhân của công ty đã được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi. Công ty được tỉnh chấp thuận phương án tái sản xuất. Khoảng 600 công nhân ở “vùng xanh” đã được đi làm với phương án đi, về trong ngày. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo đơn hàng đi châu Âu, kiểm soát chặt chẽ người lao động ra - vào nhà máy để hạn chế lây lan dịch bệnh” - bà Cúc chia sẻ.
Ông Hồ Tăng Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hwaseung Vina (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1) cho biết, thời gian qua, công ty được huyện tạo điều kiện và hỗ trợ rất nhiều. Thời điểm còn tổ chức sản xuất, huyện chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ phương án phòng, chống dịch, cử lực lượng tiêm vaccine tập trung tại công ty cho khoảng 5 ngàn công nhân. Trong giai đoạn tạm ngưng sản xuất, các ngành chức năng của huyện thường xuyên nắm bắt thông tin về DN; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, xét nghiệm và tiêm vaccine cho công nhân tại các khu nhà trọ. Mới đây, DN được tỉnh chấp thuận bổ sung gần 2,5 ngàn lao động vào làm việc theo phương án “3 tại chỗ” và đi, về hàng ngày bằng xe đưa đón tập trung.
Chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương cho rằng, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhưng các hoạt động hỗ trợ người dân và tạo điều kiện để các DN duy trì và phục hồi sản xuất được quan tâm, đẩy mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện đã chi hơn 53 tỷ đồng hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn; chi hỗ trợ cho hơn 40 ngàn lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền hơn 62 tỷ đồng.
Ngoài ra, huyện đồng ý giải quyết cho hơn 5,1 ngàn lao động tại 374 DN rời nhà máy kết thúc “3 tại chỗ” về địa phương. Giải quyết cho 87 DN bổ sung gần 3 ngàn lao động để thực hiện “3 tại chỗ”. Ngoài ra, hàng ngàn lao động tại các DN như: Công ty TNHH Hwaseung Vina, Công ty TNHH Giày Tuấn Việt, Công ty TNHH Kỹ thuật Bueno… được đi, về trong ngày.
Ban Mai