Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người tiên phong hiến đất mở đường

04:01, 15/01/2020

Những năm qua, để hoàn thành tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện hiến đất, góp tiền, góp sức làm nên những tuyến đường giao thông nông thôn, tạo "đòn bẩy" cho phát triển kinh tế - xã hội.

[links()]Những năm qua, để hoàn thành tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện hiến đất, góp tiền, góp sức làm nên những tuyến đường giao thông nông thôn, tạo “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Văn Năm (bìa phải) cùng với các hộ dân Đồi 57 bên tuyến đường mới mở do nông dân hiến đất. Ảnh:B.Mai
Ông Nguyễn Văn Năm (bìa phải) cùng với các hộ dân Đồi 57 bên tuyến đường mới mở do nông dân hiến đất. Ảnh:B.Mai

Tại huyện Cẩm Mỹ, nhiều gia đình đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để mở đường.

* “Trúng số” nhờ hiến đất

Ông Nguyễn Văn Năm (Đồi 57, xã Long Giao) vừa cùng với các anh em trong gia đình hiến hơn 3 ngàn m2 đất để thi công tuyến đường Long Giao - Bảo Bình. Trong căn nhà mới có mặt tiền đường hơn dài 200m, ông Năm vui vẻ cho rằng, ông hiến đất cũng như đóng góp tiền mặt để làm đường vì ông đã gắn bó với mảnh đất này 35 năm, từng chứng kiến biết bao khó nhọc, vất vả của các em học sinh, người lớn tuổi, người bệnh khi đi lại trên con đường đồi đá, ông và bao người đang mong mỏi con đường mới mỗi ngày.

Ông Năm quê gốc ở tỉnh Quảng Nam, theo gia đình vào Đồng Nai lập nghiệp đầu những năm 1980. Một lần tình cờ đi làm rẫy thuê ngang Đồi 57, ông quyết định khai phá đất lập nghiệp. Ông kể rằng đã không ít lần phải rơi nước mắt ở đây. Mỗi lần trời chuyển mưa, người đi rẫy phải nhanh chóng ra khỏi Đồi 57 nếu không nước từ trên đồi trút xuống suối sẽ chắn lối đi. Mới mùa mưa năm 2018 đây, các thầy cô ở Phân hiệu Trường tiểu học Đồi 57 phải gửi xe lội bộ đến trường nhiều ngày. Thấm thoát đã 35 năm, mảnh đất ngày xưa “nhìn đâu cũng thấy rừng” nay đã “thay da đổi thịt”.

“Tôi như người “trúng số” từ ngày mở đường. Tiệm tạp hóa trước đây ế ẩm nay mỗi ngày kiếm được nhiều tiền lời hơn, 2,5 hécta đất trước đây bán 60 triệu đồng mỗi hécta không ai mua nay lên 1,5 tỷ đồng, chiếc xe máy cà tàng là phương tiện duy nhất nay có thêm chiếc ô tô mới làm phương tiện đi lại” - ông Năm phấn khởi chia sẻ.

Năm 2017, giá tiêu ở đỉnh điểm, hơn 200 ngàn đồng/kg. Người dân trồng tiêu ở huyện Cẩm Mỹ và nhiều nơi xem cây tiêu như “vàng đen”, vậy mà, ông Phạm Văn Điển (ấp 3, xã Lâm San) tự nguyện cưa hơn 100 trụ tiêu đang cho thu hoạch, đóng góp 150m2 đất và 24 triệu đồng làm con đường ấp.

Ông Điển cho rằng, ngay từ đầu, khi xã đi vận động bà con hiến đất mở đường, ông chẳng ngần ngại về bàn với vợ hiến đất ở rẫy tiêu. Không chỉ hiến đất của gia đình, ông Điển còn đứng ra vận động 2 hộ trồng tiêu khác cùng cưa tiêu hiến đất với tổng diện tích gần 500m2, đóng góp tiền làm đường. Có cán bộ chính quyền địa phương xã Lâm San nói vui rằng, nếu trong xã mà có được vài gia đình như ông Điển thì “hay biết mấy”.

Trước đây, tuyến đường tổ 8, ấp Tân Xuân, xã Bảo Bình chỉ là đường mòn, trời nắng thì bụi, mưa lầy bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Đường dài nhưng rất ít hộ dân sinh sống nên khi triển khai chủ trương làm đường, gặp không ít khó khăn. Vì lợi ích của mình và nhân dân trong ấp, ông Lầy Quắn Hếnh đã tự nguyện hiến 250m2 đất để mở rộng con đường, đóng góp 125 triệu đồng cùng Nhà nước trong thực hiện chủ trương xã hội hóa đường giao thông nông thôn.

Ông Lầy Quắn Hếnh cho rằng, xã hội hóa đường giao thông nông thôn, người dân hiến đất thu lại được khá nhiều lợi ích. Đó là bản thân, con cháu sau này đi lại thuận tiện, an toàn; giá cả đất đai tăng lên gấp nhiều lần so với số tiền đóng góp; vận chuyển phân bón, nông sản cũng dễ dàng hơn. Không chỉ tích cực đóng góp các khoản xã hội hóa, bản thân ông Hếnh còn phối hợp với các đoàn thể của ấp tuyên truyền vận động bà con tập trung phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, hiến đất, hiến công để làm đường, góp phần cùng xã Bảo Bình hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

* Lan tỏa sự đồng thuận

Theo thống kê của UBND huyện Cẩm Mỹ, thực hiện chủ trương phát triển giao thông để phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua, trên địa bàn huyện có hàng trăm tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã, liên ấp có huy động sự đóng góp của nhân dân. Trong đó, nhiều tuyến đường do người dân hiến đất 100%.

Tuyến đường Long Giao - Bảo Bình do các tổ chức, cá nhân tự nguyện hiến đất. Ảnh:B.Mai
Tuyến đường Long Giao - Bảo Bình do các tổ chức, cá nhân tự nguyện hiến đất. Ảnh:B.Mai

Ông Lê Đình Thiện, Phó trưởng ban Quản lý dự án huyện Cẩm Mỹ, người nhiều lần đi vận động hơn 160 hộ dân hiến đất làm tuyến đường Long Giao - Bảo Bình cho biết, năm 2018, tỉnh chấp thuận cho huyện đầu tư tuyến đường nối từ quốc lộ 56 đi xã Bảo Bình với chiều dài 8km, chiều rộng 13m. Để làm được con đường băng qua đồi với nguồn kinh phí 130 tỷ đồng, huyện cùng với chủ đầu tư đã tính toán và lên phương án vận động người dân hiến đất làm đường. Đầu tiên, huyện lên phương án họp dân lấy ý kiến, rất nhiều hộ đồng thuận, nhưng cũng không ít hộ phản đối. Xã, huyện phải tổ chức nhiều cuộc họp dân theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Đến nay, tuyến đường đã hoàn thành, ngoài mong đợi của chính quyền, nhân dân địa phương.

Điểm sáng trong phong trào xã hội hóa đường giao thông nông thôn ở huyện Cẩm Mỹ là xã Xuân Tây. Ông Đỗ Quang Thúy, Chủ tịch UBND xã Xuân Tây cho biết, trong 3 năm trở lại đây, xã đã làm được hơn 150 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 80km, không nợ đọng. Cách làm của xã là triển khai sâu rộng chính sách hỗ trợ, chương trình xã hội hóa giao thông nông thôn của tỉnh cho người dân hiểu; lên phương án huy động sự đóng góp và tổ chức họp dân để chọn ra phương án tốt nhất cho từng tuyến đường; công khai, minh bạch từ khi lên phương án, triển khai đến khi hoàn thành công trình…

“Trước khi lên kế hoạch triển khai làm đường, chúng tôi phải đi tiền trạm để nắm bắt nhu cầu của người dân, điều kiện kinh tế và ưu tiên sự cần thiết của từng tuyến đường. Với những trường hợp cá biệt, chúng tôi vẫn cho làm đường, sau đó họp dân, nhiều người cùng tác động, người dân sẽ tự đóng góp. Với trường hợp khó khăn quá, chúng tôi cũng lấy ý kiến miễn, giảm đóng góp. Vài tuyến đường ban đầu triển khai khó khăn, nay chương trình xã hội hóa giao thông nông thôn đã trở thành phong trào có sức lan tỏa ở xã Xuân Tây, một số khu vực còn kiến nghị được hiến đất, đóng góp để làm đường sớm” - Chủ tịch UBND xã Xuân Tây chia sẻ. Hiện tại xã Xuân Tây có 85% tuyến đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, xã này đặt mục tiêu năm 2021 bê tông hóa, nhựa hóa 100% tuyến đường.

Ban Mai

Tin xem nhiều