Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo mật thông tin trong thực hiện phần mềm quản lý công tác an sinh xã hội

06:11, 01/11/2021

(ĐN) - Chiều 1-11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã làm việc với Sở LĐ-TBXH, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Tài chính và Tỉnh đoàn về triển khai thực hiện phần mềm quản lý công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

(ĐN) - Chiều 1-11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã làm việc với Sở LĐ-TBXH, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Tài chính và Tỉnh đoàn về triển khai thực hiện phần mềm quản lý công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh buổi làm việc của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng với các sở, ngành
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Theo báo cáo của Tỉnh đoàn, căn cứ vào Công văn của UBND tỉnh về chủ trương thực hiện triển khai hệ thống phần mềm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Sở LĐ-TBXH, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện phần mềm quản lý công tác an sinh xã hội (RTHOME-RTWORK). Mục tiêu của phần mềm là đảm bảo đồng bộ dữ liệu quản lý từ tỉnh, huyện đến các phường, xã về nhu cầu, tình trạng, lịch sử cung ứng lương thực, thực phẩm, kinh phí cho người dân theo thời gian, đảm bảo chống trùng, chống bỏ sót, công khai, minh bạch, xử lý hồ sơ để tạo ra hiệu quả cao.

Theo đó, Tỉnh đoàn cũng đã phối hợp các huyện, thành phố tổ chức các chương trình tập huấn trực tuyến cho tất cả các cán bộ đoàn cấp huyện và 170 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Sau tập huấn, Tỉnh đoàn đã chủ động cử lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện, nhập liệu hồ sơ còn tồn đọng vào phần mềm xử lý trực tuyến. Đồng thời, hướng dẫn người dân và cán bộ chuyên môn tải phần mềm, cụ thể hóa quy trình xử lý.

Còn theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay phần mềm RTHOME-RTWORK đã hoàn tất nhập liệu và rà soát chống trùng đối với danh sách người lao động đã được hỗ trợ trên 208 ngàn người. Có gần 20 ngàn người dân đăng ký nhu cầu hỗ trợ lương thực, thực phẩm.

Ngoài phần mềm của Tỉnh đoàn, còn phần mềm an sinh xã hội của Tập đoàn Yeah1 theo dõi dữ liệu chi trả cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68; phần mềm an sinh xã hội của VNPT Đồng Nai đang hỗ trợ chống trùng đối tượng chi trả cho TP.Biên Hòa. Còn phần mềm an sinh xã hội của Sở LĐ-TBXH quản lý thông tin và các đối tượng liên quan đến chính sách. Đến nay, phần mềm của Sở LĐ-TBXH đã cập nhật dữ liệu đối tượng nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68 là trên 346.785 người. Hoàn thành xây dựng chức năng hỗ trợ 5 đối tượng trong đại dịch Covid-19.

Bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai các phần mềm cũng gặp những khó khăn, vướng mắc do phần mềm hoạt động với số lượng truy cập và xử lý dữ liệu lớn dẫn đến bị chậm, chưa ổn định.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị các Sở, ngành trong quá trình triển khai phần mềm an sinh xã hội cần đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo mật thông tin của người dân. Đặc biệt, cần triển khai thí điểm từng đơn vị, nếu các bước triển khai có hiệu quả mới nhân rộng các phần mềm đến các đơn vị. Ngoài ra, khẩn trương hướng dẫn cơ sở thực hiện phần mềm, cập nhật dữ liệu, chống trùng lặp trong việc thực hiện công tác an sinh xã hội cho người dân. Những trở ngại, hạn chế trong quá trình tập huấn, triển khai phần mềm cần khắc phục, xử lý và tháo gỡ vướng mắc ngay.

Lan Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích