Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Long Thành: Hội tụ tiềm năng phát triển

09:01, 30/01/2020

Huyện Long Thành đang hội tụ nhiều tiềm năng phát triển đồng bộ đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Huyện Long Thành đang hội tụ nhiều tiềm năng phát triển đồng bộ đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Hạ tầng giao thông là lợi thế lớn của huyện Long Thành. Trong ảnh: Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua huyện Long Thành. Ảnh: H.Lộc
Hạ tầng giao thông là lợi thế lớn của huyện Long Thành. Trong ảnh: Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua huyện Long Thành. Ảnh: H.Lộc

Nằm trong vùng chiến lược quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; huyện Long Thành được quy hoạch và đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô  lớn như: các đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành; tuyến đường vành đai 3, 4 và đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

* Trung tâm giao thông của vùng

Huyện Long Thành được xem là tâm điểm giao thông của khu vực miền Nam. Trên địa bàn huyện có 2 tuyến đường giao thông huyết mạch hiện hữu là quốc lộ 51 và đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. 2 tuyến cao tốc khác là Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu đang được triển khai. Ngoài ra còn có tuyến đường vành đai 4 kết nối với các tỉnh Tây Nguyên qua địa bàn huyện khoảng 10km, đường vành đai 3 cũng đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Cùng với đó là hệ thống đường tỉnh như: ĐT769, đường 25B, 25C đang góp phần kết nối kinh tế huyện với các huyện lân cận và các tỉnh trong vùng.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Nguyễn Phong An, hệ thống hạ tầng giao thông đã tạo nên các trục hành lang kinh tế trong tỉnh cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó là trục kinh tế Biên Hòa - Long Thành (quốc lộ 51), trục Nhơn Trạch - Long Thành - Thống Nhất (đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây), trục Long Thành - Cẩm Mỹ (hương lộ 10); Cảng Gò Dầu dễ dàng kết nối với cụm cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch), Cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh), Cảng Đồng Nai, Cảng Bình Dương thông qua hệ thống sông Đồng Nai. Ngoài ra, khu logistics tại xã Tân Hiệp với diện tích khoảng 70 hécta và các khu cảng ICD xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đang dần hình thành sẽ góp phần đưa huyện Long Thành trở thành trung tâm đầu mối giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Lãnh đạo huyện Long Thành cho rằng, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giao thông tạo sự kết nối đồng bộ. Đó là tuyến đường 25C kết nối trực tiếp vào cửa ngõ sân bay, hương lộ 12, đường liên xã Long Phước - Phước Thái kết nối ra quốc lộ 51 tạo đà phát triển cho vùng phía Tây của huyện; đường liên xã Phước Bình - Tân Hiệp - Bàu Cạn - Cẩm Đường phát triển vùng kinh tế phía Đông của huyện; khu vực năng động nhất của huyện là phía Bắc bao gồm đô thị Bình Sơn, và các xã Lộc An, Long Đức, An Phước sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường vừa thúc đẩy kinh tế địa phương vừa kết nối giao thương với sân bay. Ngoài ra, huyện tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối khu vực nội thị theo tiêu chí TX.Long Thành vào năm 2025 và hướng tới thành phố trong tương lai.

Ông Nguyễn Phong An cho biết, để chuẩn bị cho việc đầu tư các dự án trên, ngoài huy động tối đa các vốn, quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, huyện chủ động lên kế hoạch chuẩn bị nhiều khu tái định cư, khu nhà ở xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho bồi thường giải phóng mặt bằng.

* Đô thị công nghiệp công nghệ cao

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho rằng, với vị trí nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Tây Nam của tỉnh, đô thị động lực của vùng TP.Hồ Chí Minh và đặc biệt là trung tâm của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, huyện Long Thành có nhiều thuận lợi để triển khai các dự án sản xuất kinh doanh.

Trong chiến lược phát triển của huyện những năm gần đây, công nghiệp và dịch vụ thương mại là hai ngành mũi nhọn. Do đó, bên cạnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại và logistics, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai thời gian và quy trình xử lý hồ sơ cũng như các thủ tục pháp lý liên quan cho các nhà đầu tư; thường xuyên đối thoại, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Từ những nỗ lực nói trên, công nghiệp đã trở thành ngành chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế huyện. Thống kê trên địa bàn huyện có 5 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động (Lộc An - Bình Sơn, Long Thành, Long Đức, An Phước, Gò Dầu) với tổng diện tích gần 1.650 hécta, KCN công nghệ cao Long Thành đang triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, 3 cụm công nghiệp khác cũng đang triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng (Tam An, Long Phước, Phước Bình) với tổng diện tích 300 hécta. Ngoài ra, huyện đang lập quy hoạch vùng đề xuất bổ sung thêm một số khu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại các xã Phước Bình, Tân Hiệp, Bình An để thu hút các nhà đầu tư.

Điểm sáng trong phát triển công nghiệp ở huyện Long Thành là sớm hình thành các KCN quy mô, hiện đại do doanh nghiệp nước ngoài làm chủ đầu tư và thu hút các doanh nghiệp công nghệ vào hoạt động lâu dài. Nổi bật trong số này là KCN Long Đức. KCN có tổng diện tích hơn 282 hécta và tổng vốn đầu tư ban đầu gần 1,1 ngàn tỷ đồng. KCN này được xem là “chuẩn Nhật” về kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường và đang phục vụ các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động với nhiều ngành nghề: cơ khí, điện, điện tử, vật liệu cao cấp, dược phẩm, thiết bị trường học, văn phòng phẩm, bao bì, hàng trang trí nội thất.

Một KCN quy mô và hiện đại khác cũng đang dần hình thành là KCN công nghệ cao Long Thành do Tập đoàn Amata (Thái Lan) đầu tư. Dự án này đang trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng trên diện tích hơn 400 hécta, tổng vốn đầu tư hạ tầng dự kiến hơn 280 triệu USD. KCN này nằm trong vùng trung tâm đô thị Long Thành do đó sẽ ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị và sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều