Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Nhất trí trình Quốc hội thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

07:05, 30/05/2023

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, chiều 30-5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, chiều 30-5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ở hội trường vào ngày 30-5. Ảnh: HẢI YẾN
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ở hội trường vào ngày 30-5. Ảnh: HẢI YẾN

* Thể chế hóa Quy định số 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm

Trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, việc xây dựng dự thảo nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đồng thời, nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND…

Báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn với những lý do như được nêu tại tờ trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm quy định tại Điều 15 và Điều 16, có ý kiến đề nghị chỉnh lý theo hướng bổ sung trình tự Quốc hội, HĐND thảo luận tại hội trường trong trường hợp cần thiết và cho phép người được bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến trước Quốc hội, HĐND… để bảo đảm quyền được giải trình cũng như tăng tính minh bạch, dân chủ, chuyên nghiệp và pháp quyền trong hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm.

Quy định như vậy cũng bảo đảm sự tương đồng với quy trình miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Cũng trong phiên họp chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

* Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến chất lượng, xác đáng để hoàn thiện dự án luật như: phạm vi áp dụng; giải thích từ ngữ; trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử; giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu; chữ ký số chuyên dùng công vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ; dịch vụ tin cậy; tài khoản định danh điện tử.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận vào ngày 30-5. Ảnh: HẢI YẾN
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận vào ngày 30-5. Ảnh: HẢI YẾN

Tiếp theo, Quốc hội thảo luận về quyết định chủ trương đầu tư dự án Đường giao thông từ quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) bày tỏ tán thành với chủ trương đầu tư dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận. 

Đại biểu cho biết, dự án này cần đưa ra Quốc hội thảo luận bởi liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Vấn đề liên quan đến chất lượng rừng đã được làm rõ, tuy nhiên, đại biểu đề nghị, trong nghị quyết cần làm rõ thêm việc sẽ trồng rừng thay thế như nào.

Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 30-5. Ảnh: HẢI YẾN
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 30-5. Ảnh: HẢI YẾN

Đề cập tới với vấn đề phải trình Quốc hội việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đại biểu Trịnh Xuân An cho hay, cơ sở dữ liệu, số liệu đánh giá cho rằng phần này không tác động trực tiếp đến sinh thái, an toàn, môi trường. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về cơ sở này, đặc biệt là bảo đảm về giá trị, tính chính xác của các thông số.

Liên quan tới cơ chế đặc thù, đặc cách Quốc hội đang dự kiến giao tỉnh Khánh Hòa, đại biểu đề nghị cần rà soát lại các dự án đã áp dụng cơ chế đặc thù. Quốc hội đã giao nhiều cơ chế đặc thù đối với nhiều dự án khác nhau, do đó cần phải có tổng kết, đánh giá để những cơ chế đó trở thành thông dụng. Qua đó, có thể áp dụng và sửa đổi quy định pháp luật.

Ngày mai, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Thanh Hải (tổng hợp)

Tin xem nhiều