Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó trường công, dễ trường tư

07:07, 31/07/2023

Hầu hết các địa phương trong tỉnh hiện đang thiếu giáo viên từ mầm non đến THPT. Tình trạng thiếu giáo viên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn.

Hầu hết các địa phương trong tỉnh hiện đang thiếu giáo viên từ mầm non đến THPT. Tình trạng thiếu giáo viên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn.

Giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng (TP.Long Khánh) hướng dẫn học sinh biện pháp sơ cứu trong trường học
Giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng (TP.Long Khánh) hướng dẫn học sinh biện pháp sơ cứu trong trường học. Ảnh: C.NGHĨA

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho hay: “Sở GD-ĐT đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chế độ hỗ trợ với giáo viên như với ngành y tế đã làm. Tuy nhiên, đây là việc khá khó khăn vì số lượng viên chức làm việc trong ngành giáo dục là gần 26 ngàn người, gấp nhiều lần ngành y tế. Nếu triển khai hỗ trợ đồng loạt thì kinh phí tỉnh khó đáp ứng, nhất là trong điều kiện thu ngân sách năm nay đang gặp khó”.

Thu nhập làm khó trường công

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tổng số giáo viên đang công tác trong các cơ sở giáo dục công lập từ mầm non đến THPT là 25.586 người, trong khi đó giáo viên cần có theo định mức là 27.994 người, thiếu 2.408 người so với định biên. Thiếu giáo viên nhiều nhất ở cấp tiểu học là 929 người, tiếp đến là THCS 657 người, mầm non là 595 người và THPT 227 người.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH:

Có đủ giáo viên là một mục tiêu quan trọng để phát triển giáo dục

Việc có đủ giáo viên là một mục tiêu quan trọng để phát triển giáo dục ổn định, chất lượng và bền vững. Do đó, trường nào thiếu giáo viên thì phải tuyển cho đến khi đủ. Nếu tuyển mà vẫn thiếu thì phải xem xét hợp đồng thêm, tăng giờ để đáp ứng nhu cầu.

Ở cấp tiểu học chủ yếu thiếu giáo viên thể dục, tin học, trong khi ở bậc THCS thiếu giáo viên các môn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên, Thể chất, Nghệ thuật, Tin học. Đối với bậc THPT thiếu nhiều nhất vẫn là các môn Lịch sử, nhóm môn tự chọn.

Trong công tác tuyển dụng giáo viên làm việc trong các trường công lập đang tồn tại nhiều nghịch lý. Nhiều địa phương kiến nghị tăng biên chế giáo viên, thế nhưng khi được giao biên chế lại không sử dụng hết, lý do vì không có giáo viên để tuyển dụng, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên các môn Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên, Thể chất, Nghệ thuật, Tin học, Giáo dục quốc phòng. Khó khăn không chỉ có vậy, trong hệ thống giáo dục công lập còn xuất hiện tình trạng giáo viên xin nghỉ việc, khiến cho không ít trường đã thiếu giáo viên lại càng thiếu hơn.

Vào đầu tháng 7 vừa qua, mức lương dành cho cán bộ, công chức, viên chức đã được điều chỉnh, tuy nhiên mức điều chỉnh này vẫn chưa thể thỏa mãn đối với phần đông giáo viên. Trước ngày 1-7 lương khởi điểm của một giáo viên mầm non hạng III làm việc ở cơ sở mầm non công lập là hơn 3,1 triệu đồng/tháng, còn sau ngày 1-7 theo quy định mới được gần 3,8 triệu đồng/tháng.

Với giáo viên tiểu học-THCS-THPT hạng III,  mức lương khởi điểm trước ngày 1-7 là gần 3,5 triệu đồng/tháng, sau ngày 1-7 là trên 4,2 triệu đồng/tháng. Nếu so với mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 4,6 triệu đồng/tháng, thì lương khởi điểm của giáo viên làm việc trong các trường mầm non đến THPT công lập còn thấp hơn nhiều, cho dù giáo viên là những người được đào tạo có trình độ.

Nếu so sánh mức lương khởi điểm của một giáo viên cơ sở giáo dục công lập với giáo viên làm việc ở cơ sở giáo dục tư thục lại càng có khoảng cách lớn. Theo Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Khuyến (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa), mức lương khởi điểm của một giáo viên trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể đến các khoản phụ cấp đứng lớp, giáo viên chủ nhiệm… Sau 1 năm công tác, nếu hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, giáo viên sẽ được tăng lương thêm 5-10%. Việc tăng lương sẽ tiếp tục đều đặn trong những năm tiếp theo nếu giáo viên có nhiều cố gắng.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán Ngô Đăng Thành cho rằng, sẽ khó trách sinh viên sư phạm vì sao tốt nghiệp xong không về huyện vùng sâu vùng xa công tác, vì chế độ đãi ngộ đối với giáo viên ở các trường công lập còn kém hấp dẫn, trong khi đó ở thành phố có nhiều cơ hội hơn. Huyện cũng đang phải tìm cách “xoay” để có đủ giáo viên, nhất là với bậc mầm non và các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp tiểu học và THCS.

Vì sao trường tư dễ tuyển dụng?

Theo hiệu trưởng nhiều cơ sở giáo dục tư thục, trước đây, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp thường có xu hướng chọn cơ sở giáo dục công lập làm việc vì tính ổn định, tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, cơ sở giáo dục tư thục đã có sự thay đổi. Nhiều sinh viên sư phạm đã chuyển hướng chọn trường tư vì chế độ thu hút tốt hơn trường công. Ngoài chế độ lương vượt trội thì nhiều trường tư còn có môi trường làm việc tốt kèm theo chế độ phúc lợi, cơ hội thăng tiến.

Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Trịnh Hoài Đức (H.Trảng Bom) Nguyễn Đỗ Phúc cho hay, giáo viên mới tốt nghiệp đại học vào làm việc tại trường được áp dụng chế độ thu nhập chung của Hệ thống giáo dục IGC mà trường là thành viên. Theo đó, mức lương khởi điểm sẽ vào khoảng 10 triệu đồng/tháng, ngoài ra giáo viên sẽ được hưởng nhiều chế độ phúc lợi khác bên cạnh chế độ bồi dưỡng, đào tạo và cả những cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Vừa qua, nhà trường thông báo tuyển dụng 15 giáo viên, kết quả đã nhận được 30 hồ sơ của ứng viên và hoàn thành mục tiêu tuyển dụng, trong đó có cả những giáo viên mà hiện nay nhiều trường công khá khó tuyển như Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học…

Hiệu trưởng một trường tư thục tại TP.Long Khánh cho hay, muốn tuyển dụng được giáo viên thì thu nhập là yếu tố khá quan trọng, tiếp đến là môi trường làm việc. Nhà trường có mức sàn tuyển dụng trung bình đối với giáo viên mới vào khoảng 9 triệu đồng/tháng. Đối với một số trường hợp trong quá trình phỏng vấn, nhất là sau khi kết thúc thời gian thử việc, nếu thực sự có năng lực tốt nhà trường sẵn sàng trả lương cao hơn để giữ chân giáo viên ở lại trường.

Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) Phan Quang Vinh cho biết, nhờ chế độ phúc lợi tốt nên hiện nhà trường không thiếu giáo viên, ngay cả những giáo viên ở những môn học khó tuyển, nhà trường cũng không mất quá nhiều thời gian để tuyển. Giáo viên sau khi tuyển dụng sẽ được bồi dưỡng, đào tạo ngay để thích nghi với môi trường làm việc mới một cách chuyên nghiệp, đặc biệt là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp dạy học tiên tiến. Một sinh viên sư phạm mới ra trường vào làm việc tại trường chỉ mất khoảng 2 năm là có thể “cứng” tay nghề, đó là điều không phải môi trường nào cũng có được.

Công Nghĩa


Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH:

Giáo viên cần được hỗ trợ thêm để an tâm công tác

Lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo rất quyết liệt về việc tuyển cho đủ giáo viên đảm bảo phát triển giáo dục. Vừa qua lương của cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có giáo viên công lập đã tăng thêm là một thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nhiều giáo viên vẫn còn khó khăn và cần có chế độ hỗ trợ thêm để yên tâm công tác.

Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Trịnh Hoài Đức (H.Trảng Bom) NGUYỄN ĐỖ PHÚC:

Xây dựng môi trường làm việc giúp giáo viên thăng tiến

Trường tư thu hút giáo viên bằng chế độ và phúc lợi nhưng không “lôi kéo” giáo viên ở trường công sang trường tư để đảm bảo ổn định hoạt động của các trường. Chúng tôi sẵn sàng tuyển dụng những giáo viên trẻ, yêu nghề và chấp nhận mất 1-2 năm để đào tạo thêm. Ngoài ra cũng tạo cơ hội cho giáo viên được thăng tiến, thể hiện bản thân và đóng góp cho xã hội

Thành Nam (ghi)


 

Tin xem nhiều