Báo Đồng Nai điện tử
En

Xã vùng núi Thanh Sơn vượt khó xây dựng nông thôn mới

Bình Nguyên
08:20, 02/04/2024

Trong kháng chiến, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) là địa bàn còn hoang vu rừng rậm, giáp ranh với Chiến khu Đ, có vị trí khá quan trọng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Thời bình, đây là xã miền núi có địa bàn rộng, địa hình hiểm trở nên gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Mô hình Trồng chuối cấy mô dưới tán rừng cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Vượt qua nhiều khó khăn, năm 2023, Thanh Sơn về đích xã nông thôn mới (NTM) nâng cao theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025. Điểm nổi bật nhất của địa phương là phát triển đồng bộ hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất. Nhiều hộ dân khởi nghiệp làm giàu ngay trên mảnh đất miền núi còn nhiều khó khăn này.

Khởi đầu gian khó

Sau chiến tranh, Thanh Sơn là xã vùng sâu nghèo nàn, lạc hậu, dân số đông với nhiều thành phần dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán khác nhau. Người dân đa số nghèo khó, di cư tự do từ các địa phương trong cả nước đến đây lập nghiệp. Đây là xã thuần nông, người dân chủ yếu làm nương rẫy, trồng lúa nước, hình thức sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, kết hợp việc chăm sóc, bảo vệ rừng nên thu nhập rất bấp bênh. Nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu tự cung, tự cấp.

Cơ sở hạ tầng tại địa phương ngày ấy còn lạc hậu. Trên địa bàn xã không có điện thắp sáng, các trường học chủ yếu làm bằng tranh, tre vách nứa tạm bợ. Nguồn nước sạch sinh hoạt thiếu. Cơ sở vật tư y tế chưa đáp ứng. Đường giao thông đi lại hết sức khó khăn, nhất là bị ngăn cách bởi con sông Đồng Nai, việc đi lại, cung ứng, vận chuyển hàng hóa đến nông sản đều bằng phà. Tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả. Từ đó, đời sống kinh tế của người dân rất khó khăn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn diễn biến phức tạp.

Khi mới thành lập xã vào năm 1994, Chi bộ xã Thanh Sơn chỉ có 14 đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân viên trên địa bàn xã còn mỏng, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, lãnh đạo còn hạn chế... Qua 30 năm với 6 kỳ đại hội, đến nay Đảng bộ xã Thanh Sơn đã có 332 đảng viên sinh hoạt tại 19 chi bộ. Hàng năm, Đảng bộ xã đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, tỷ lệ chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 100%, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt gần 95,5%.

Địa phương đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội; tập trung làm đường giao thông; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn… Nhưng khi bắt tay xây dựng NTM vào năm 2011, xã Thanh Sơn vẫn có trên 50% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 14 triệu đồng/năm, thuộc diện hỗ trợ từ các chương trình 134,135 của Nhà nước.

Đầu tư hạ tầng nông thôn, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tiếp tục được địa phương chọn là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả, hệ thống lưới điện, đường giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ. 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên và an toàn; 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh đạt 86%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Đặc biệt, trên địa bàn xã có 8/8 trường học đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật tư y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Giữ vững 8/8 ấp văn hóa với gia đình văn hóa đạt trên 99%...

Xã cũng huy động được sức dân chung tay xây dựng những tuyến đường kiểu mẫu. Bà Nguyễn Thị Nuôi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, kể trước kia đường trong ấp hai bên đều là cây cối, bụi rậm um tùm. Ấp huy động tất cả các hộ dân, thanh niên đi chặt cây, phát quang bụi rậm; phụ nữ thì dọn cỏ, trồng và chăm sóc cây cối. Chị em trong ấp tự đi xin, gây giống các loại cây hoa, cây xanh để trồng dọc các tuyến đường. Để có tuyến đường cây xanh, hoa cỏ sạch đẹp như hiện nay là việc phải làm quanh năm, mùa nắng thì lo tưới nước, mùa mưa thì dọn cỏ…

“Phụ nữ là lực lượng chủ đạo duy trì phong trào này. Các gia đình trong xóm đóng quỹ để cùng chăm sóc đường hoa. Phong trào thi đua xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu giữa các xóm, ấp cũng diễn ra sôi nổi để nhân rộng những tuyến đường xanh - sạch - đẹp” - bà Nuôi cho hay.

Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ

Theo báo cáo của UBND xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng nhựa hóa, bê tông hóa 30 tuyến đường với chiều dài trên 90km; tổng kinh phí đã thực hiện trên 300 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2016, xã Thanh Sơn được xây dựng một cây cầu treo. Năm 2021, cầu bê tông Thanh Sơn - Ngọc Định bắc qua sông Đồng Nai được khánh thành và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, trong 5 năm qua, toàn xã đã được các cơ quan, mạnh thường quân trong và ngoài xã xây dựng 8 cầu dân sinh. Việc đầu tư mạnh về hệ thống giao thông nông thôn góp phần phát triển về mọi mặt đời sống của nhân dân.

Ngoài phát triển sản xuất nông nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ của các cơ sở trên địa bàn xã Thanh Sơn cũng phát triển mạnh. Hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, chất lượng luôn được đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân trên địa bàn và khu vực khác.

Tập trung phát triển sản xuất

Năm 2018, xã Thanh Sơn đạt chuẩn xã NTM và về đích NTM nâng cao vào năm 2023. Có được thành quả này là nhờ địa phương tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp; hình thành các vùng chuyên canh cây trồng hiệu quả như vùng sản xuất cây có múi, vùng sản xuất cây ăn trái có giá trị cao…

Ông Nguyễn Đức Tạo, nông dân sản xuất giỏi tại địa phương, chia sẻ gia đình ông có 5 hécta với các mô hình trồng chuối cấy mô, trồng tiêu dưới tán rừng. Toàn bộ diện tích trên được gia đình ông đầu tư hệ thống tưới nước tự động, ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất cho năng suất chuối và tiêu cao, vừa chăm sóc được cây rừng phát triển tốt. Trước đây, ông Tạo trồng xen canh cây quýt, xoài dưới tán rừng. Vài năm trở lại đây, gia đình ông chuyển đổi sang trồng giống chuối cấy mô vì cây trồng này cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nông dân cũng mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, làm giàu ngay trên vùng quê vốn nghèo khó này. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nông nghiệp Bàu Kiên (ấp 5, xã Thanh Sơn), cho biết tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa đạt chuẩn an toàn. Tham gia chuỗi liên kết, nông dân được hỗ trợ về mặt kỹ thuật và sản phẩm được bao tiêu với giá tốt. Nhờ đó, gia đình ông Hùng đã mạnh dạn đầu tư hơn 800 triệu đồng mua 2 máy bay không người lái để phục vụ sản xuất. Ứng dụng công nghệ hiện đại này vào sản xuất góp phần giải quyết bài toán thiếu công lao động và giảm chi phí sản xuất. Việc phun thuốc, bón phân được thực hiện nhanh chóng, đồng bộ, giúp ngăn ngừa sâu bệnh tốt hơn, mang lại năng suất cao hơn cho cây trồng. Đặc biệt, sử dụng máy bay để phun thuốc thay cho công lao động còn đảm bảo sức khỏe cho nông dân do không phải tiếp xúc trực tiếp với phân, thuốc như trước.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, dùng máy móc cơ giới công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ một xã đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Thanh Sơn năm 2023 đạt trên 80,3 triệu đồng, tăng 40% so với năm 2018 khi về đích xã NTM. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên đất trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đạt 201 triệu đồng/hécta. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 0,19%. 

Bình Nguyên

Tin xem nhiều