Mặc dù phát triển sau các địa phương như TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch, nhưng kinh tế công nghiệp của H.Long Thành có sức hút lớn với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Mặc dù phát triển sau các địa phương như TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch, nhưng kinh tế công nghiệp của H.Long Thành có sức hút lớn với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sản xuất công nghiệp tại Khu công nghiệp Long Đức, H.Long Thành. Ảnh: H.Lộc |
Vài năm trở lại đây, số lượng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện tăng nhanh. Định hướng phát triển của địa phương là trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ của tỉnh và là đô thị động lực của các huyện lân cận.
* Phát huy lợi thế
H.Long Thành có vị trí thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ. Nhờ đó, vài năm trở lại đây, số lượng các KCN, CCN trên địa bàn huyện tăng nhanh. Tính đến thời điểm hiện tại, H.Long Thành có 5 KCN đã đi vào hoạt động, 1 KCN và 3 CCN đang được đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng.
Chủ tịch UBND H.Long Thành Võ Tấn Đức cho rằng, các khu, CCN đang hình thành sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của huyện và đón dòng vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các khu, CCN mới sẽ tập trung vào các ngành có lợi thế phát triển trong tương lai là: công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo, logistics và tiểu thủ công nghiệp.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Võ Tấn Đức, các khu, CCN địa phương có nhiều lợi thế trong thời gian tới và sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nhờ hệ thống giao thông kết nối thuận tiện với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; các cảng biển như: Cái Mép - Thị Vải, Gò Dầu, Phước An và cụm cảng Long Phước đang được đầu tư nâng công suất; tương lai có thêm hệ thống giao thông đường sắt, đường hàng không đáp ứng yêu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa cho các doanh nghiệp.
Để phát huy lợi thế công nghiệp, H.Long Thành đang đẩy nhanh tiến độ hạ tầng các khu, CCN đã được phê duyệt; triển khai các biện pháp hỗ trợ như: thực hiện các dự án hạ tầng kết nối, tạo môi trường đầu tư thông thoáng thông qua cải cách hành chính, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, áp dụng cơ chế ưu tiên cho từng CCN và hình thành các kho logistics lân cận.
* Phát triển đô thị công nghiệp - dịch vụ
Đặc điểm các KCN, CCN trên địa bàn H.Long Thành là phân bố đều ở các xã theo trục quốc lộ 51 và đường 769 từ TT.Long Thành vào dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là lợi thế để địa phương hình thành các đô thị công nghiệp - dịch vụ. Đồ án quy hoạch phát triển của huyện trong giai đoạn tới cũng được chia thành 5 vùng phát triển kinh tế: vùng 1 là TT.Long Thành mở rộng, vùng 2 là đô thị Bình Sơn và vùng công nghiệp phía Bắc, vùng 3 là đô thị Phước Thái, vùng 4 là vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và vùng 5 là đô thị công nghiệp hỗn hợp phía Nam.
Các vùng kinh tế H.Long Thành sẽ được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông vòng tròn. Trong đó, các tuyến đối ngoại là: tỉnh lộ 769, đường 773 (Long Thành - Cẩm Mỹ - Xuân Lộc), xây mới đường 778 (Bắc Sơn - Long Thành) và đường 769D (25C tuyến kết nối từ H.Nhơn Trạch vào sân bay).
Cùng với đó là hệ thống giao thông nội bộ như: Tam Phước - Lộc An; Tân Hiệp - Bàu Cạn; Phước Bình - Tân Hiệp; Phước Thái - Long Phước. Hệ thống đường sắt đi qua sẽ gồm đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; đường sắt cao tốc Sài Gòn - Nha Trang và đường sắt Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trong định hướng phát triển của huyện, các khu, CCN hoạt động hiệu quả sẽ được đề xuất mở rộng; hình thành các CCN mới quanh các KCN hiện hữu; quy hoạch các khu dân cư và mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà ở và các công trình phúc lợi quanh các khu, CCN. Cùng với đó tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, môi trường đầu tư. Ngoài ra, huyện chủ trương phối hợp với các sở, ngành tham mưu tỉnh hỗ trợ giải quyết các vướng mắc mặt bằng trong xây dựng hạ tầng các dự án, đề xuất thu hồi quyết định đầu tư hạ tầng nếu doanh nghiệp chậm triển khai và giao lại nhà đầu tư khác.
Cùng với quy hoạch của địa phương, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trên địa bàn H.Long Thành sắp được khởi công cũng mở ra cơ hội phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ cho địa phương. Có thể kể đến là hệ thống hạ tầng kết nối giao thông đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa; các khu trung tâm thương mại, khu dân cư tập trung, khu dân cư cao cấp; đô thị thông minh, đô thị dịch vụ; kho bãi logistics. Trong đó, trọng tâm là dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách sẽ tạo động lực cho phát triển cho đô thị - dịch vụ của huyện.
Hoàng Lộc