Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp 'né' bỏ thầu xử lý rác

07:04, 10/04/2023

Không có doanh nghiệp (DN) tham gia đấu thầu, có DN tham gia nhưng bỏ thầu cao hơn giá quy định khiến các địa phương gặp rắc rối về xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH).

Không có doanh nghiệp (DN) tham gia đấu thầu, có DN tham gia nhưng bỏ thầu cao hơn giá quy định khiến các địa phương gặp rắc rối về xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH).

Sở TN-MT kiểm tra phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Suối Cao (H.Xuân Lộc)
Sở TN-MT kiểm tra phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Suối Cao (H.Xuân Lộc). Ảnh: H.Lộc

Các địa phương trong tỉnh đang lo lắng, RTSH không được thu gom, vận chuyển, xử lý kịp thời sẽ gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.

Không có DN dự thầu

Từ đầu năm đến nay, H.Tân Phú đã 2 lần tổ chức đấu thầu gói xử lý RTSH nhưng không có DN nào tham gia. Địa phương đang lo hàng trăm tấn RTSH sẽ về đâu.

Đại diện lãnh đạo H.Tân Phú chia sẻ, huyện đang “sốt ruột” chuyện xử lý RTSH vì đã đấu thầu 2 lần mà không có đơn vị nộp hồ sơ. DN xử lý RTSH cho huyện mấy năm nay thông báo tháng 6-2023 sẽ ngừng tiếp nhận rác.

Không để tồn đọng rác vì hạ tầng, đơn giá

Tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng của UBND tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu không được để tồn đọng rác thải vì thiếu hạ tầng, vì vướng đơn giá.

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, có nhiều vấn đề cần khắc phục trong quản lý RTSH, đó là: phí thu gom và đơn giá xử lý; trạm trung chuyển, xe chở rác; phân loại RTSH tại nguồn và đổi mới công nghệ xử lý.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 41/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Rà soát các quy định, ban hành kế hoạch có lộ trình tăng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phù hợp. Yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện cải tạo, nâng cấp các công trình đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án xử lý RTSH theo công nghệ đốt tại xã Vĩnh Tân, đồng thời đưa ra lộ trình chuyển đổi sang công nghệ đốt đối với các dự án đang hoạt động.

Cần tạo sự chuyển biến thật sự về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với phân loại RTSH tại nguồn và chống rác thải nhựa. Nghiên cứu đưa mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về phân loại RTSH tại nguồn vào hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị. Áp dụng chế tài xử phạt vi phạm pháp luật môi trường nghiêm túc, công bằng và hiệu quả.

HĐND, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường giám sát thu gom, vận chuyển, xử lý RTSH. Giám sát đầu tư hạ tầng của địa phương, chủ dự án và thực hiện quy định bảo vệ môi trường của chủ nguồn thải.

Ban Mai (ghi)

Tương tự, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ… đã tổ chức đấu thầu gói xử lý RTSH năm 2023 nhưng không có DN tham gia.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho biết, huyện đã tổ chức đấu thầu nhưng không có DN nào tham gia. Theo quy định, RTSH phải đấu thầu hàng năm nhưng nay đã hết quý I vẫn chưa đấu thầu được.

Còn tại TP.Long Khánh, có 1 đơn vị tham gia đấu thầu nhưng lại bỏ thầu cao hơn giá quy định. “Công ty CP Dịch vụ Sonadezi là đơn vị duy nhất nộp hồ sơ đấu thầu xử lý RTSH năm 2023 của thành phố. Tuy nhiên, DN này bỏ thầu cao hơn giá UBND tỉnh ban hành khoảng 100 ngàn đồng/tấn dẫn đến đấu thầu không thành công” - Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Đỗ Chánh Quang chia sẻ.

 Theo tìm hiểu, lý do dẫn đến tình trạng không có DN tham gia đấu thầu xử lý RTSH là cả tỉnh hiện chỉ còn 4 khu xử lý (KXL) chất thải tiếp nhận rác. Trong đó, KXL lớn nhất tỉnh đang xin giảm 1/3 công suất; 3 KXL còn lại thì đã đủ công suất, không thể tiếp nhận thêm rác. Ngoài lý do trên, một số đơn vị đang chịu thua lỗ, nguy cơ phá sản do giá xăng dầu, nhân công tăng cao, trong khi đơn giá xử lý RTSH 5 năm nay chưa điều chỉnh tăng.

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho rằng, xử lý RTSH đang là vấn đề cấp bách bởi lẽ 5/9 KXL đã tạm ngừng tiếp nhận rác. Mới đây, thêm 2 KXL báo ngừng, giảm tiếp nhận RTSH trong thời gian tới. Chưa khi nào xử lý RTSH lại khó khăn như hiện nay. Dự án ngừng hoạt động ngày càng nhiều, trong khi dự án đốt rác phát điện từ năm 2016 chưa thực hiện. Tỉnh và các nhà đầu tư cần cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc để tránh tình trạng tồn đọng rác.

Trên thực tế, không ít địa phương đã xảy ra “vỡ trận” RTSH vì nhà máy xử lý xảy ra sự cố, vì DN và chính quyền chưa tìm được tiếng nói chung. 

Nhà đầu tư phải có trách nhiệm

Đồng Nai đã quy hoạch 9 KXL chất thải với diện tích gần 460ha, quy mô công suất hơn 3,3 ngàn tấn RTHS/ngày. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế, công nghệ chưa phù hợp dẫn đến đầu tư xây dựng, hoạt động chưa đảm bảo theo quy hoạch.

Thu gom rác thải sinh hoạt tại TP.Biên Hòa
Thu gom rác thải sinh hoạt tại TP.Biên Hòa

KXL chất thải Tây Hòa (H.Trảng Bom) không tham gia đấu thầu xử lý RTSH cho huyện từ năm 2019. Ông La Quốc Cường, Giám đốc Công ty CP Thương mại Tài Tiến, chủ đầu tư dự án này cho rằng, đơn vị đã đầu tư lò đốt rác hiện đại với giá từ 1,2-1,4 triệu đồng/tấn nhưng giá của tỉnh thấp hơn. Trường hợp đấu thầu, tiếp nhận rác xử lý, công ty sẽ bị lỗ. Công ty kiến nghị tỉnh điều chỉnh tăng giá xử lý RTHS.

Việc đầu tư công nghệ để giảm chôn lấp chất thải là điều tỉnh khuyến khích. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải tính toán công nghệ phù hợp với giá trần và có thể cạnh tranh được với các DN khác. Bởi lẽ, xử lý RTSH sử dụng tiền ngân sách, quy trình đấu thầu và đơn giá phải theo các quy định của pháp luật, không thể theo đề xuất của nhà đầu tư.

Bà Trần Thị Thúy, Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) cho biết, năm 2023, đơn vị không tham gia đấu thầu xử lý RTSH của 4 huyện: Cẩm Mỹ, Tân Phú, Long Thành,Nhơn Trạch; đồng thời xin giảm công suất từ 1,2 ngàn tấn/ngày còn 800 tấn/ngày bởi các lý do: ô chôn lấp sắp hết, trạm xử lý nước rỉ rác vận hành quá tải, dự án điện rác chưa được duyệt.

Hiện Đồng Nai phát sinh hơn 2,1 ngàn tấn RTSH/ngày. Trong đó, khoảng 1,2 ngàn tấn được đưa về KXL ở xã Quang Trung; gần 600 tấn đưa về 3 KXL: Vĩnh Tân, Túc Trưng và Xuân Tâm. Còn lại khoảng 300 tấn xử lý ở các nhà máy khác và người dân tự xử lý.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Sở TN-MT cần xem lại cách điều hành, quản lý RTSH. Sở Tài chính hướng dẫn địa phương khẩn trương thanh toán tiền xử lý rác cho DN. Các sở, ngành xem xét, đề xuất phương án giải quyết các kiến nghị liên quan đến điều chỉnh quy hoạch cục bộ, bổ sung diện tích, nới quy trình đấu thầu xử lý RTSH lên 3 năm.

Đối với 4 KXL đang hoạt động, phải đầu tư hạ tầng, công nghệ đảm bảo tiếp nhận, xử lý rác theo cam kết đầu tư. Riêng 3 KXL đang tạm ngừng tiếp nhận RTSH là: Tây Hòa, Phúc Thiên Long, Xuân Mỹ phải có kế hoạch, trình UBND tỉnh phương án hoạt động theo giấy phép được cấp. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết, tỉnh sẽ xử lý theo quy định là thu hồi dự án.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án Đốt rác phát điện tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) để giảm tải cho các KXL hiện hữu.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều