(ĐN)- Chiều 10-3, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương để nắm tình hình và tác động của dịch bệnh Covid-19 nhằm đề ra những phương án xử lý kịp thời.
[links()](ĐN)- Như tin đã đưa, chiều 10-3, các đồng chí: Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh; Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương để nắm tình hình, tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để đề ra những phương án xử lý kịp thời.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường chỉ đạo tại cuộc họp |
Theo Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ, đến nay Đồng Nai chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19. Để phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hoặc nhiễm Covid-19, ngày 12-3, Sở Y tế sẽ cấp 4 bộ thiết bị, máy móc cho 4 bệnh viện có cơ sở cách ly.
Ngành cũng đã chủ động lên phương án để ứng phó với dịch bệnh nếu xảy ra ở 2 cấp độ: khi xã, phường, thị trấn có trường hợp mắc bệnh nhưng chưa có lây lan tại chỗ và khi xã, phường, thị trấn có trường hợp mắc bệnh và có lây lan tại chỗ. Trang thiết bị máy móc, thuốc men, quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế cũng được ngành chuẩn bị khá đầy đủ.
Trong khi đó, theo báo cáo của lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, thì các doanh nghiệp chuyên ngành dệt may, điện tử sẽ gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu sản xuất. Khi doanh nghiệp không có nguyên liệu sản xuất, công nhân phải nghỉ việc, sản xuất công nghiệp tăng trưởng rất thấp sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế chung của cả tỉnh.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác như: dịch vụ thương mại, dịch vụ lưu trú và du lịch; dịch vụ vận tải; xuất – nhập khẩu; hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng ít nhiều do dịch bệnh Covid-19.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phải khẩn trương, chủ động thực hiện 4 tại chỗ trong công tác phòng chống dịch. Lãnh đạo các huyện, thành phố phải chỉ đạo gắt gao đến từng tổ nhân dân nắm bắt tình hình tạm trú, tạm vắng, quản lý chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu, những người đến và đi trên địa bàn, nhất là người nước ngoài.
Giám đốc Sở Y tế báo cáo tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh |
Công tác cách ly tại nhà, nơi lưu trú phải được giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng những người đang được cách ly ra khỏi nơi cách ly; hạn chế tối đa tập trung đông người, hạn chế tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, ngành y tế cần có kế hoạch tổ chức tuyên truyền cho công nhân trong các doanh nghiệp biết cách phòng, chống dịch đúng cách. Ngành LĐTB-XH quản lý chặt việc cấp phép đối với lao động người nước ngoài.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu mỗi địa phương phải chuẩn bị được 1 khu cách ly tập trung. UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương sửa chữa tại Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân VI để làm khu cách ly khi tỉnh có nhu cầu. Các cơ quan, đơn vị hành chính trong tỉnh cần trang bị máy đo thân nhiệt, bồn rửa tay, nước rửa tay để đề phòng dịch bệnh có thể xảy ra.
Chủ tịch UBND tỉnh giao ngành y tế tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành diễn tập khi có dịch bệnh xảy ra tại địa phương.
Các địa phương, sở, ngành cần nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp đề đề ra chính sách, giải pháp, cắt bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi điều kiện tối đa để các doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Nếu cần thiết, thì phải kiến nghị các bộ, ngành Trung ương để đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời gian này.
Tin, ảnh: Hạnh Dung