Gần đây, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 thế giới về diện tích và sản lượng sầu riêng. Tuy mới tham gia vào thị trường thế giới, nhưng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng kỷ lục nhờ nắm bắt rất tốt cơ hội sau khi ký nghị định thư xuất khẩu mặt hàng này với Trung Quốc.
Gần đây, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 thế giới về diện tích và sản lượng sầu riêng. Tuy mới tham gia vào thị trường thế giới, nhưng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng kỷ lục nhờ nắm bắt rất tốt cơ hội sau khi ký nghị định thư xuất khẩu mặt hàng này với Trung Quốc.
Các đại biểu dùng thử sầu riêng của Đồng Nai tại Diễn đàn Cơ hội và thách thức phát triển ngành sầu riêng Việt Nam tổ chức tại TP.Biên Hòa. Ảnh: B.NGUYÊN |
Tuy nhiên, việc tăng “nóng” diện tích sầu riêng cũng đặt ra nhiều thách thức để ngành hàng này phát triển bền vững. Nhiều tỉnh, thành trong đó có Đồng Nai đã thực hiện tốt việc chuyển đổi sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu, thu hút đầu tư chế biến góp phần định vị ngành hàng sầu riêng trên bản đồ thế giới.
Đứng thứ 3 thế giới về diện tích
Sầu riêng trên thế giới chủ yếu trồng ở Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 về diện tích và sản lượng sau Indonesia (gần 1,4 triệu tấn), Thái Lan (hơn 1,2 triệu tấn).
Năm 2017 cả nước có 37 ngàn ha, đến năm 2022 đã tăng lên 110,3 ngàn ha. Trong đó, hiện có hơn 54 ngàn ha cho thu hoạch với sản lượng gần 850 ngàn tấn. Trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm diện tích trồng cây sầu riêng của Việt Nam tăng 24,5%.
Sầu riêng của Việt Nam hiện tập trung tại 4 vùng gồm: Tây nguyên có diện tích tăng nhanh, đứng thứ nhất và hiện chiếm hơn 47% diện tích cả nước; đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 30%; Đông Nam bộ chiếm gần 19% và duyên hải Nam Trung bộ chiếm 4,2%. |
Tuy mới tham gia vào thị trường xuất khẩu sầu riêng theo đường chính ngạch nhưng Việt Nam đã lập kỷ lục về mức tăng trưởng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt gần 850 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cả năm 2022. Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng cả năm 2023 tiếp tục tăng mạnh, đạt từ 1,2-1,5 tỷ USD, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2022.
GS-TS Trần Văn Hâu, nguyên giảng viên cao cấp Trường đại học Cần Thơ là chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về cây sầu riêng đánh giá, tiềm năng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam còn rất lớn trong thời gian tới. Trên thị trường xuất khẩu, sầu riêng Indonesia tuy đứng đầu về diện tích nhưng chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa. Hiện Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, họ có kinh nghiệm 10 năm xuất khẩu mặt hàng này nên là đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, họ đã bỏ ra hàng chục năm nghiên cứu cây trồng này. Họ đã đầu tư vùng trồng sầu riêng ở đảo Hải Nam (TP.Tam Á) với dự kiến tháng 6-2023, sản lượng thu hoạch đạt hơn 2,4 ngàn tấn nhưng thực tế chỉ thu hoạch được 50 tấn nên vẫn còn cửa rộng cho sầu riêng Việt Nam vào thị trường này.
Thu hút đầu tư chế biến
Tuy tiềm năng của thị trường xuất khẩu sầu riêng tươi còn rất lớn nhưng để cả chuỗi ngành hàng này phát triển bền vững cần thu hút đầu tư cho chế biến.
Vùng trồng sầu riêng tại xã Bình Sơn, H.Long Thành |
Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (TP.HCM) cho biết, doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu thanh long, chanh dây, sầu riêng… sang nhiều thị trường như: châu Âu, Hoa Kỳ, Australia, Trung Đông và gần đây là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Riêng về mặt hàng sầu riêng, DN có 3 năm kinh nghiệm chế biến và xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Năm 2022, giá trị xuất khẩu sầu riêng toàn cầu khoảng 22 tỷ USD cho thấy, quy mô của ngành này rất lớn. Trong đó, Thái Lan xuất khẩu hơn 10 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sầu riêng nhiều năm nay nhưng chưa được ghi nhận vì chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Bộ NN-PTNT đã ký nghị định thư với Trung Quốc để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, người nông dân được hưởng lợi trực tiếp và lớn nhất. Cụ thể, năm nay, giá sầu riêng bán tại vườn cao hơn khoảng 20-25 ngàn đồng/kg so với năm trước.
Cũng theo ông Thìn, ngoài mặt hàng sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam còn xuất khẩu đi rất nhiều nước ở châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng vẫn chưa được chú ý nhiều. Đầu tư để làm sầu riêng đông lạnh hoàn toàn nằm trong khả năng của DN Việt Nam. Thách thức lớn nhất hiện nay là tiếp tục mở rộng thị trường cho mặt hàng này. Do đó, DN kỳ vọng Bộ NN-PTNT tiếp tục đàm phán xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc để góp phần tăng doanh thu cho toàn ngành.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Hiệp, Giám đốc Công ty CP Rau quả Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang) là DN chế biến và xuất khẩu các sản phẩm trái cây và rau củ cho biết: “Thách thức hay cạnh tranh với ngành hàng sầu riêng luôn luôn tồn tại, vấn đề là chúng ta đương đầu như thế nào với thách thức này”. Sau đại dịch Covid-19, nhiều giai đoạn thị trường xuất khẩu bị tạm ngưng, thậm chí mất thị trường và hiện tiếp tục đi xuống do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế. Nhưng rau quả, thực phẩm thiết yếu ít bị ảnh hưởng hơn các ngành khác. Bài toán là phải làm ra sản phẩm giá cả thị trường chấp nhận được mà nông dân vẫn có lời. Ở đây phải xây dựng quy trình khép kín từ ngoài đồng đến nhà máy, đóng gói để có mức giá hợp lý, đồng bộ về chất lượng thì mới cạnh tranh được.
Ông Hiệp khẳng định: “Vấn đề hiện nay là phải nâng cao kiến thức cho cả chuỗi ngành hàng sầu riêng từ khâu trồng, thu hoạch đóng gói để đảm bảo chất lượng sầu riêng, nhất là phải thu hoạch đủ tuổi. DN chế biến mong được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm và thông tin đó phải được công khai, minh bạch với những người có liên quan. Theo đó, việc xây dựng và nhân rộng mã số vùng trồng là rất quan trọng”.
Bình Nguyên
Ông VÕ VĂN PHI, Phó chủ tịch UBND tỉnh:
Năm 2023, sẽ xuất khẩu 20 ngàn tấn sầu riêng
Sầu riêng là cây trồng chủ lực của Đồng Nai. Với diện tích gần 11,4 ngàn ha, tỉnh đang đứng đầu khu vực Đông Nam bộ, đứng thứ 4 cả nước về diện tích. Dự kiến năm 2023, toàn tỉnh sẽ xuất khẩu khoảng 20 ngàn tấn sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Tỉnh cũng đi tiên phong trong xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và hiện toàn tỉnh có 6 cơ sở đóng gói và 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 820ha. Cùng với phát triển sản xuất, tỉnh đang tích cực thực hiện theo quy chuẩn của thị trường tiêu thụ để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư chế biến sâu để hình thành được chuỗi ngành hàng phát triển bền vững.
Ông LÊ THANH TÙNG, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT):
Nhiều hệ lụy do diện tích sầu riêng tăng trưởng “nóng”
Cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cây trồng khác, do đó nông dân đã mở rộng diện tích sản xuất nhanh chóng thông qua trồng xen trong các vườn cà phê tại Tây nguyên, trồng xen trong vườn cây ăn quả, đặc biệt là chuyển đổi một số diện tích lúa sang trồng cây sầu riêng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Có rất nhiều vấn đề xảy ra khi nông dân trồng sầu riêng trên một số loại đất chưa phù hợp như đất sét nặng, đất nhiễm phèn… gây ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây. Ngoài ra, nông dân thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác cây sầu riêng; chất lượng cây giống chưa đảm bảo; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ít vùng sản xuất tập trung, thiếu tính liên kết sản xuất; đầu ra chưa thật sự ổn định, đặc biệt phụ thuộc chính vào thị trường Trung Quốc… Do đó, cần mở rộng thêm nhiều thị trường tiêu thụ cho trái sầu riêng.
Lê Quyên (ghi)