Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo đà cho công nghiệp địa phương

04:02, 10/02/2020

Để tạo đà cho công nghiệp địa phương phát triển, bên cạnh các khu công nghiệp (KCN) quy mô thì việc hình thành các cụm công nghiệp (CCN) nhằm thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đặc thù vào sản xuất là cần thiết.

Để tạo đà cho công nghiệp địa phương phát triển, bên cạnh các khu công nghiệp (KCN) quy mô thì việc hình thành các cụm công nghiệp (CCN) nhằm thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đặc thù vào sản xuất là cần thiết.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai (xã Bình Sơn, huyện Long Thành). Ảnh: H.Lộc
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai (xã Bình Sơn, huyện Long Thành). Ảnh: H.Lộc

Cùng với 3 CCN đã được phê duyệt, mới đây, UBND huyện Long Thành đề xuất bổ sung thêm 3 CCN quy mô vừa tại các xã Phước Bình, Tân Hiệp, Bình An nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp phụ trợ và logistics trong thời gian tới.

* Phát huy lợi thế CCN

Với mục tiêu là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ tiếp cận và thuê đất tốt hơn, thu hút các doanh nghiệp vào hoạt động và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nội địa; tạo sự thuận lợi trong quản lý hoạt động và giảm ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo việc làm ổn định tại chỗ cho người dân và tăng nguồn thu cho ngân sách, tại hầu hết các huyện trong tỉnh đều quy hoạch phát triển CCN.

Huyện Long Thành có 5 KCN đang hoạt động (Lộc An - Bình Sơn, Long Thành, Long Đức, An Phước, Gò Dầu) với tổng diện tích gần 1.650 hécta; KCN công nghệ cao Long Thành đang triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng. 3 CCN đang triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng và hoàn thiện (Tam An, Long Phước, Phước Bình) với tổng diện tích 300 hécta. Ngoài ra, huyện đề xuất bổ sung thêm 4 khu, CCN và tiểu thủ công nghiệp tại các xã Phước Bình, Tân Hiệp, Bình An.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành từ nông nghiệp là chủ yếu sang phát triển công nghiệp và dịch vụ thương mại, huyện Long Thành đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt thành lập 3 CCN là: Tam An, Long Phước, Phước Bình. Ưu điểm của các CCN này là phù hợp với quy hoạch vùng, gần các KCN lớn; có vị trí đắc địa, dễ dàng kết nối với các trục đường hiện hữu, các tuyến cao tốc đang hình thành, giao thông thủy. Tính đến thời điểm hiện tại, cả 3 cụm đều đã có doanh nghiệp đăng ký đầu tư hạ tầng.

Trong đó, CCN Long Phước 1 (xã Long Phước) được quy hoạch gần khu cụm Cảng Long Phước, CCN Phước Bình và KCN Gò Dầu được xem là động lực phát triển kinh tế vùng phía Tây huyện. CCN có diện tích 75 hécta, trong đó diện tích đất nhà máy hơn 43 hécta. CCN đã hoàn thiện hạ tầng và đang thu hút doanh nghiệp. Theo chủ đầu tư hạ tầng là Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành thời gian tới CCN sẽ tập trung nâng chất lượng dịch vụ, đầu tư xây dựng nhà xưởng để thu hút các doanh nghiệp sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm nhưng ít vốn.

CCN Phước Bình (tại xã Phước Bình) quy mô 75 hécta. CCN này ưu tiên dành 40% quỹ đất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất công nghiệp sạch, ít gây ô nhiễm môi trường và phục vụ di dời các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn huyện. 60% còn lại phát triển đa ngành nghề, chủ yếu là công nghiệp phụ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp địa phương. CCN này đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng. Riêng CCN Tam An chưa triển khai.

Chủ tịch UBND huyện Long Thành Võ Tấn Đức cho biết, huyện Long Thành đang đề xuất đưa vào quy hoạch 4 khu, CCN trong giai đoạn tới để đáp ứng nhu cầu phát triển của huyện. Trong đó, xã Phước Bình sẽ có thêm 2 khu, 1 khu rộng gần 900 hécta và 1 khu khoảng 500 hécta. 2 xã Tân Hiệp, Bình An, mỗi xã sẽ có thêm 1 khu. Các khu, CCN mà địa phương đề xuất đều nằm ở vị trí thuận lợi, chủ yếu đất nông nghiệp và đất cao su, đều đã có doanh nghiệp đề xuất làm chủ đầu tư.

* Hướng đến đô thị công nghiệp mới

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Võ Tấn Đức, địa phương có nhiều ưu điểm để mở rộng đất công nghiệp trong thời gian tới và sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đó là hệ thống giao thông kết nối thuận tiện với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; các cảng biển như: Cái Mép - Thị Vải, Gò Dầu, Phước An và cụm Cảng Long Phước đang được đầu tư nâng công suất; tương lai có thêm hệ thống giao thông đường sắt, đường hàng không đáp ứng yêu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Giao thông đường thủy là một trong những lợi thế cho phát triển công nghiệp ở huyện Long Thành. Trong ảnh, Cảng Gò Dầu đón tàu trọng tải lớn
Giao thông đường thủy là một trong những lợi thế cho phát triển công nghiệp ở huyện Long Thành. Trong ảnh, Cảng Gò Dầu đón tàu trọng tải lớn

 Lãnh đạo huyện Long Thành cho rằng, với 5 KCN đang hoạt động; 3 CCN đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng; tương lai thêm 4 khu, CCN thì Long Thành sẽ là huyện xếp thứ hai trong tỉnh về số khu, CCN (sau huyện Nhơn Trạch) và có nhiều lợi thế hình thành đô thị công nghiệp.

“Cùng với các khu quy hoạch của tỉnh, huyện đang làm việc với Tổng công ty cao su Đồng Nai chuyển một phần diện tích đất cao su sang quy hoạch CCN công nghệ cao kết hợp đô thị, khu dân cư đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai. Vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ là thuận lợi được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm” - Chủ tịch UBND huyện Long Thành thông tin.

Trong định hướng phát triển của huyện, các khu, CCN hoạt động hiệu quả sẽ được đề xuất mở rộng; hình thành các CCN mới quanh các KCN hiện hữu; quy hoạch các khu dân cư và mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà ở và các công trình phúc lợi quanh các khu, CCN. Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, môi trường đầu tư. Ngoài ra, huyện chủ trương phối hợp với các sở, ngành tham mưu tỉnh hỗ trợ giải quyết các vướng mắc mặt bằng trong xây dựng hạ tầng các dự án, đề xuất thu hồi quyết định đầu tư hạ tầng nếu doanh nghiệp chậm triển khai và giao lại nhà đầu tư khác.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp hoạt động, chính quyền địa phương đang có những giải pháp hỗ trợ như: đầu tư hạ tầng kết nối; thực hiện chính sách ưu đãi thuế theo quy định của tỉnh; hình thành các kho logistics lân cận.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều