Những năm qua, huyện Xuân Lộc đã có nhiều chương trình, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc.
[links()]Những năm qua, huyện Xuân Lộc đã có nhiều chương trình, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc.
Người dân làng dân tộc Châu Ro, ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc trong ngày hội truyền thống. Ảnh:T.Lâm |
Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện thay đổi rõ rệt, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.
* Đầu tư mạnh cho vùng đồng bào dân tộc
Huyện Xuân Lộc có 24 dân tộc thiểu số với khoảng 20 ngàn nhân khẩu, chiếm trên 8% dân số toàn huyện. Thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, thời gian qua, chính quyền địa phương đã tập trung triển khai nhiều chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao như: chương trình nước sạch, đường giao thông nông thôn, điện thắp sáng; xây mới và nâng cấp các thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế.
Cụ thể, giai đoạn 2015-2020, huyện Xuân Lộc đã đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số 5 công trình điện với tổng kinh phí hơn 5,7 ngàn tỷ đồng; thực hiện gần 43km đường giao thông với kinh phí hơn 46 tỷ đồng. Đến nay, toàn bộ các tuyến đường đều được đầu tư hệ thống điện chiếu sáng; 100% xã, khu ấp đồng bào dân tộc thiểu số có điện lưới quốc gia; tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường trục xã, liên xã liên ấp đạt 100%.
Cùng với đó, huyện đã triển khai dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm nâng cao năng suất cây trồng và vật nuôi cho đồng bào dân tộc với kinh phí 700 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi cây trồng chủ lực, hệ thống tưới tiết kiệm trong dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho 22 hộ trong đồng bào dân tộc, với kinh phí hơn 400 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc từng bước được nâng lên.
Làng dân tộc Châu Ro, ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (ảnh Tuệ Lâm) |
Ông Thổ Bình (người dân tộc Châu Ro, ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú) sinh sống trong vùng đồng bào dân tộc được chính quyền quan tâm, đầu tư các công trình phúc lợi chia sẻ, lúc trước đường sá xuống cấp, người dân đi lại vô cùng khó khăn. Được Nhà nước đầu tư đường giao thông nông thôn, đèn điện thắp sáng, việc đi lại của bà con trong ấp thuận lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, huyện còn làm nhà văn hóa người Chăm cho đồng bào đến vui chơi, sinh hoạt.
Không chỉ ở ấp văn hóa dân tộc Châu Ro ở xã Xuân Phú, nhiều khu, ấp đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện cũng được quan tâm đầu tư các công trình phúc lợi, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, đời sống của đồng bào vùng dân tộc nói chung và nhân dân huyện Xuân Lộc nói riêng ngày càng khấm khá. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của huyện Xuân Lộc đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, trong đó thu nhập bình quân của các hộ gia đình dân tộc thiểu số đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm.
* Góp phần giảm nghèo hiệu quả
Đáng chú ý trong công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo được ưu tiên. Thống kê 5 năm gần đây, có hơn 700 lượt hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số được vay hơn 18 tỷ đồng phát triển kinh tế; hàng trăm con bò, dê sinh sản được cấp phát cho hộ nghèo. Ngoài ra, huyện còn vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp, hỗ trợ hàng ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ xây mới, sửa chữa gần 100 căn nhà cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số... Nhờ đầu tư đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả nên tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể. Hiện chỉ còn 60/4.200 hộ dân tộc thiểu số chưa thoát nghèo.
Già làng Hùng Văn Xứng (dân tộc Châu Ro, ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú) cho biết, những năm gần đây, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân tộc thiểu số có nhiều đổi thay. Số hộ gia đình khá giả ngày càng nhiều, cùng với đó tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; nhiều hộ dân là người dân tộc thiểu số biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi thói quen canh tác, thay đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả hơn; con em người dân tộc thiểu số không còn bỏ học theo cha mẹ đi rẫy, mà đến trường học chữ, được miễn giảm nhiều khoản đóng góp, được tiêm vaccine phòng bệnh...
Chị Sou A Tah (người dân tộc Chăm, ấp 4, xã Xuân Hưng), một tỷ phú thanh long ở xã Xuân Hưng chia sẻ, trước năm 2010 gia đình chị là hộ cận nghèo, được chính quyền địa phương cho tham gia các lớp tập huấn như ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, chị đã thành công với cây thanh long. Hiện tại chị Tah có 10 hécta thanh long, trong đó có 7 hécta đang cho thu hoạch. Năm 2019, gia đình chị thu gần 4 tỷ đồng từ loại cây này. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Tah còn liên kết với các hộ trồng thanh long là người dân tộc Chăm thành lập tổ hợp tác thanh long hữu cơ và tích cực hỗ trợ kỹ thuật, làm giấy chứng nhận quy trình sạch để tìm đầu ra ổn định cho các hộ trồng thanh long.
Chị Sou A Tah (trái) ấp 4, xã Xuân Hưng chia sẻ kinh nghiệp làm thanh long sạch với người dân trong cộng đồng dận tộc Chăm (ảnh Hoàng Lộc) |
Có thể nói, nhờ triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc cùng với xã hội hóa các nguồn lực chăm lo cho đồng bào dân tộc nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Xuân Lộc ngày càng khởi sắc. Khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với các khu, ấp trên địa bàn huyện ngày càng giảm. Điều này đã góp phần để huyện Xuân Lộc hướng đến huyện nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh trong năm nay.
Tuệ Lâm - Hoàng Lộc