Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo đảm tốt quyền con người trong các lĩnh vực đời sống dân sự

03:10, 27/10/2014

Sáng 27/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Sáng 27/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Sơn phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Sơn phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Xây dựng Bộ luật dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật

Tờ trình dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ Bộ luật dân sự năm 2005 sau hơn 9 năm thi hành đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của chủ thể trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động...

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; đặc biệt là yêu cầu về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 thì Bộ luật dân sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được sửa đổi.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm xây dựng Bộ luật dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.

Dự án Bộ luật dân sự đã thể chế hóa đầy đủ, đồng thời tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự, cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế đã được ghi nhận trong trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và đặc biệt là trong Hiến pháp năm 2013. 

Dự án đã sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành để bảo đảm Bộ luật dân sự thực sự phát huy được ba vai trò cơ bản: Tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các các cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự. Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Là công cụ pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy sự hình thành và phát triển các thiết chế dân chủ trong xã hội, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa...

Dự thảo Bộ luật có tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ luật dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều. Bộ luật dân sự quy định về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật dân sự và tán thành nhiều nội dung của dự thảo. Ủy ban pháp luật nhận thấy, Bộ luật dân sự là đạo luật rất quan trọng, tác động đến các mối quan hệ cơ bản của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động và đời sống của các tổ chức, cá nhân, gia đình. 

Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội mà điều quan trọng hơn là phải phản ánh, bảo vệ và phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng Bộ luật dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam. 

Ủy ban pháp luật đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các quy định để bảo đảm phù hợp với Cương lĩnh và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; sự tương thích giữa các quy định trong Bộ luật với đặc điểm về văn hóa, địa lý, phong tục, tập quán ở Việt Nam; dự báo khả năng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ một quy định nào của Bộ luật hiện hành cũng cần được cân nhắc thận trọng và thuyết minh cụ thể lý do của việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ, làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy ban pháp luật cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với Bộ luật này. Theo đó sau khi Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 3/2015. 

Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Bộ luật, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Thảo luận dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Thời gian còn lại của buổi làm việc sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) trích dẫn tại Khoản 2, Điều 2 dự thảo luật quy định “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.” Khoản 1, Điều 16 quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tôn trọng Tòa án.” Theo đại biểu quy định này là không phù hợp vì Tòa án là cơ quan được nhà nước giao quyền xét xử, bản án, quyết định của Tòa án được nhân danh nhà nước để tuyên án. Như vậy việc cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng, bản án, quyết định Tòa án là đương nhiên, không cần phải quy định trong dự thảo luật.

Cũng góp ý vào Điều 2: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) nêu dự thảo luật quy định Tòa án có thẩm quyền chủ trì phối hơp với Viện kiểm sát xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ nếu thấy cần thiết. 

Đại biểu đồng tình với việc ghi nhận quyền này cho Tòa án vì phù hợp với nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp mà Hiến pháp năm 2013 đã giao cho Tòa án. Tuy nhiên, để phù hợp với tinh thần Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, đó là “Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp,” đại biểu cho rằng quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 của dự thảo Luật cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Viện kiểm sát khi thực hiện yêu cầu của Tòa án. 

Có như vậy mới tạo điều kiện để Tòa án đưa ra phán quyết đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm; chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; không bị phụ thuộc vào kết quả điều tra trước đó do Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát thực hiện. 

Đại biểu kiến nghị chỉnh sửa lại điểm c, khoản 3 Điều 2 dự thảo như sau: “Trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung hoặc yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát xác minh thu thập bổ sung chứng cứ nếu xét thấy cần thiết.”

Cho ý kiến vào nhiệm kỳ của thẩm phán (Điều 69), đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) cho rằng nội dung điều khoản này đã được chỉnh lý thì nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm, nếu được bổ nhiệm tiếp thì nhiệm kỳ là 10 năm. Đại biểu nhận xét quy định này không phân biệt thẩm phán tối cao với các thẩm phán khác. 

Đại biểu nêu riêng đối với thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là ngạch thẩm phán đặc biệt với những tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm là rất cao. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn thì người được bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải trải qua một quá trình công tác lâu dài, trải nghiệm qua công tác cơ sở, có năng lực thực tiễn và uy tín của họ được thể hiện và ghi nhận qua vài chục năm công tác. 

Từ những phân tích đó, đại biểu đề nghị sửa Điều 69 như sau Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được bổ nhiệm không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu. Nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm, nếu được bổ nhiệm lại thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. 

Đại biểu Nguyễn Thái Học đánh giá khoản 1 Điều 64 quy định tiêu chuẩn thẩm phán là phải có hiểu biết xã hội là chung chung nên khi xem xét bổ nhiệm thẩm phán rất khó; khoản 2 Điều 69 chỉ cần quy định thẩm phán phải tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân là phù hợp…

Theo chương trình, chiều nay các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều