Tiếp tục chương trình của kỳ họp 16 HĐND tỉnh (khoá IX), sáng 9-7, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận tại tổ và tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh...
Tiếp tục chương trình của kỳ họp 16 HĐND tỉnh (khoá IX), ngày 9-7, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận tại tổ và tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và các nội dung trong chương trình của kỳ họp.
Các đại biểu thảo luận tại tổ (Ảnh: Công Nghĩa) |
* Nhiều kịch bản cho tăng trưởng
Tại các cuộc thảo luận tổ, nhiều đại biểu cho rằng, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng trong 6 tháng đầu năm kinh tế xã hội của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP chấp nhận được, dù có thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu so với các tỉnh, thành lớn như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, thì mức tăng trưởng của Đồng Nai là khả quan. Hiện thu ngân sách của tỉnh được trung ương giao đã đạt gần 50%, thu nội địa được đảm bảo. Việc thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài đạt được nhiều con số ấn tượng. Hiện các dự án thực hiện bằng vốn đầu tư công đang được nỗ lực giải ngân.
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, hiện nay tỉnh chưa có kế hoạch điều chỉnh mức tăng trưởng của năm 2020 do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên cũng đã có nhiều “kịch bản” được tính đến nếu tình hình có những biến động.
Một trong những yếu tố thuận lợi là tình hình an ninh trật tự - an toàn xã hội được giữ vững, các cấp, các ngành đều có sự nỗ lực cao. Tỉnh đang có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh, hỗ trợ kích thích đầu tư, sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
Đại biểu Ngô Minh Dũng (H.Long Thành) cho rằng, cần tăng cường hỗ trợ đồng bộ các doanh nghiệp trong ước và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài về thủ tục hành chính, tiếp cận nguyên liệu sản xuất, lao động và xuất khẩu hàng hóa. Doanh nghiệp cần hỗ trợ gì trong khả năng thì làm ngay, thậm chí phải tăng cường các đoàn xuống tận doanh nghiệp để hỗ trợ, đối thoại với các hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng để tìm kiếm thị trường…
* Quy hoạch và phát triển đô thị đồng bộ
Đề cập đến phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh, nhiều đại biểu cho rằng, phải tiến hành khẩn trương và đồng bộ, tránh hiện tượng chắp vá như hiện nay.
Trong phát triển đô thị phải quan tâm tới quản lý trật tự xây dựng, kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, tránh các yếu tố bất lợi xảy ra như: ngập úng, tắc đường. Bên cạnh đó, cũng cần phải xây dựng ý thức văn minh đô thị của người dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng buôn bán hàng rong, quảng cáo rác…
Đại biểu Hồ Văn Nam (TP.Long Khánh) cho biết, phải có những cơ chế mở cho phát triển đô thị một cách đồng bộ và hiện đại. Các sở, ngành của tỉnh phải cùng vào cuộc hỗ trợ thì mới đẩy nhanh hơn tiến độ.
Đề cập đến việc xây dựng ý thức văn minh đô thị, ông Nam cho biết, Long Khánh đã giao cho từng phường, xã quyết liệt ngăn chặn từ sớm tình trạng buôn bán hàng rong, chợ tự phát. Nếu phát hiện người dân bỏ rác ra đường, vứt rác bừa bãi thì chụp hình và công khai ở khu dân cư để làm gương cho người khác không sai phạm. Ngoài ra, biện pháp mạnh là gắn trách nhiệm của người đứng đầu phường, xã về đảm bảo trật tự văn minh đô thị.
Đại biểu Hồ Văn Nam (TP.Long Khánh) phát biểu thảo luận tại tổ về quy hoạch đô thị và văn minh đô thị (Ảnh: Công Nghĩa) |
* Chăn nuôi vẫn lo ...bệnh dịch
Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, hiện nay Đồng Nai tiếp tục duy trì vị thế là “Thủ phủ” chăn nuôi của cả nước với đàn heo và gà rất lớn. Vừa qua, tỉnh thực hiện tái đàn heo sau dịch tả heo châu Phi, tuy nhiên hiện nay còn rất nhiều nguy cơ tái dịch. Do đó, Sở kiên quyết chỉ cho tái đàn trở lại với những hộ chăn nuôi đủ điều kiện về vệ sinh chuồng trại.
Nhiều đại biểu cho rằng, đối với những hộ đã nuôi heo trước đây hiện nằm trong khu dân cư thì kiên quyết không cho tái đàn, vì nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, xả thải ra môi trường, ngấm vào hệ thống nước ngầm. Mặt khác nuôi heo trong khu dân cư sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh. Do đó, cần tiếp tục vận động các hộ nuôi heo tham gia thành lập hợp tác xã chăn nuôi, tìm kiếm những khu chăn nuôi trong quy hoạch, xa khu dân cư để đảm bảo an toàn.
Giám đốc Huỳnh Thành Vinh cho biết thêm, thời gian qua tỉnh đã phải chi rất lớn hỗ trợ người nuôi heo bị dịch tả heo châu Phi, mua sắm thiết bị phòng dịch… Tuy nhiên, hiện nay việc tái đàn cũng không dễ, vì heo giống quá đắt, chủ yếu được cung cấp bởi các tập đoàn chăn nuôi của nước ngoài. Nếu người dân muốn mua heo giống thì phải đi kèm với mua thức ăn của doanh nghiệp này, dẫn đến khó khăn càng nhiều hơn.
* Nước sạch thiếu vốn
Theo nhiều đại biểu, hiện việc đầu tư cho chương trình nước sạch ở nông thôn để đạt được chỉ tiêu mà tỉnh đề ra là rất khó khăn. Việc huy động nguồn vốn là rất lớn, kêu gọi xã hội hoá rất khó khăn, một phần còn vì thủ tục đầu tư không mấy thuận lợi. Do đó chỉ tiêu nước sách nông thôn khó đạt được như mong muốn.
Đại biểu Huỳnh Thành Vinh phát biểu về khó khăn của ngành chăn nuôi (Ảnh: Công Nghĩa) |
Theo đại diện Sở Xây dựng, việc đầu tư nước sạch phải xã hội hoá như chương trình làm đường trong xây dựng nông thôn mới, trong đó nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng góp vốn. Với những khu dân cư nằm xa trục đường lớn thì phải chuyển thành đầu tư vốn bằng đầu tư công, nếu không thì người dân không có khả năng để kéo nước.
Có đại biểu nêu ý kiến, những hộ khá giả thường nằm ở mặt đường kéo nước sạch vào nhà không tốn bao nhiêu chi phí. Nhưng những hộ nằm sâu bên trong thì không có tiền, có khi kéo được nước lại nợ nần, hoặc không có tiền thì không có nước sạch.
Theo nhiều đại biểu, nên thực hiện việc cấp nước sạch bằng vốn đầu tư công ở những nơi khó khăn như Cẩm Mỹ, những nơi vùng sâu vùng xa thì mới đạt được mục tiêu về tỷ lệ người dân dung nước sạch như tỉnh mong muốn.
* Vẫn nhức nhối tội phạm ma túy
Phát biểu thảo luận tại tổ, ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở VH-TTDL nhấn mạnh, vấn đề tội phạm ma túy đang ngày càng gia tăng, kéo dài nhiều năm và ngày càng trẻ hóa, gây bức xúc trong dư luận.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhưng loại tội phạm này chưa có xu hướng giảm. Nếu kéo dài sẽ cực kỳ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến thế hệ trẻ sau này. Bởi, tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có nhiều chiêu thức để dụ dỗ người trẻ, nhất là trẻ vị thành niên.
Ngoài ma túy truyền thống còn có thêm các loại ma túy tổng hợp, bóng cười, cỏ Mỹ…Ma túy tổng hợp khi vướng vào cực kỳ khó cai nghiện, gần như bó tay. Để giảm thiểu loại tội phạm này, ông Lê Kim Bằng cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ, lâu dài, thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là phải đánh sập cho được các đường dây mua bán, tàng trữ ma túy, chặn đứng đường dây cung cấp ma túy.
Đại biểu Lê Kim Bằng phát biểu tại tổ (Ảnh: Hạnh Dung) |
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý thường xuyên những nơi kinh doanh nhạy cảm, những nơi mà con nghiện có thể sử dụng ma túy như quán bar, vũ trường, quán karaoke, thậm chí hiện nay nhiều con nghiện còn thuê hẳn một căn nhà để sử dụng ma túy.
Đại biểu Ngô Minh Dũng (H.Long Thành) thì nêu ý kiến, muốn kéo giảm tội phạm ma tuý thì phải làm từ gốc đến ngọn. Thứ nhất là Công an phải tăng cường nắm bắt tình hình, điều tra ngăn chặn tình trạng buôn bán ma tuý. Đối với các quán bar, karaoke vũ trường thì phải giám sát, kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm, nhất là chủ cơ sở để xảy ra sử dụng ma tuý. Đồng thời gia đình, nhà trường phải tăng cường giáo dục con em có biện pháp kỹ năng phòng chống ma tuý.
* Khó giải bài toán tắc đường
Về lĩnh vực GT-VT, tuyến QL51, đoạn từ ngã 4 Vũng Tàu đến dốc 47 vào giờ cao điểm có rất nhiều xe ben, xe tải chạy với tốc độ cao, có nhiều trường hợp gây tai nạn chết người. Theo nhiều đại biểu, cần tăng cường trách nhiệm của lực lượng chức năng vào các giờ cao điểm, kiểm tra, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.
Một số ý kiến cho rằng, thời gian qua, trên địa bàn TP.Biên Hòa, nhất là đường Bùi Văn Hòa (P.Long Bình và Long Bình Tân), đường Nguyễn Ái Quốc (vào khu phố 5, P.Trảng Dài) thường xuyên tắc đường cả sáng lẫn chiều. Chính vì vậy, việc đi lại rất khó khăn. Đại biểu cho rằng, trách nhiệm công tác điều hành phân luồng giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông chỉ là một phần, về lâu dài cần nhanh chóng triển khai các giải pháp như mở đường, thêm các lối thoát cho giao thông ở những phường đông dân.
* Doanh nghiệp cần hỗ trợ
Bà Trương Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, đến thời điểm này nhiều người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 chưa nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng của Thủ tướng Chính phủ.
Tới thời điểm này, các doanh nghiệp mới “thấm đòn” với Covid-19. Tất cả các hợp đồng nhập liệu, xuất khẩu đều rất khó khăn. Từ tháng 1 đến tháng 6-2020, các doanh nghiệp vẫn còn nguyên, vật liệu để sản xuất. Dự kiến, quý III, quý IV, các doanh nghiệp này mới khó khăn. Hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa thể “đụng” được số tiền thuộc chính sách hỗ trợ.
Ngành Công thương đã hỗ trợ thủ tục hành chính, chính sách, tìm nguồn nguyên vật liệu để thay thế cho các doanh nghiệp. Chúng ta cần quan tâm đến việc vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp, cần có thêm nhiều giải pháp để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, nếu không doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2020.
Công Nghĩa - Hạnh Dung