(ĐN) - Ngày 10-1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã chủ trì buổi làm việc với Sở GD-ĐT và một số sở, ngành liên quan về dự thảo đề án dạy Tiếng Anh tăng cường trong các trường phổ thông năm học 2022-2023.
(ĐN) - Ngày 10-1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã chủ trì buổi làm việc với Sở GD-ĐT và một số sở, ngành liên quan về dự thảo đề án dạy Tiếng Anh tăng cường trong các trường phổ thông năm học 2022-2023.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại cuộc họp |
Tại buổi họp, sau khi nghe Sở GD-ĐT báo cáo dự thảo đề án dạy Tiếng Anh tăng cường trong các trường phổ thông, đại diện các sở, ngành đã đóng góp ý kiến vào dự thảo. Theo đó đề nghị phải tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo chặt chẽ theo các quy định của pháp luật khi xây dựng đề án. Khi ban hành thực hiện phải phù hợp với thực tiễn, thuận lợi cho các trường để triển khai một cách đồng bộ. Hiện chương trình giáo dục ở các bậc học vẫn còn khá nặng, nhiều học sinh còn gặp áp lực, do đó khi tăng cường thêm số tiết học Tiếng Anh trong tuần phải thận trọng, không gây áp lực thêm cho học sinh. Bên cạnh đó trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trường mới chỉ đủ số lớp học để tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, do đó sẽ khó khăn nếu triển khai dạy Tiếng Anh tăng cường. Cùng với đó cần chuẩn bị đội ngũ nhân lực phục vụ dạy Tiếng Anh tăng cường, nhất là giáo viên nước ngoài có đủ năng lực. Tính toán khả năng đóng góp của phụ huynh phù hợp, nhất là với những phụ huynh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị Sở GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện đề án, đảm bảo chặt chẽ, tăng cường số tiết học nhưng không gây áp lực cho học sinh. Tính toán khả năng triển khai phù hợp ở những trường còn thiếu lớp học cũng như sĩ số học sinh/lớp còn quá cao. Thực hiện dạy học Tiếng Anh tăng cường từ nguồn xã hội hoá do đó phải lấy ý kiến phụ huynh, tạo sự đồng thuận. Việc đề ra mức thu, quản lý thu chi phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật…
Công Nghĩa