Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng mộc Hố Nai vào mùa sản xuất cuối năm

04:11, 25/11/2019

Vùng Hố Nai (bao gồm các phường: Hố Nai, Tân Biên, Tân Hòa của TP.Biên Hòa) được mệnh danh là "thủ phủ" nghề mộc truyền thống ở Đông Nam bộ. Trải qua bao thăng trầm, sản phẩm mộc Hố Nai vẫn nổi tiếng "số một" trong vùng về chất lượng, mẫu mã. Nhiều cơ sở ở đây còn xuất khẩu gỗ mỹ nghệ ra nước ngoài, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

[links()]Vùng Hố Nai (bao gồm các phường: Hố Nai, Tân Biên, Tân Hòa của TP.Biên Hòa) được mệnh danh là “thủ phủ” nghề mộc truyền thống ở Đông Nam bộ. Trải qua bao thăng trầm, sản phẩm mộc Hố Nai vẫn nổi tiếng “số một” trong vùng về chất lượng, mẫu mã. Nhiều cơ sở ở đây còn xuất khẩu gỗ mỹ nghệ ra nước ngoài, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Những cơ sở làm mộc ở đường Phùng Khắc Khoan (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) đang tất bật chuẩn bị đơn hàng cuối năm. Ảnh: B.Mai
Những cơ sở làm mộc ở đường Phùng Khắc Khoan (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) đang tất bật chuẩn bị đơn hàng cuối năm. Ảnh: B.Mai

Thời điểm này, các cơ sở mộc đang tất bật sản xuất hàng hóa, cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

* Nhộn nhịp mùa hàng Tết

Khác với nghề làm gốm phường Tân Vạn, nghề làm đá phường Bửu Long chỉ có quy mô vài chục hộ, nghề làm mộc ở Hố Nai có quy mô lên đến hàng ngàn hộ, trải dài từ phường Tân Biên, Tân Hòa đến phường Hố Nai. Nét đặc trưng của mùa làm hàng Tết là “nhà nhà làm mộc, người người làm mộc”, âm thanh của máy cưa, máy cắt, máy chà nhám rộn ràng sáng chiều, mùi thơm tự nhiên của gỗ xen lẫn mùi hăng hắc của nước sơn.

Theo những người có thâm niên trong nghề, nghề làm mộc ở Hố Nai có từ trước năm 1975, do những người gốc các tỉnh miền Bắc như: Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên, Hà Tây (cũ)... di cư đã mang theo nghề làm mộc vào đất Đồng Nai. Ban đầu chỉ một vài hộ gia đình làm bàn ghế, giường tủ để sử dụng. Về sau, họ làm ra nhiều sản phẩm hơn để bán cho bà con trong vùng, các tỉnh, thành khác và xuất khẩu. Sản phẩm rất đa dạng, từ những vật dụng thông thường đến những mặt hàng cao cấp, từ đồ gia dụng đến đồ gỗ mỹ nghệ có tính thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao.

Sản phẩm mộc ở Hố Nai được sản xuất và tiêu thụ quanh năm, nhưng “hút” hàng nhất là 3 tháng cuối năm, bởi nhiều gia đình muốn mua sắm đồ nội thất để đón năm mới.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, chủ Cơ sở sản xuất mộc Hiếu Nguyễn, đường Phùng Khắc Khoan (KP.2, phường Tân Hòa) cho biết, thời điểm này đang là mùa làm hàng Tết, có ngày thợ phải làm việc từ sáng sớm đến khuya cho kịp đơn hàng đi các tỉnh. “Thời điểm tiêu thụ mạnh nhất là cuối tháng 12, nhưng các cơ sở sản xuất thì tất bật từ tháng 10“ - bà Nhàn nói.

“Từ 17-19 giờ, con phố này luôn tấp nập xe chở gỗ. Nào xe bốc hàng đưa đi các tỉnh, nào xe chở gỗ về cho các cơ sở sản xuất” - ông Dương Văn Minh, chủ Cơ sở mộc Minh Phát nằm trên đường Phùng Khắc Khoan (phường Tân Hòa) cho hay. Theo ông Minh, do số lượng đơn hàng cuối năm tăng mạnh, việc tuyển thợ lành nghề khó khăn, nên một số cơ sở chuyển sang nhập sản phẩm thô từ ngoài Bắc, rồi chạm khắc, phun sơn bán. Chất lượng sản phẩm thì tương đương nhưng giá cao hơn do chi phí vận chuyển.

Sản phẩm mộc Hố Nai ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã và có đặc trưng là bền, chạm khắc tinh xảo. Hiện tại, các sản phẩm mộc thủ công ở đây đang được bán trong tỉnh, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, các tỉnh miền Tây, Tây nguyên. Một số cơ sở đã liên kết được với đối tác xuất khẩu đi các nước.

* Nhiều cơ hội mới

Khoảng10 năm trước, nghề mộc ở Hố Nai gặp khó khăn do suy thoái kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm mạnh, nhiều cơ sở phải thu hẹp quy mô.

Một phụ nữ đang thực hiện công đoạn chà nhám
Một phụ nữ đang thực hiện công đoạn chà nhám. Ảnh: B.Mai

Tuy nhiên hiện nay, làng mộc Hố Nai đã hưng thịnh trở lại. Hiện tại, chỉ tính riêng phường Tân Hòa có đến gần 700 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, gia công mộc. Trong đó, các khu phố như 1, 2, 3 có tới 90% hộ làm mộc. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, nhiều cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, nơi trưng bày sản phẩm mẫu, đưa máy móc, thiết bị vào hỗ trợ các công đoạn đơn giản, góp phần rút ngắn thời gian, nâng cao năng suất lao động và độ tinh xảo của sản phẩm. “Thu nhập của các cơ sở ngày càng khá, doanh thu đạt 4-5 tỷ đồng/năm/cơ sở là chuyện bình thường, bởi có những món đồ gỗ có giá trị hàng trăm triệu đồng” - chủ một cơ sở tiết lộ.

Đầu ra tốt, những người làm mộc cũng có cuộc sống khá hơn. Anh Lê Văn Thái, một thợ làm gỗ lâu năm cho biết, nếu làm công nhật thì anh được trả 400 ngàn đồng/ngày, còn làm theo sản phẩm thu nhập cao hơn. “Có 3 vị trí công việc cho thu nhập khá là: tiện, chạm trổ và sửa hàng, trung bình lương 400 ngàn đồng/người/ ngày. Việc chà nhám thường dành cho phụ nữ, người lớn tuổi và thu nhập thấp hơn, khoảng 250-300 ngàn đồng/ngày” - anh Thái nói.

Chia sẻ về nghề mộc Hố Nai, nhiều người cho hay, dù có hàng ngàn cơ sở hoạt động động náo nhiệt nhưng nơi đây chưa từng xảy ra tình trạng tranh giành thị trường. Thay vì sản xuất đại trà như trước, hiện nay các cơ sở chuyển sang chuyên sâu một vài mặt hàng. Có cơ sở chuyên sản xuất tủ thờ, có cơ sở chuyên sản xuất bàn ghế, giường ngủ. Chính vì phát triển lâu năm cùng sự chuyên môn hóa trong sản xuất, sản phẩm gỗ ở “thủ phủ” nghề mộc này được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, độ tinh tế và làm mộc trở thành ngành kinh tế chính làm thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Ban Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích