Ban Quản lý dự án Thăng Long đã trình Bộ GT-VT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ban Quản lý dự án Thăng Long đã trình Bộ GT-VT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có tổng chiều dài hơn 60km. Điểm đầu tại Km0+000, giao với quốc lộ 1 tại Km 1829+500, trùng với điểm cuối của đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận H.Thống Nhất. Điểm cuối tại Km60+100 (qua vị trí giao cắt với quốc lộ 20 tại Km69+400), thuộc địa phận xã Phú Trung, H.Tân Phú.
Căn cứ vào nhu cầu vận tải, nguồn lực hiện hữu, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Ban Quản lý dự án Thăng Long đề xuất phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 8,3 ngàn tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị là gần 5 ngàn tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng gần 1,3 ngàn tỷ đồng và các chi phí khác.
Về nguồn vốn và phương án huy động vốn, Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị Nhà nước hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 1,3 ngàn tỷ đồng; vốn nhà đầu tư huy động hơn 7 ngàn tỷ đồng. Nếu được chấp thuận, dự án dự kiến được chuẩn bị từ năm 2022; lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2022-2023; triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư từ năm 2022-2023 và thi công xây dựng công trình từ năm 2023-2025.
Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là dự án thành phần nằm trong tổng thể dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Quỳnh Nhi