Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó khi dạy học tiếng Anh tăng cường

07:01, 12/01/2023

Nhiều trường phổ thông, thậm chí cả các trường mầm non đang liên kết với các trung tâm ngoại ngữ dạy học tiếng Anh cho học sinh và trẻ em với thời lượng từ 1-2 tiết/tuần. Tuy nhiên, không ít trường cho biết vừa liên kết, vừa lo vì không biết trong quá trình triển khai có sai sót gì không.

Nhiều trường phổ thông, thậm chí cả các trường mầm non đang liên kết với các trung tâm ngoại ngữ dạy học tiếng Anh cho học sinh và trẻ em với thời lượng từ 1-2 tiết/tuần. Tuy nhiên, không ít trường cho biết vừa liên kết, vừa lo vì không biết trong quá trình triển khai có sai sót gì không.

Học sinh Trường THCS Long Bình (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) học môn Tiếng Anh tăng cường với giáo viên người nước ngoài. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh Trường THCS Long Bình (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) học môn Tiếng Anh tăng cường với giáo viên người nước ngoài. Ảnh: C.Nghĩa

Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT) Trần Đình Vinh cho biết: “Việc liên kết dạy tiếng Anh cho học sinh trong nhà trường là hình thức học tập có lợi cho học sinh, bởi chỉ với một số lượng ít ỏi số tiết môn Tiếng Anh chính khóa trong tuần là không đủ”.

* Vừa làm, vừa lo

Từ nhiều năm nay, Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) đã liên kết với Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ (VMG) dạy môn Tiếng Anh tăng cường cho học sinh. Ngoài các tiết học chính khóa, mỗi tuần học sinh có 2 buổi học tăng cường với giáo viên người nước ngoài để luyện các kỹ năng nghe và nói, đồng thời luyện thi chứng chỉ IELTS. Việc có tham gia học tăng cường hay không là quyền của học sinh quyết định và có khoảng 1/3 số học sinh của trường tự nguyện đăng ký học.

Ban giám hiệu nhà trường cho biết, học môn Tiếng Anh theo mô hình tăng cường có nhiều lợi ích, mỗi lớp chỉ có khoảng 10-15 học sinh, học sinh được học với người nước ngoài, có nhiều hơn cơ hội giao tiếp so với học chính khóa thường có tới 40 học sinh/lớp. Còn so sánh với học phí học tiếng Anh ở trung tâm bên ngoài thì trung tâm ở trường chỉ bằng 2/3. Học phí thấp là nhờ khai thác lợi thế cơ sở vật chất của chính nhà trường, chỉ tổ chức dạy học 1 buổi chính khóa/ngày.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Học sinh phải có kỹ năng tiếng Anh để hội nhập

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp lớn của cả nước, sắp tới còn có cảng hàng không quốc tế Long Thành nên phải chuẩn bị tốt kỹ năng tiếng Anh để hội nhập và đón những cơ hội mới. Phải sớm hoàn thiện và triển khai việc học môn Tiếng Anh tăng cường cho học sinh, nhưng không có nghĩa là tạo áp lực cho học sinh. Do đó, cần nâng cao nhận thức của phụ huynh về sự cần thiết của việc tăng cường kỹ năng tiếng Anh cho học sinh để phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền cho con mình học.

Lãnh đạo nhà trường cho rằng, hình thức liên kết này mang lại hiệu quả, giúp học sinh nhà trường nâng cao trình độ kỹ năng tiếng Anh, khai thác tối đa cơ sở vật chất phục vụ học tập, giúp phụ huynh học sinh tiết kiệm được chi phí so với học ở các trung tâm bên ngoài.

Em Nguyễn Thị Thu Hiền, học sinh Trường THPT Trấn Biên cho hay: “Học tiếng Anh tăng cường ở trường thoải mái hơn ở trung tâm nhiều, vì không gian lớp học quen thuộc và rộng rãi”.

Trong khi đó, Hiệu trưởng một trường THCS tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho biết, nếu không học môn Tiếng Anh tăng cường, học sinh chỉ được học một số tiết hạn chế. Muốn học nâng cao và học với giáo viên người nước ngoài, học sinh phải ra các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài. Do đó, nhà trường cũng muốn tổ chức dạy tăng cường môn Tiếng Anh đồng loạt cho học sinh trong trường, nhưng lại không đủ số phòng học, học sinh chỉ được học 1 buổi/ngày. Bên cạnh đó, học phí học môn Tiếng Anh tăng cường do phụ huynh đóng góp nên khá “nhạy cảm”, dễ phát sinh khiếu kiện nên nhà trường vừa làm, vừa lo…

* Khó tìm phương án tối ưu

Với việc tạo thuận lợi cho việc thành lập các trung tâm dạy tiếng Anh ở các địa phương, đặc biệt là ở TP.Biên Hòa, những năm qua mặt bằng trình độ kỹ năng tiếng Anh của học sinh Đồng Nai được cải thiện, thể hiện qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cụ thể, năm 2022, điểm trung bình môn Tiếng Anh của học sinh Đồng Nai đứng thứ 11/63 tỉnh, thành của cả nước. Giáo viên bộ môn Tiếng Anh ở một trường THCS tại TP.Biên Hòa cho biết, trình độ tiếng Anh của học sinh được nâng lên có tác động không nhỏ của các trung tâm ngoại ngữ, bởi sau các buổi học chính khóa ở trường thì phần đông học sinh đều đi học thêm ở các trung tâm.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, Sở GD-ĐT đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án Tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, ngoài các buổi học tiếng Anh chính khóa với giáo viên Việt Nam, học sinh có thể được học tăng cường từ 2-3 tiết với người nước ngoài. Mục tiêu là tăng cường kỹ năng nghe và nói cho học sinh, bởi đây vẫn là một trong những điểm yếu của học sinh vì ít có cơ hội giao tiếp, nhất là với giáo viên người nước ngoài.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Long Thành Nguyễn Văn Toàn cho biết, thời gian qua, dù tỉnh chưa có đề án chính thức triển khai nhưng nhiều trường có đủ lớp học dạy 2 buổi/ngày đã chủ động liên kết với trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn dạy tiếng Anh tăng cường cho học sinh. Sắp tới, huyện sẽ có cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động thì nhân lực sẽ không thể yếu kỹ năng tiếng Anh nên huyện khuyến khích các trường tiếp tục đẩy mạnh liên kết dạy môn Tiếng Anh tăng cường cho học sinh.

Tuy nhiên, việc xây dựng đề án Tăng cường giảng dạy tiếng Anh cho học sinh cũng đang gặp không ít khó khăn. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, khó khăn hiện nay là kinh phí thực hiện, bởi nếu dùng kinh phí từ ngân sách thì số tiền chi ra hàng năm không ít, đồng thời phải được HĐND tỉnh thông qua. Kế đến, hiện Chương trình giáo dục phổ thông cũ (năm 2006) và kể cả Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 còn bị đánh giá khá nặng, nên nếu tăng cường thêm một số tiết môn Tiếng Anh/tuần lại lo học sinh quá tải.

Không dừng lại ở đó, nhiều trường vẫn đang thiếu lớp học, còn phải dạy 1 buổi/ngày nên việc triển khai dạy môn Tiếng Anh tăng cường là một thách thức. Nhưng lo nhất vẫn là số lượng và chất lượng giáo viên tham gia dạy tăng cường nếu triển khai ở diện rộng sẽ rất khó có đủ. Ngoài ra, nếu dùng kinh phí xã hội hóa, nghĩa là phụ huynh phải đóng góp, thì mức thu là bao nhiêu, có bao nhiêu % phụ huynh đủ khả năng cho con học cũng là một vấn đề, nhất là với học sinh ở các trường vùng sâu, vùng xa.


 

Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TBXH) NGUYỄN HỮU KHÁNH LINH: Khuyến khích học sinh tự học tiếng Anh

Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đã được bố trí khá đủ số tiết/tuần và học sinh vẫn còn áp lực, do đó nên tính toán hợp lý thời gian học môn Tiếng Anh tăng cường cho học sinh hiệu quả mà không áp lực thêm. Nên khuyến khích học sinh tự học môn Tiếng Anh, nhất là kỹ năng nghe và nói vốn còn yếu. Thay vì tổ chức diện rộng thì nên thí điểm dạy học môn Tiếng Anh tăng cường, từ đó rút ra kinh nghiệm và nhân rộng, đảm bảo học sinh tiếp cận tiếng Anh hiệu quả, nghe tốt nói tốt, vận dụng hiệu quả.

Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh HUỲNH NGỌC KIM MAI: Nên tham khảo kinh nghiệm của các tỉnh đã triển khai

Nếu dạy học môn Tiếng Anh tăng cường cho học sinh toàn tỉnh phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, từ chủ trương, phương pháp đến nhân lực, tài lực… Căn bản là phải làm sao cho hiệu quả và được sự đồng thuận của xã hội. Sở GD-ĐT có thể tổ chức tham quan tìm hiểu kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai và có hiệu quả, chẳng hạn gần đây nhất là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nên thận trọng làm từng bước, đánh giá và rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.

Thành Nam (ghi)


Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích