Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ NN-PTNT vào ngày 13-1, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chỉ ra, năm 2023, ngành Nông nghiệp tiếp tục phải đối mặt với 3 chữ "biến": biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ NN-PTNT vào ngày 13-1, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chỉ ra, năm 2023, ngành Nông nghiệp tiếp tục phải đối mặt với 3 chữ “biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa phải) tham quan mô hình trồng tiêu hữu cơ tại xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên |
Năm 2023, dù tình hình kinh tế được dự báo không mấy sáng sủa nhưng ngành Nông nghiệp Đồng Nai vẫn đặt ra mục tiêu cao. Tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, nhất là xây dựng thương hiệu sản phẩm tỉnh, vùng, quốc gia.
* Đối mặt với những biến động
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đang có xu hướng giảm mạnh, nhất là những tháng cuối năm 2022. Cụ thể, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trong tháng 10-2022 chỉ tăng trưởng 13%, trong khi thời điểm này các năm trước tăng trưởng khoảng 30%. Bắt đầu từ tháng 11-2022, xuất khẩu giảm 14% và giảm 15% trong tháng 12.
Năm 2023 được nhận định còn nhiều khó khăn khi thế giới chịu tác động bởi lạm phát và suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng cũng thấp hơn. Ngoài ra, nông sản xuất khẩu vào các thị trường như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT LÊ MINH HOAN, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp không chỉ là mở rộng ngành hàng này hay thu hẹp ngành hàng kia, mà phải tích hợp các giá trị, vừa mang giá trị địa phương, vừa mang giá trị toàn cầu; chuyển từ tư duy phát triển đơn ngành sang phương pháp tích hợp đa ngành, đa giá trị. |
Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường cũng là nguyên nhân làm tăng chi phí sản xuất, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Ngoài khó khăn chung nêu trên, ngành Nông nghiệp Đồng Nai còn đối mặt với thách thức do sự cạnh tranh về nguồn lực đất đai, lao động tay nghề cao do định hướng cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ cho rằng: “Năm 2022, ngành Nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn về thiên tai, thị trường, chi phí đầu vào tăng… Trong năm 2023, khả năng sẽ phát sinh thêm những thách thức mới, ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước”.
Cũng theo ông Cao Tiến Sỹ, nông nghiệp, nông dân tiếp tục là những đối tượng chịu tác động nặng nề. Những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm đòi hỏi người sản xuất phải thay đổi phương thức canh tác để hội nhập theo nền kinh tế thị trường. Sản xuất nông nghiệp cần có sự thay đổi về định hướng, công nghệ, loại hình tổ chức, thích ứng nhanh sản xuất theo kịp với xu hướng thị trường.
* Chủ động ứng biến trước tình hình mới
Chỉ rõ những khó khăn ngành Nông nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, hàng loạt cảnh báo liên tục được đặt ra về sự sụt giảm của các đơn hàng quốc tế, đặc biệt là ngành gỗ; về đứt gãy chuỗi cung ứng; về rủi ro dao động đột biến giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào…
Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại H.Long Thành |
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Điều chúng ta có thể chủ động chính là tâm thế sẵn sàng, sẵn sàng thích ứng trong các hoàn cảnh, tình huống khác nhau”. Trong đó, phát triển nông nghiệp trong năm 2023 sẽ có nhiều sự đổi mới. Cụ thể, sản xuất phải có sự dịch chuyển từ nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết, phát triển rộng lớn. Hiện nay, với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, việc học tập kinh nghiệm và quản lý sản xuất không đơn thuần là trường lớp, sách vở, mà còn qua không gian mạng, các thiết bị kỹ thuật mới tạo ra phương thức sản xuất hiện đại, phù hợp với sự xoay chuyển của cục diện kinh tế toàn cầu.
Chủ động xác định được những khó khăn của năm 2023, từ đầu năm, ngành Nông nghiệp Đồng Nai chú trọng đến tái cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh bằng chất lượng. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh liên kết sản xuất phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuyển đổi số, công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Tỉnh sẽ xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển du lịch sinh thái, du lịch môi trường rừng, nông - lâm kết hợp để phát huy tiềm năng sẵn có. Qua đó, nâng cao thu nhập, môi trường sống cho người dân ở khu vực nông thôn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu các ngành, địa phương phối hợp với Sở NN-PTNT trong việc nghiên cứu, tích hợp các lĩnh vực của ngành vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Trong đó, tập trung vào các định hướng lớn như: xác định các vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp… để làm cơ sở thúc đẩy ngành Nông nghiệp Đồng Nai phát triển đúng định hướng và bền vững trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH: Ngành Nông nghiệp cần bản lĩnh và linh hoạt hơn
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ NN-PTNT vào ngày 13-1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023, được dự báo có rất nhiều khó khăn, toàn ngành Nông nghiệp cần bản lĩnh và linh hoạt hơn để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và luôn lấy người nông dân làm trung tâm. Ngành Nông nghiệp cần phối hợp với ngành Ngân hàng để đáp ứng nguồn vốn phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu; đồng thời, nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới có hiệu quả của các địa phương, doanh nghiệp.
Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) ĐÀO THẾ ANH: Chuyển đổi số để tạo đột phá
Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất sẽ tạo nên bước đột phá lớn trong ngành Nông nghiệp Việt Nam. Khi áp dụng chuyển đổi số thì chính mỗi nông dân trở thành một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số.
Như vậy, toàn bộ người sản xuất Việt Nam có thể được kết nối với nhau trực tiếp hoặc gián tiếp khi áp dụng khoa học, kỹ thuật vào quản lý sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản, cho đến bán hàng ra thị trường. Với sự kết nối này, hệ thống người sản xuất nông nghiệp Việt Nam có thể nắm vững thông tin sản xuất đến thị trường, từ đó có thể đồng lòng thúc đẩy hay bình ổn sản lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, tránh sự nhiễu loạn của thị trường trong năm 2023.
Điểm mấu chốt của chuyển đổi số trong nông nghiệp chính là làm sao có nền tảng số và mỗi người nông dân đều có địa chỉ ở đó. Từ đó, người nông dân tự kết nối, tự giới thiệu. Chuyển đổi số trong nông nghiệp bắt đầu gắn kết từng mảnh vườn, thửa ruộng, vùng nguyên liệu và phải minh bạch hóa dữ liệu. Khi nào minh bạch hóa dữ liệu, người sản xuất mới nắm rõ thông tin về cung, cầu của thị trường, hoạch định kế hoạch sản xuất riêng trên cục diện nhu cầu tổng thể cho phù hợp.
Lê Quyên (ghi)
Bình Nguyên