Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt để giữ thị phần ngay trên sân nhà.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt để giữ thị phần ngay trên sân nhà. Nếu không có chiến lược sản xuất, kinh doanh, tiếp thị phù hợp thì có thể nhiều DN Việt sẽ hụt hơi ngay tại thị trường nội địa.
Đồ họa thể hiện các yếu tố tác động đến tâm lý người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm, đồ uống theo kết quả khảo sát về hành vi và xu hướng tiêu dùng do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện trong cuộc khảo sát, bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023. Đồ họa: Hải HÀ |
Người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn thì yếu tố về chất lượng, giá cả, mẫu mã, độ phủ của thương hiệu, mức độ minh bạch của sản phẩm trong mắt người tiêu dùng, các tiêu chí về bảo vệ môi trường xanh, sạch, những giá trị riêng về văn hóa, nhân văn… đóng vai trò quyết định độ thành bại của sản phẩm trên kệ hàng.
Củng cố nội lực để cạnh tranh
Trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam đã tạo dựng được uy tín, có mặt rộng khắp trên các gian hàng bán lẻ truyền thống lẫn hiện đại và ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn nhiều hơn.
Theo nhiều chuyên gia, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, các thương hiệu Việt tuy đã có nhiều tiến bộ về chất lượng sản phẩm, mẫu mã nhưng chủ yếu chỉ tập trung ở một số thương hiệu lớn, có bề dày lịch sử hình thành và phát triển. Trong khi đó, các DN nhỏ và vừa ở địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vốn và công nghệ. |
Khi bước vào “sân chơi” hội nhập, sự góp mặt của các thương hiệu, hàng hóa nước ngoài tại Việt Nam làm thị trường hàng hóa trong nước phong phú, chất lượng và giá thành cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với việc các DN trong nước, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN địa phương sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên sân nhà.
Do đó, để DN Việt Nam có thể tồn tại và phát triển trong sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, thì việc củng cố, nâng cao nội lực nhằm chuẩn hóa sản phẩm phù hợp với các yêu cầu, tiêu chí chọn lựa của người tiêu dùng là yếu tố tiên quyết.
Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (tỉnh Tây Ninh) Đặng Khánh Duy chia sẻ, sản phẩm chủ lực của công ty là các loại bánh tráng. Công ty đã lựa chọn đi theo hướng ngược lại, đó là phấn đấu đạt được các tiêu chuẩn xuất khẩu, chứng chỉ quốc tế trước khi nhận được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã ngày càng mở rộng, phủ sóng ở thị trường nội địa và hướng tới phát triển thêm các thị trường xuất khẩu.
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu - ABC Bakery (TP.HCM) Kao Siêu Lực đánh giá, giai đoạn trước đây, khi người bán ít, người mua nhiều nên cạnh tranh không nhiều. Còn bây giờ thì khác, cạnh tranh ngày càng quyết liệt với thế mạnh thuộc về những DN đầu tư nhiều vào công nghệ. Do đó, công ty đã đầu tư nhiều cho chế biến sâu để phục vụ đa dạng nhu cầu và xu hướng mới của người tiêu dùng, giữ gìn thương hiệu và chất lượng sản phẩm xứng tầm hàng Việt chất lượng cao.
“Khi có sản phẩm tốt thì đương nhiên người tiêu dùng sẽ biết đến thương hiệu của mình. Lúc đó, điều quan trọng là việc xây dựng và giữ vững thương hiệu” - ông Kao Siêu Lực nhấn mạnh.
“Bắt sóng” thị hiếu người tiêu dùng
Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các DN Việt sẽ không thể “giậm chân tại chỗ” mà cần chủ động thay đổi hướng tiếp cận thị trường, thay đổi tư duy về quản trị, tích cực đầu tư cho con người, công nghệ, chuyển đổi số để tạo ra các sản phẩm có mẫu mã đẹp và phong phú, giá thành hợp lý và dịch vụ sau bán hàng tốt. Đó là chìa khóa để chiến thắng, giữ và nâng cao thị phần ngay trên sân nhà.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sữa của Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà |
Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà còn các yếu tố như an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc - xuất xứ, hay công dụng hoặc tính năng sản phẩm, chứng nhận chất lượng… Đây là các yếu tố rất được người tiêu dùng quan tâm, đặc biệt đối với sản phẩm nhóm ngành thực phẩm, đồ uống.
Ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách điều tra khảo sát cuộc bình chọn Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ, kết quả khảo sát cho thấy, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế 60% do những hấp lực về chất lượng, giá cả, đặc biệt là thuận tiện, sự thân thiện của người bán. Tuy nhiên, ở các đô thị vẫn có xu hướng khách hàng chuyển dịch từ chợ truyền thống, các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại.
Phó tổng giám đốc Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) Nguyễn Đức Tùng cho hay: “Công ty chủ động đa dạng các kênh tiếp thị để phát triển, mở rộng thị trường. Trong đó, phát triển các kênh tiếp thị ở các siêu thị, mở rộng kết nối với các nhà phân phối, các trạm dừng chân”.
Đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cho biết, hàng Việt ngày càng có sự thích nghi với nhu cầu thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Các DN trong nước cần tiếp tục chú trọng về chất lượng, sự tiện ích của sản phẩm, nâng cao tính thân thiện, an toàn cho sản phẩm…
Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa Hoàng Thị Tố Uyên cho hay, các DN trong nước ngày càng chú trọng hơn đến thông tin minh bạch cho sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường để nâng cao sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng. Trên thực tế, hiện nay, nhiều sản phẩm Việt hiện có chất lượng, mẫu mã gần như tương đương với các sản phẩm ngoại…
Hoàng Hải
Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai NGUYỄN DUY HƯNG:
Cẩn trọng trước những rủi ro trong quá trình hội nhập
Trong bối cảnh tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các DN cần cẩn trọng với các rủi ro về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá; cũng như các hình thức gian lận “mượn” nhãn mác, nguồn gốc để xuất khẩu hoặc tiêu thụ ở thị trường trong nước sẽ gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho các DN nội địa...
Điểm yếu của nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa là thiếu tính bao quát, đánh giá các rủi ro “từ sớm” và “từ xa” liên quan đến quá trình hội nhập, trong đó có vấn đề về phòng vệ thương mại.
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai CHÂU MINH NGUYỆN:
Cần thêm nhiều hoạt động kết nối giao thương
Về mặt chất lượng, mẫu mã, hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN nhỏ và vừa, DN địa phương dù đã nỗ lực để phát triển các kênh quảng bá, tiếp thị sản phẩm nhưng do tiềm lực của DN còn hạn chế nên nhiều DN trong số này cũng chỉ cố gắng được trong điều kiện, giới hạn nhất định.
Do đó, trong bối cảnh hội nhập, có các FTA thế hệ mới như hiện nay, để nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, bên cạnh việc các DN trong nước, nhất là các DN nhỏ và vừa, chủ thể OCOP cần tiếp tục đảm bảo chất lượng, củng cố nội lực, có phương án sản xuất, kinh doanh “dài hơi” thì cũng rất cần các cơ quan chức năng, địa phương tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN trong nước kết nối giao thương, mở rộng thị trường, các chương trình hỗ trợ tín dụng…