"Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Nhơn Trạch đang nỗ lực xây dựng đô thị Nhơn Trạch phát triển xứng đáng với tiềm năng và lợi thế vốn có" - đó là khẳng định của Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Quách Hữu Đức tại sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập huyện diễn ra mới đây.
[links()]"Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Nhơn Trạch đang nỗ lực xây dựng đô thị Nhơn Trạch phát triển xứng đáng với tiềm năng và lợi thế vốn có" - đó là khẳng định của Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Quách Hữu Đức tại sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập huyện diễn ra mới đây.
Sản xuất linh kiện đèn led tại Công ty TNHH Sowell Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch). Ảnh: H.Lộc |
Các vấn đề: giao thông đô thị, quy hoạch kiến trúc, phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội và hướng đến sự hài lòng của người dân đang là những điều được lãnh đạo huyện ưu tiên thực hiện hiện nay.
* Lực đẩy cho hạ tầng
Chia sẻ về tiềm lực phát triển của địa phương, ông Quách Hữu Đức, Bí thư Huyện ủy cho rằng, Nhơn Trạch có nhiều tiềm năng và lợi thế để hình thành đô thị mới, phát triển nhanh và bền vững theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ năm 2016.
Về kinh tế, Nhơn Trạch hiện có tỷ lệ công nghiệp chiếm 58%. Các khu công nghiệp đã thu hút gần 500 dự án đầu tư, trong đó có 361 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn 9,3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 110 ngàn lao động. Nông nghiệp từ chỗ chiếm ưu thế, nay giảm chỉ còn 8%. Năm 2015, huyện được công nhận là huyện nông thôn mới, hiện có thêm 2 xã được công nhận đạt nông thôn mới nâng cao.
Những năm qua, hạ tầng giao thông luôn là vấn đề tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, vấn đề này từng bước được cải thiện và trở thành lực đẩy cho phát triển. 100% tuyến đường huyện, đường xã và liên xã đã được chính quyền và nhân dân chung tay “nhựa hóa, bê tông hóa” theo tiêu chí nông thôn mới.
Đối với các dự án hạ tầng giao thông huyết mạch, kết nối vùng và các địa phương lân cận, huyện Nhơn Trạch tích cực hỗ trợ chủ đầu tư giải phóng mặt bằng như: đường vành đai 3, đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn để kết nối với 2 đường cao tốc là Bến Lức - Long Thành và TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; các tuyến đường kết nối với Cảng Phước An, Cảng Cái Mép; đường Tôn Đức Thắng (25B), đường Trần Phú (319) nối dài đường cao tốc... "Trong tương lai, Nhơn Trạch sẽ có thêm lực đẩy tạo đột phát trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư khi hoàn thành cầu Cát Lái kết nối với TP.Hồ Chí Minh, cầu Phước An nối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" - Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Quách Hữu Đức khẳng định.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Thành Mỹ, Chủ tịch UBND huyện cho rằng, hai dự án giao thông trên địa bàn huyện là đường vành đai 3 và cầu Cát Lái trong tương lai sẽ tạo sức bật lớn cho lưu thông hàng hóa, phát triển công nghiệp và đô thị của Nhơn Trạch, cũng như kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, cầu Cát Lái sẽ giúp địa phương phát huy tối đa tiềm năng, tạo bước đột phá mới cho phát triển kinh tế, đặc biệt là gỡ "điểm nghẽn" cho phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, là đô thị trung tâm của tỉnh, đô thị vệ tinh của vùng TP.Hồ Chí Minh, Nhơn Trạch cũng đang có nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng và liên vùng. Các công trình này sẽ tạo thêm thế và lực cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; thu hẹp khoảng cách giữa Nhơn Trạch và TP.Hồ Chí Minh; gia tăng kết nối hạ tầng, dịch vụ. Cùng với đó, sức hút từ các dự án bất động sản quy mô lớn và vừa cũng góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị mới Nhơn Trạch.
* Diện mạo đô thị tương lai
Theo Quyết định của Thủ tướng, tương lai, không gian đô thị mới huyện Nhơn Trạch được chia thành 8 khu vực trong đó có 4 khu vực phát triển đô thị; 3 khu vực phát triển công nghiệp, cảng và dịch vụ hậu cần cảng; 1 khu vực bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn.
Trong đó, khu vực 1 là khu vực trung tâm, thuộc các xã: Long Tân, Phú Thạnh, Phú Hội và Vĩnh Thanh có tổng diện tích đất khoảng 2,5 ngàn hécta, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 1,4 ngàn hécta; tổng dân số khoảng 96,8 ngàn người. Đây là trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa của huyện và là đô thị “lõi”, hạt nhân phát triển đô thị Nhơn Trạch. Ngoài ra, thị trấn Hiệp Phước được định hướng trở thành trung tâm tổng hợp về kinh tế, văn hóa, giáo dục, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đô thị mới Nhơn Trạch và các địa phương lân cận.
Một khu đô thị mới ở trung tâm huyện Nhơn Trạch. Ảnh: H.Lộc |
Về định hướng các khu, cụm công nghiệp, cảng và dịch vụ hậu cần cảng, huyện sẽ tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp bằng chính sách ưu tiên các ngành nghề công nghiệp công nghệ cao, bằng việc tạo dựng môi trường thông thoáng và bằng lợi thế về vị trí địa lý và hạ tầng giao thông. Tổng diện tích đất cho các khu, cụm công nghiệp tập trung là gần 3,5 ngàn hécta.
Ngoài ra, huyện sẽ xây dựng mới khu dịch vụ hậu cần Cảng Phước An diện tích khoảng 375 hécta và hệ thống cảng dọc sông Nhà Bè với tổng diện tích khoảng 183 hécta. Xây dựng các khu du lịch sinh thái với diện tích khoảng 1,1 ngàn hécta; hình thành các khu đô thị du lịch với diện tích 1 ngàn hécta tại Đại Phước, Long Tân. Khai thác du lịch trên sông kết hợp với du lịch miệt vườn và tham quan rừng ngập mặn.
Trong quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, huyện Nhơn Trạch đề cao vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các công trình hạ tầng phục vụ cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao được đầu tư mạnh. Hiện tại, thu nhập bình quân của người dân đạt gần 60 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,28%; 100% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, 100% số hộ dùng nước hợp vệ sinh.
Mục tiêu của huyện là xây dựng Nhơn Trạch thành đô thị mới của tỉnh, đô thị động lực của vùng TP.Hồ Chí Minh. Về quy hoạch kiến trúc, Nhơn Trạch sẽ phát triển theo hướng bảo tồn cảnh quan đặc trưng của đô thị ven sông.
Với tiềm lực của địa phương và quy hoạch tổng thể phù hợp, đô thị mới Nhơn Trạch sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho huyện. Để nắm bắt thời cơ, đưa đô thị Nhơn Trạch phát triển nhanh và bền vững, huyện sẽ chủ động trong việc xây dựng đô thị mới theo hướng mở với giao thông hạ tầng là trọng yếu để kết nối vùng, liên vùng.
Hoàng Lộc