Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển

07:12, 17/12/2022

Dù chưa chính thức khép lại kế hoạch năm nhưng kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 của tỉnh được ghi nhận tiếp tục có sự phát triển với mức tăng trưởng GRDP đạt 9,22% so với năm 2021, phần lớn các chỉ tiêu đề ra trong năm đều đạt và vượt.

Dù chưa chính thức khép lại kế hoạch năm nhưng kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 của tỉnh được ghi nhận tiếp tục có sự phát triển với mức tăng trưởng GRDP đạt 9,22% so với năm 2021, phần lớn các chỉ tiêu đề ra trong năm đều đạt và vượt.

Công trình đường ven sông Đồng Nai (đoạn thuộc P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) đang khẩn trương thi công. Ảnh: C.Nghĩa
Công trình đường ven sông Đồng Nai (đoạn thuộc P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) đang khẩn trương thi công. Ảnh: C.Nghĩa

Tuy nhiên, theo nhận định của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, năm 2023 sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức do các tác động từ tình hình thế giới, lạm phát duy trì ở mức cao làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển KT-XH của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng.

* Còn những thách thức...

Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5-8,5%, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 145-150 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng 8-8,5% so với năm 2022. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 116 ngàn tỷ đồng, tổng thu ngân sách đạt dự toán được giao.

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân tăng trưởng của từng lĩnh vực công nghiệp, nông - lâm nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong năm 2022, từ đó đưa ra những dự báo và xây dựng “kịch bản” phù hợp cho năm 2023.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH: Kịp thời có giải pháp chỉ đạo, điều hành, quản lý kinh tế đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả

Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, thị trường thế giới, trong nước để kịp thời có giải pháp chỉ đạo, điều hành, quản lý kinh tế đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả. Bố trí phù hợp nguồn lực, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối vùng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Ông Hồ Văn Hà đặt câu hỏi: “Liệu năm 2023 các lĩnh vực này có còn duy trì được mức tăng trưởng như năm 2022 nữa không. Chẳng hạn, với ngành xây dựng, thị trường bất động sản đang khó khăn, xuất khẩu không có đơn hàng, giá cả nguyên vật liệu, chi phí vận tải logistics tăng cao… Thêm vào đó, nguyên liệu quan trọng là xăng, dầu nguồn cung còn tiềm ẩn sự thiếu ổn định”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, hiện 85% diện tích đất các khu công nghiệp tập trung đã được lấp đầy, chỉ còn 15%, nhưng lại ở các huyện như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc với điều kiện, vị thế không thuận lợi nên rất khó thu hút các doanh nghiệp lớn. Do đó, việc thu hút đầu tư sẽ khó khăn nếu như không nhanh chóng mở các khu công nghiệp mới theo quy hoạch.

Là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, năm 2023, Đồng Nai tiếp tục có nhiều dự án lớn phải thực hiện thu hồi đất, liên quan đến các dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3, các tuyến đường kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành... Đây là những dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn, áp lực về thời gian hoàn thành giải phóng mặt bằng đúng thời hạn rất lớn. Bên cạnh đó, còn nhiều dự án trọng điểm của tỉnh cũng phải giải phóng mặt bằng thì mới thi công được như: đường ven sông Đồng Nai, đường ven sông Cái, trục đường trung tâm Biên Hòa, cầu Thống Nhất…

* Phải đồng bộ giải pháp và siết chặt kỷ luật

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyên Hữu Nguyên cho rằng, Đồng Nai đang có những cơ hội tạo đột phá về hạ tầng giao thông theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã xác định. Nhưng lúc này lại xuất hiện tâm lý sợ sai của một bộ phận cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ. Điều này có thể làm chậm quá trình triển khai các dự án. Do đó, phải tăng cường kiểm tra, hỗ trợ để làm đúng ngay từ đầu, tránh sai sót. Cần khuyến khích tinh thần làm đúng, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư và triển khai các dự án.

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025). Các chỉ tiêu phát triển KT-XH cho năm 2023 đã được Tỉnh ủy đề ra và UBND tỉnh đã có những giải pháp. Trong tháng 12, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 và giao chỉ tiêu cho các sở, ngành, địa phương bắt tay thực hiện ngay với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, hiệu quả. Ngay từ lúc này, từng sở, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, không để lãng phí thời gian và cơ hội.

Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt nhấn mạnh: “Phải huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển KT-XH. Cắt giảm tối đa chi phí không chính thức cho doanh nghiệp (DN), cơ cấu thời hạn trả nợ, hỗ trợ lãi suất với các khoản vay giúp DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tuyệt đối không “đẩy” cái khó cho người dân và DN”.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu thực thi trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch.

Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt khẳng định: “Hơn lúc nào hết, càng trong khó khăn thì tinh thần trách nhiệm càng phải đề cao. Phải lấy hiệu quả công việc đặt lên trên hết và là thước đo để đánh giá, bố trí
cán bộ”.


Chánh văn phòng Tỉnh ủy VIÊN HỒNG TIẾN: Đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm, tạo đà tăng trưởng nhanh và bền vững

Người dân và cộng đồng DN Đồng Nai đang mong chờ và kỳ vọng vào những dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh sớm hoàn thành. Do đó, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhân dân khi thu hồi đất triển khai các dự án để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng. Đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm, tạo đà tăng trưởng nhanh và bền vững, tránh tình trạng lỡ hẹn ngày khởi công lẫn ngày hoàn thành nhiều lần làm giảm lòng tin của người dân.

Giám đốc Sở Công thương TRƯƠNG THỊ MỸ DUNG: Có chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn

Cuối năm 2022, tình hình kinh tế có những diễn biến xấu, ảnh hưởng rất lớn đến người dân và DN. Do đó, năm 2023 phải có nhiều giải pháp hỗ trợ, chẳng hạn bằng mọi giá phải đảm bảo nguồn cung và ổn định giá nguyên liệu là mặt hàng xăng, dầu. Hỗ trợ DN tiếp cận với lãi suất ưu đãi, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, chú trọng những thị trường mới. Bên cạnh đó, phải gia tăng giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Đồng Nai ra thị trường thế giới để thu về nhiều ngoại tệ hơn.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền: Chủ động dự báo tình hình lao động việc làm

Năm 2022, dù tình hình việc làm có nhiều khó khăn do DN bị ảnh hưởng đơn hàng, thiếu việc làm cho công nhân nhưng các DN vẫn đang nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Dự báo tình hình quý I-2023 sẽ rất khó khăn, khi đó DN có thể phải cắt giảm lao động. Ngay từ bây giờ phải nghiên cứu và nhanh chóng triển khai hỗ trợ cả DN lẫn người lao động để cùng nhau vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định tình hình sản xuất và việc làm.

Đặng Công (ghi)


Công Nghĩa

Tin xem nhiều