Định Quán là huyện nông nghiệp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi đang được sản xuất, tiêu thụ hiệu quả, trong đó nhiều sản phẩm có tiềm năng phát triển, tạo thương hiệu riêng. H.Định Quán có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp tham gia chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Định Quán là huyện nông nghiệp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi đang được sản xuất, tiêu thụ hiệu quả, trong đó nhiều sản phẩm có tiềm năng phát triển, tạo thương hiệu riêng. H.Định Quán có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp tham gia chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) giới thiệu sản phẩm tại một hội chợ. Ảnh: TL |
Những sản phẩm được sản xuất theo chuỗi liên kết, dựa trên vùng nguyên liệu có sẵn tại địa phương, một số sản phẩm đã tạo được tiếng vang trên thị trường, đại diện cho các sản phẩm tiêu biểu của địa phương như: bột ca cao nguyên chất, rượu vang ca cao, chuối sấy, mít sấy, khoai lang sấy, khoai môn sấy, gà và trứng gà thảo mộc, khô cá kìm hồ Trị An…
* Tạo chỗ đứng trên thị trường
Một trong những sản phẩm OCOP thành công nhất hiện nay của H.Định Quán phải kể đến sản phẩm bột ca cao nguyên chất, rượu vang ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa).
Là người gầy dựng thương hiệu cho sản phẩm ca cao của gia đình, ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc công ty cho biết, công ty của ông hiện có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 3 sản phẩm là: Bột ca cao nguyên chất, Bột ca cao 3 in 1, Sô Cô La đắng đạt tiêu chuẩn 4 sao và sản phẩm Vang ca cao đạt 3 sao (trong đó 2 sản phẩm 4 sao là Bột ca cao 3 in 1 và Sô Cô La đắng vừa được cấp huyện thông qua). Để có được thành quả như hôm nay, ông Khanh chia sẻ, ngay từ đầu khi hoạch định chiến lược phát triển các sản phẩm từ ca cao ông đã xác định phải đi theo hướng sản xuất sạch, do đó việc phát triển vùng nguyên liệu sạch ngay tại Đồng Nai sẽ giúp ông kiểm soát được chất lượng sản phẩm ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu. Hiện nay, các sản phẩm của ông đã xuất khẩu sang được thị trường khó tính là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Không chỉ phát triển sản phẩm trên thị trường, thời gian qua, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức còn là điểm dừng chân của nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Khi du khách dừng chân tại Cơ sở Ca cao Trọng Đức sẽ được thưởng thức miễn phí sinh tố ca cao và các sản phẩm chế biến từ ca cao, được tham quan thực tế vườn ca cao… Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, ông Khanh cho biết, ông vừa đầu tư một dây chuyền sản xuất ca cao hiện đại, quy mô lớn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời ứng dụng các công nghệ mới trong quá trình cải tiến mẫu mã sản phẩm nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa.
Cũng là doanh nghiệp thành công với các sản phẩm được chế biến từ nguồn nguyên liệu địa phương, những năm qua, sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (xã Phú Túc) đã ghi được dấu ấn sản phẩm của mình trên thị trường với các đặc sản được chế biến như: chuối sấy, mít sấy, khoai lang sấy, khoai môn sấy. Đây là những sản phẩm đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao từ năm 2019.
Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương cho biết, hiện công ty của ông đang hoàn tất các thủ tục để chứng nhận cho 2 sản phẩm xoài sấy dẻo, chuối sấy dẻo đạt tiêu chuẩn OCOP, đồng thời tìm kiếm cơ hội để tiến vào thị trường siêu thị. Để đa dạng hơn về mặt sản phẩm của công ty cũng như tận dụng hết những ưu thế về các loại cây trái của địa phương, ông Sáng dự kiến trong thời gian tới cũng sẽ cho ra các dòng sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu trái chôm chôm, thanh long.
Bên cạnh đó còn có những sản phẩm đã tạo được chỗ đứng trên thị trường trước khi hoàn thành thủ tục chứng nhận OCOP, điển hình là sản phẩm Gà và trứng gà thảo mộc Cao Ten thời gian qua tạo được dấu ấn riêng tại thị trường, đặc biệt sản phẩm này hiện đã “bước chân” vào hệ thống siêu thị Co.opmart được hơn 1 năm nay. Bà Cao Thị Ten, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Ngọc (xã Phú Ngọc), đồng thời là chủ nhân của sản phẩm Gà và trứng gà thảo mộc Cao Ten cho biết, sau gần 10 năm gầy dựng thương hiệu gà và trứng gà thảo mộc với rất nhiều chông gai, giờ đây sản phẩm của bà đã có mặt tại siêu thị và được khá nhiều hệ thống siêu thị trong cả nước săn đón.
* Đa dạng hóa sản phẩm
Không dừng lại với những sản phẩm đã thành công trong tạo dựng thương hiệu, nhiều nông dân trên địa bàn H.Định Quán còn tích cực tìm tòi, tạo ra các sản phẩm mới được chế biến từ nguồn nguyên liệu địa phương, nhằm tạo sự đa dạng các dòng sản phẩm trên thị trường đạt các giá trị về kinh tế. Theo ông Đặng Tường Khanh, trong thời gian tới, ngoài việc mở rộng thị trường nội địa, công ty của ông dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm là thực phẩm chức năng về ca cao. Việc tạo ra các dòng sản phẩm mới sẽ giúp khách hàng có nhiều lựa chọn, cũng như có thể giúp danh tiếng Ca cao Trọng Đức tiếp cận được với khách hàng qua nhiều kênh sản phẩm.
Trang trại gà thảo mộc của bà Cao Thị Ten thuộc HTX Nông nghiệp Phú Ngọc (H.Định Quán). Ảnh: Thanh Sơn |
Xác định tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP là hướng đi bền vững, H.Định Quán luôn tích cực tìm kiếm các sản phẩm mới, có giá trị kinh tế cao để xây dựng thương hiệu qua chương trình OCOP. Theo đó, các sản phẩm như khô cá kìm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu cá kìm đánh bắt trực tiếp tại hồ Trị An (xã Phú Cường) là món ăn được rất nhiều người ưa thích.
Theo UBND H.Định Quán, thời gian qua, lãnh đạo huyện thường xuyên chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với UBND các địa phương triển khai thực hiện chương trình OCOP đến các chủ thể sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, khuyến khích các chủ thể này đăng ký sản phẩm OCOP; hướng dẫn họ cách giới thiệu phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP và đăng ký sản phẩm OCOP để xây dựng hồ sơ sản phẩm OCOP.
Chia sẻ về quá trình thực hiện chương trình OCOP của huyện thời gian qua, ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND H.Định Quán cho biết, để phát triển sản phẩm OCOP đa dạng và có chất lượng thật sự, UBND huyện thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có, định hướng cho các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP. Đồng thời, khuyến khích các chủ thể phát triển sản phẩm mới theo hướng chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, nhất là các sản phẩm tươi sống cũng như phát triển các nhóm du lịch - truyền thống - lễ hội và nhóm thủ công mỹ nghệ gia dụng...
Khi các quy trình OCOP đã hoàn tất, huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn các chủ thể xây dựng mã vạch hoặc QRcode để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm nhằm nâng giá trị sản phẩm trên thị trường.
“Huyện đang hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP, nhất là các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng qua các hoạt động tham gia hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm do cấp tỉnh tổ chức; kết nối đưa các sản phẩm chứng nhận OCOP vào các chợ, cửa hàng thực phẩm tại trung tâm thị trấn, khu vực dân cư, các trạm dừng chân trên địa bàn huyện cũng như hỗ trợ hoàn tất các thủ tục để các sản phẩm tiếp cận với hệ thống siêu thị và xuất khẩu…” - ông Tài cho biết thêm.
Trong năm 2019, H.Định Quán đã tổ chức đánh giá, xếp hạng 6 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Kết quả, sản phẩm Bột ca cao nguyên chất, vang ca cao, chuối sấy, mít sấy, khoai lang sấy, khoai môn sấy được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm cấp tỉnh thông qua với 1 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 5 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Tháng 7-2020, 2 sản phẩm (Bột ca cao 3 in 1 và Sô Cô La đắng của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức) được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện chấm đạt tiêu chuẩn sản phẩm 4 sao cấp huyện. Dự kiến, đến cuối năm 2020 sẽ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ các sản phẩm gồm: xoài sấy dẻo, chuối sấy dẻo; gà và trứng gà thảo mộc và khô cá kìm. |
Ngọc Liên