Với phương châm sống "tốt đời - đẹp đạo", cùng nhau xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, những năm qua, đồng bào có đạo huyện Trảng Bom đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tham gia có hiệu quả trong các hoạt động xây dựng kinh tế - xã hội địa phương.
Với phương châm sống “tốt đời - đẹp đạo”, cùng nhau xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, những năm qua, đồng bào có đạo huyện Trảng Bom đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tham gia có hiệu quả trong các hoạt động xây dựng kinh tế - xã hội địa phương.
Gia đình ông Nguyễn Duy Khang (ấp An Bình, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) trở nên khá giả nhờ chuyển đổi ngành nghề. Trong ảnh: Ông Khang đang ủi đồ đồng phục học sinh. Ảnh: H.Lộc |
* Thành công nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất
Huyện Trảng Bom có dân số gần 310 ngàn người, trong đó, người có đạo chiếm hơn 63%. Hưởng ứng phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, đồng bào có đạo ở huyện Trảng Bom đã nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất kinh tế. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của giáo dân ngày càng cải thiện và đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Những năm 2000 trở về trước, ông Hoàng Vi Dũng và bà con giáo dân ấp An Bình (xã Trung Hòa) chỉ biết trông chờ vào cây điều mỗi năm cho thu hoạch một lần nhưng năng suất, lợi nhuận thấp. Nhưng nay đã khác, gần 1 hécta điều già cỗi được ông Dũng trồng mới và cho xen cây ca cao, phần còn lại ông cho thuê đất. Ngoài ra, ông còn mở dịch vụ mai táng, 2 cửa hàng buôn bán cho các con. Kinh tế gia đình khá giả, ông có điều kiện tham gia đóng góp cho các phong trào do địa phương và giáo họ phát động.
Ông Nguyễn Duy Khang (ấp An Bình, xã Trung Hòa) cho biết, ngôi nhà khang trang cùng với cơ sở may tư nhân và chi phí nuôi 4 người con ăn học là nhờ nghề may. Ông Khang trước đây làm nông nghiệp và một thời gian dài may gia công cho các tiệm lớn, về sau có vốn, ông mở cơ sở riêng. Hiện cơ sở may của gia đình ông thường xuyên có 10 lao động làm việc. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của ông xuất ra thị trường hàng ngàn sản phẩm, trừ chi phí và trả công cho người lao động, mỗi năm ông thu lời từ 250-300 triệu đồng.
Tại xã Cây Gáo, từ trước đến nay, nông dân chủ yếu sống nhờ nghề nuôi heo, gà thả vườn. Được sự vận động, hướng dẫn của các ngành chức năng, vài năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình đã liên kết với các trang trại chăn nuôi lớn, đầu tư chuồng trại khép kín nhằm giảm rủi ro do dịch bệnh, giá cả.
Ông Trần Bá Lợi (ấp Tân Lập 2), một chủ trang trại chăn nuôi heo lớn chia sẻ, những năm trước, người chăn nuôi tự vay vốn, tự đầu tư chuồng trại, mua con giống, thức ăn. Quá trình nuôi thuận lợi, lúc xuất heo được giá thì trúng rất lớn, ngược lại, chỉ cần một đợt dịch bệnh hoặc heo rớt giá, chủ trại trở thành “con nợ” của ngân hàng, nhưng từ khi liên kết chăn nuôi, người chăn nuôi an tâm hơn và lợi nhuận cũng ổn định hơn.
Ông Lợi cho biết đã liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam được 2 năm nay. Công ty đưa giống, cám, kỹ thuật thú y cho trại, ông chịu trách nhiệm chăn nuôi theo quy trình. Tiền công được tính theo trọng lượng thực tế của heo khi xuất chuồng. Trung bình mỗi đợt, ông nuôi khoảng 2-2,5 ngàn con heo và lợi nhuận mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng. “Hiện tại mô hình chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp lớn đang được nhiều bà con trong xã tiến hành. Sau dịch tả heo châu Phi này mới thấy, chăn nuôi gia công theo mô hình chuồng kín giúp người nông dân hạn chế được nhiều rủi ro, học hỏi được nhiều kinh nghiệm” - ông Lợi nói.
* Phát huy sức mạnh cộng đồng
Chia sẻ về những đóng góp của cộng đồng giáo dân với sự phát triển của địa phương, bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho rằng, khai thác lợi thế của một huyện thuần nông chuyển sang phát triển công nghiệp - dịch vụ, những năm qua, bà con giáo dân đã tích cực tham gia sản xuất kinh doanh, tạo lập nghề mới. Hộ gia đình có vốn lớn thì đầu tư các xưởng gia công hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, buôn bán; hộ ít vốn hơn thì chuyển đổi mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều mô hình liên kết, nhiều cơ sở, doanh nghiệp do bà con giáo dân làm chủ đã phát triển mạnh mẽ, qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho dân, đồng thời thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Theo bà Châu, những năm gần đây, đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và cộng đồng giáo dân nói riêng ngày càng cải thiện. Thông qua các tổ chức như nhà thờ, giáo xứ, họ đạo các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, mục tiêu đến chức sắc, chức việc và bà con giáo dân tốt hơn, khơi dậy được sức mạnh của cộng đồng. Chẳng hạn như trong chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và hiện tại là nông thôn mới nâng cao, các ngành chức năng đặc biệt mặt trận các cấp phối hợp với các giáo hội vận động giáo dân, lương dân góp tiền, góp công, hiến đất làm đường, xây dựng nhà tình thương; các nhà thờ, giáo xứ đầu tư sân chơi cho con em giáo dân và lương dân.
Linh mục chánh xứ Nguyễn Văn Hưng, Giáo xứ Tâm An (xã Trung Hòa) cho biết, với tinh thần đoàn kết, đồng hành, giáo xứ luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vận động bà con giáo dân sống “tốt đời - đẹp đạo”, tuân thủ các quy định của pháp luật, an ninh trật tự địa phương; giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực ủng hộ ngày công, kinh phí để cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình giao thông nông thôn, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao. 3 năm trở lại đây, giáo xứ làm được hơn 10km đường giao thông, đầu tư hơn 5km đường điện chiếu sáng, xây dựng 8 căn nhà tình thương, hằng tháng phát gạo cho hơn 130 hộ gia đình cả Công giáo và không có đạo.
Với sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, huyện Trảng Bom là một trong 4 địa phương phát triển công nghiệp - dịch vụ hàng đầu của tỉnh, là huyện nông thôn mới theo chuẩn mới đầu tiên.
Huyện Trảng Bom hiện có khoảng 310 ngàn người, hơn 63% dân số là người có đạo. Trên địa bàn hiện có 95 cơ sở tôn giáo được Nhà nước công nhận. Những năm qua, đồng bào có đạo trên địa bàn huyện luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia các chương trình, các phong trào do địa phương phát động. Hiện tại mức thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm. |
Hoàng Lộc