(ĐN) - Sáng 7-12, tại Khách sạn Đồng Nai diễn ra hội thảo khởi động dự án Chiến lược dự phòng tác nhân lan truyền dịch bệnh (Stop Spillover) do Trường đại học Y tế công cộng, mạng lưới Một sức khỏe các trường đại học của Việt Nam tổ chức.
(ĐN) - Sáng 7-12, tại Khách sạn Đồng Nai diễn ra hội thảo khởi động dự án Chiến lược dự phòng tác nhân lan truyền dịch bệnh (Stop Spillover) do Trường đại học Y tế công cộng, mạng lưới Một sức khỏe các trường đại học của Việt Nam tổ chức. Dự án này có sự hợp tác của Trường đại học Tufts (Hoa Kỳ) thông qua mạng lưới Một sức khỏe các trường đại học Đông Nam Á do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ.
PGS.TS. Deborah Kochevar, Giám đốc Dự án Stop Spillover toàn cầu phát biểu tại hội nghị |
Dự án hướng tới mục tiêu giảm thiểu tác động của các bệnh lây truyền từ động vật sang người và thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Chương trình An ninh y tế toàn cầu về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật. Dự án có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực về sức khỏe con người, động vật nuôi, động vật hoang dã, sinh thái và môi trường.
Stop Spillover sẽ được triển khai tại một số quốc gia ở châu Á và châu Phi, là những nơi có nguy cơ cao xuất hiện và tái xuất hiện các virus lây truyền bệnh từ động vật sang người với khả năng gây thành đại dịch. Dự án sẽ hỗ trợ các quốc gia nâng cao năng lực về giám sát, phân tích và xác định các nguy cơ lây lan virus lây truyền bệnh từ động vật sang người; xây dựng, thử nghiệm và triển khai các can thiệp và chính sách nhằm giảm thiểu rủi ro lan truyền của những virus này; giảm thiểu sự khuếch tán và lây lan của các virus mới nổi trong cộng đồng.
Tại Việt Nam, dự án sẽ kéo dài trong 5 năm, từ 2021-2025 dưới sự quản lý của Trường đại học Y tế công cộng, dự kiến tập trung vào các virus lây truyền từ động vật sang người như SARS, MERS-CoV và SARS-CoV-2. Đồng Nai là địa phương đầu tiên được chọn triển khai dự án với nhóm đối tượng hướng tới là động vật hoang dã và các tác nhân liên quan đến chuỗi giá trị động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
Hạnh Dung