Báo Đồng Nai điện tử
En

Đô thị mới của tỉnh

Hoàng Lộc
08:23, 22/09/2023

Huyện Trảng Bom đang là trung tâm công nghiệp, đô thị mới của tỉnh. Trong quy hoạch đến năm 2030, huyện được xác định là vùng công nghiệp tập trung - dịch vụ thương mại có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai.

Hạ tầng đô thị tại TT.Trảng Bom. Ảnh: Thanh Toàn
Hạ tầng đô thị tại TT.Trảng Bom. Ảnh: Thanh Toàn

Tách ra từ H.Thống Nhất vào năm 2004, đến nay H.Trảng Bom đã có sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt.

* Phát triển về nhiều mặt

Được thành lập từ ngày 1-1-2004, trên cơ sở tách ra từ H.Thống Nhất, hiện Trảng Bom là một trong số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế, dân số “tốp” đầu của tỉnh. Có được kết quả này là do huyện đã chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đúng hướng từ trọng tâm nông nghiệp sang công nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn H.Trảng Bom có 4 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 223 dự án đầu tư trong và ngoài nước, tạo việc làm cho khoảng 118 ngàn lao động. Bên cạnh đó, huyện đang triển khai đầu tư 3 cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho biết, trước đây kinh tế của huyện chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt. Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến nay tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đã chiếm khoảng 83%. Sự phát triển về công nghiệp kéo theo nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có hạ tầng kỹ thuật, dân số, thương mại dịch vụ…

Địa phương hiện chưa hình thành các trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn song nhờ hệ thống cửa hàng tiện ích, chợ nông thôn nên thương mại dịch vụ phát triển. Năm 2022, giá trị ngành dịch vụ đạt gần 25 ngàn tỷ đồng, gấp 18 lần so với năm 2004. Huyện cũng hình thành được nhiều điểm du lịch như: Thác đá Hàn, Thác Giang Điền, sân Golf Đồng Nai, công viên văn hóa Hùng Vương, Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (U1)… 

Theo đánh giá của UBND huyện, du lịch sinh thái và về nguồn là một trong các tiềm năng của huyện. Do đó, trong đề án Quy hoạch xây dựng vùng H.Trảng Bom đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một số tuyến du lịch sinh thái kết hợp về nguồn, tâm linh đã được đưa vào đầu tư, khai thác.

Một điểm nhấn khác của H.Trảng Bom là phát triển đô thị. Nhờ sớm ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, nghị quyết, chương trình liên quan đến phát triển đô thị mà năm 2018, TT.Trảng Bom đã được công nhận đô thị loại IV. Mới đây, tháng 7-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Quyết định số 818/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 đô thị Trảng Bom đến năm 2045. Phạm vi quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện. Theo quy hoạch, đây sẽ là đô thị trọng điểm của vùng động lực phía Nam và vùng đô thị TP.HCM; đô thị động lực để phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đô thị trung tâm Đồng Nai.

* Sẽ lên thị xã vào năm 2025

Cùng với các huyện Long Thành và Nhơn Trạch, Trảng Bom đang là “điểm sáng” trong phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp của tỉnh.

Huyện Trảng Bom hình thành 13 vùng sản xuất tập trung, có 10 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 79% trường học đạt chuẩn quốc gia, 92% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật trên, địa phương cũng đối mặt với nhiều vấn đề. Đó là hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải và thoát nước đô thị thiếu, tỷ lệ người dân dùng nước máy còn thấp (khoảng 30% ở nông thôn và 44% ở đô thị). Các hạ tầng xã hội như: y tế, trường học, đất cây xanh công cộng chưa đạt tiêu chí đô thị cũng như nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, xây dựng, môi trường những năm gần đây chưa chặt chẽ, còn để xảy ra một số dự án nhà ở xây dựng trái phép, phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp. Công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật như: công nghiệp, giao thông, điện… chậm. Còn để xảy ra tình trạng cải tạo đất nông nghiệp kết hợp khai thác đá “mồ côi” làm ảnh hưởng đến vùng sản xuất nông nghiệp…

Hiện tại, H.Trảng Bom đang nỗ lực khắc phục các tồn tại, đồng thời tập trung cho các nhiệm vụ quản lý tài nguyên và môi trường, đầu tư các hạ tầng kỹ thuật và xã hội để được công nhận thị xã trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam, hiện các quy hoạch như: xây dựng chung vùng huyện, xây dựng chung các xã đã được phê duyệt đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Đây là cơ sở để triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đạt mục tiêu thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới gắn với đô thị hóa.

Cùng với đó, huyện thực hiện các bước để lập Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 đô thị Trảng Bom đến năm 2045 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Huyện kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, trạm xử lý nước thải giai đoạn ưu tiên để từng bước hoàn thiện tiêu chí hạ tầng, kiến tạo môi trường sống xứng tầm đô thị cho người dân.

Có thể thấy, mặc dù còn những tồn tại nhất định trong công tác quản lý tài nguyên, xây dựng, an ninh trật tự và an toàn xã hội song những thành quả H.Trảng Bom đạt được sau 20 năm thành lập là rất lớn, quan trọng. Đây là tiền đề để phát triển thị xã.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều