Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng dịch Covid-19: Chuyển từ thế phòng thủ sang chủ động tấn công

06:05, 07/05/2021

(ĐN)- Chiều 7-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19...

(ĐN)- Chiều 7-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19. Tại điểm cầu Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai

Tính đến 18 giờ ngày 6-5, Việt Nam có 3.090 trường hơp mắc Covid-19 tại 54 tỉnh, thành trong cả nước, 35 trường hợp tử vong, 491 trường hợp đang điều trị và 2.560 trường hợp bình phục. Riêng từ ngày 27-4 đến nay, cả nước ghi nhận 120 ca lây nhiễm trong nước, nhiều nhất tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận 1 ca bệnh ở TP.Long Khánh liên quan đến ổ dịch ở Đà Nẵng.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 rất nguy hiểm, mức độ lây lan cao. Do đó, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân phải đề cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là, nhưng cũng không hoảng hốt, sợ sệt, mất bình tĩnh để sáng suốt lựa chọn những phương án xử lý phù hợp, nhằm vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra.

Thủ tướng đã biểu dương những địa phương thời gian qua làm tốt công tác phòng dịch, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như: y tế, công an, quân đội… Đồng thời, phê bình những địa phương, đơn vị, cá nhân thực hiện chưa tốt. Những người vi phạm phải bị xử lý nghiêm, không nể nang, bởi chỉ một người lơ là, mất cảnh giác đã khiến cả xã hội phải vất vả và trả giá đắt.

Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phát huy nội lực, với tinh thần phòng là cơ bản, là chiến lược, quyết định; chống là quan trọng, thường xuyên, quyết liệt. Phải chống dịch như chống giặc, càng khó khăn, phức tạp càng phải phát huy dân chủ, huy động sức mạnh tập thể; phải sáng tạo, linh hoạt, bám sát tình hình để có những biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả. Toàn quốc chuyển công tác phòng dịch Covid-19 từ trạng thái phòng ngự là chính sang kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính. Trong đó, đặc biệt lưu ý chủ động thực hiện xét nghiệm, tầm soát, cách ly, phát hiện sớm các ca bệnh nếu có, xử lý dứt điểm để sớm ổn định tình hình. Toàn thể nhân dân thực hiện nghiêm 5K và vaccine.

Các địa phương cần chủ động phân cấp quản lý, ấp phải lo cho ấp, xã phải lo cho xã, huyện phải lo cho huyện, gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Vì sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, từng người dân phải nâng cao ý thức tự giác. Những nơi đã xảy ra dịch cần khẩn trương chấn chỉnh, xử lý, đặc biệt lưu ý vấn đề cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Thủ tướng đề nghị Bí thư cấp ủy các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cùng rà soát, hợp tác với nhân dân kiểm soát chặt vấn đề xuất nhập cảnh, lưu trú trên địa bàn, phát huy vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Những cá nhân, đơn vị vi phạm phải xử lý thật nghiêm.

Cho rằng khâu tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 vẫn là khâu yếu, đặc biệt ở cấp cơ sở, Thủ tướng đề nghị các địa phương phải khắc phục ngay, nghiêm túc thực hiện tự đánh giá và cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy vết, phòng chống dịch. Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đang cố gắng tiếp cận vacicne Covid-19 bằng mọi cách, mọi nguồn. Và khi có vaccine, đề nghị phải sử dụng hiệu quả, không được lãng phí.

Bộ Y tế cần xây dựng tiêu chí như thế nào là nguy cơ cao, nguy cơ thấp, có dịch để có giải pháp xử lý đi cùng. Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình về phòng chống dịch để đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu kép. Các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội phải thực hiện gọn, tránh ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, tránh tình trạng ứ đọng hàng hóa, sản phẩm…, không áp dụng biện pháp cực đoan, thái quá.

“Các địa phương phải chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm, tầm soát để giảm nguy cơ, nâng cao năng lực cách ly, xây dựng các kịch bản ứng phó với từng tình huống của dịch bệnh. Không được có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phải biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau khi khó khăn” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều