Những tháng cuối năm 2022, với tình trạng doanh nghiệp (DN) tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng phải giảm giờ làm của người lao động (NLĐ) thì vấn đề tăng cường đối thoại, đảm bảo ổn định quan hệ lao động rất quan trọng. Từ đó, DN và NLĐ có sự thấu hiểu, giảm nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động.
Những tháng cuối năm 2022, với tình trạng doanh nghiệp (DN) tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng phải giảm giờ làm của người lao động (NLĐ) thì vấn đề tăng cường đối thoại, đảm bảo ổn định quan hệ lao động rất quan trọng. Từ đó, DN và NLĐ có sự thấu hiểu, giảm nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động.
Liên đoàn Lao động tỉnh giám sát bữa ăn giữa ca của người lao động tại doanh nghiệp. Ảnh: L.Mai |
Trong đó, vai trò của Công đoàn cơ sở (CĐCS) cần được phát huy nhiều hơn để những buổi đối thoại mang lại hiệu quả, tạo sự gắn kết giữa DN và NLĐ.
* Vẫn còn tình trạng ngừng việc tập thể
Theo Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, qua báo cáo của 44 tỉnh, thành phố, hiện có 1.235 DN bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động. Tổng số NLĐ bị ảnh hưởng tới việc làm là hơn 472 ngàn. Đặc biệt, những tháng cuối năm, ở nhiều DN bị thiếu, cắt giảm đơn hàng khiến NLĐ bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập và đời sống. Dự báo thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN sẽ gặp khó khăn về đơn hàng và tiếp tục bị cắt giảm lao động.
Cũng theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu, do NLĐ trải qua giai đoạn khó khăn, giảm sút thu nhập vì đại dịch Covid-19, trong khi DN không tăng lương, thậm chí còn cắt giảm các khoản trợ cấp, phụ cấp và phúc lợi của NLĐ. Một số DN còn nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… dẫn đến NLĐ bức xúc và xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc. Khi xảy ra ngừng việc, các cấp Công đoàn đã chủ động tham gia ổn định tình hình và phối hợp với các bên giải quyết kịp thời. Qua đó, các đề xuất chính đáng của NLĐ được DN đồng thuận và cam kết thực hiện.
Trong các hội nghị giao ban với CĐCS các ngành nghề, LĐLĐ tỉnh đề nghị các cán bộ Công đoàn đề xuất, tham gia đối thoại, thương lượng với DN xây dựng phương án sử dụng lao động, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ. Đồng thời, tăng cường gặp gỡ, đối thoại, giải đáp kịp thời mọi kiến nghị NLĐ quan tâm. |
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng lao động nghỉ việc nhiều vào dịp cuối năm hay tranh chấp lao động xảy ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp Công đoàn nắm chắc tình hình lao động, việc làm và kiến nghị với các cấp chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ NLĐ, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đặc biệt, CĐCS cần phối hợp với DN tăng cường đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ và thông báo về tình hình sản xuất, kế hoạch thưởng Tết để NLĐ biết, chia sẻ cùng DN vượt qua khó khăn. Việc đối thoại với NLĐ cũng là cách để DN ổn định lao động cuối năm, giảm thiểu tranh chấp lao động tập thể, đình công liên quan đến việc làm, tiền lương, thưởng…
Tại Đồng Nai, theo báo cáo từ các cấp Công đoàn trong tỉnh, tính đến cuối tháng 11, có gần 60 ngàn lao động tại 180 CĐCS khối DN bị ảnh hưởng. Ngoài ra, có 1.426 lao động bị DN nợ bảo hiểm xã hội nhiều năm với số tiền 11,9 tỷ đồng. Về tranh chấp lao động, tính đến cuối tháng 10, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình công với hơn 28 ngàn lao động tham gia, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do NLĐ chưa đồng tình với thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của DN; DN trả thưởng thấp hơn so với Tết năm 2021, điều kiện trả thưởng không rõ ràng, gây bức xúc cho NLĐ...
Để ổn định quan hệ lao động cuối năm, LĐLĐ tỉnh đang phối hợp với Sở
LĐ-TBXH và các sở, ngành liên quan hướng dẫn các DN gặp khó khăn về đơn hàng tổ chức các phương án sản xuất phù hợp nhưng vẫn đảm bảo việc làm, thu nhập và chi trả lương, quyền lợi đầy đủ cho NLĐ. Đồng thời, đề nghị các DN thực hiện các chế độ, chính sách của NLĐ theo đúng quy định pháp luật.
* Đối thoại để thấu hiểu
Thời gian qua, các cấp Công đoàn tỉnh đã hướng dẫn CĐCS chủ động phối hợp, đề xuất với DN thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, đôn đốc DN chủ động đối thoại để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của NLĐ. Nhất là giai đoạn việc làm của NLĐ bị ảnh hưởng và DN gặp khó khăn, việc đối thoại xã hội, trong đó có thương lượng tập thể là vô cùng cần thiết.
Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Quadrille Việt Nam (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Hoa cho hay, khi tranh chấp xảy ra, cả NLĐ và DN đều thiệt hại. Do vậy, việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa là chìa khóa tạo sự gần gũi của người sử dụng lao động và NLĐ. Đối thoại và thông báo tình hình sản xuất cũng là cách chia sẻ lẫn nhau, xây dựng niềm tin với NLĐ. Chỉ khi cùng ngồi lại đối thoại, những mâu thuẫn sẽ được giải quyết tận gốc.
Thực tế, vẫn còn nhiều chủ DN né tránh tổ chức đối thoại với NLĐ. Do chưa phát huy dân chủ, công khai, minh bạch nên NLĐ có nhiều bức xúc tích tụ, dồn nén dẫn đến đình công. Nhiều cán bộ Công đoàn cho hay, không ít lãnh đạo DN còn trốn tránh việc đối thoại với NLĐ vì họ cho rằng, đối thoại làm mất thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất, và công nhân hay đòi hỏi trong khi công ty đã thực hiện đầy đủ các chính sách lao động theo quy định của pháp luật. Thiếu đối thoại sẽ dẫn đến mâu thuẫn và NLĐ thiếu tinh thần làm việc hoặc ngừng việc tập thể.
Công nhân Lê Văn Thành, làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) cho hay, tham gia đối thoại, NLĐ mới có dịp kiến nghị các vấn đề chưa rõ về tiền lương, thái độ ứng xử, điều kiện, môi trường làm việc, thời gian tăng ca, tiền ăn, các khoản phụ cấp... Nếu được giải đáp kịp thời, sẽ tạo động lực, khuyến khích NLĐ tích cực sản xuất và gắn bó với DN vì họ cảm thấy được tôn trọng. Do đó, công nhân rất cần sự thiện chí của người sử dụng lao động trong tạo sự tôn trọng, bình đẳng, hợp tác và coi trọng giá trị NLĐ.
Ông Cao Duy Thái, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách lao động (Sở LĐ-TBXH) cho hay, dự báo tình hình giảm đơn hàng của DN sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ và tranh chấp lao động có thể xảy ra nếu 2 bên không tìm thấy tiếng nói chung và đối thoại tại nơi làm việc. Do vậy, CĐCS cần nắm chắc tình hình quan hệ lao động tại DN; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện và đề xuất giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ.
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam PHAN VĂN ANH: Cần hài hòa lợi ích 2 bên
Để hạn chế tình trạng ngừng việc, tranh chấp lao động liên quan đến lương, thưởng, NLĐ và DN cần phải xem xét thỏa thuận nghiêm túc việc điều chỉnh lương, thưởng hài hòa theo lợi ích 2 bên. CĐCS cần tham gia đối thoại, thương lượng với DN xây dựng phương án sử dụng lao động, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng lao động. Đồng thời, đảm bảo việc làm, quyền lợi của NLĐ; linh hoạt trong chỉ đạo và xử lý kịp thời những tình huống phát sinh.
Chủ tịch LĐLĐ H.Long Thành Lê Thị Thanh Nguyệt: Đối thoại giữ quan hệ lao động ổn định cuối năm
Ngay trong kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ được triển khai đến các cấp Công đoàn huyện, LĐLĐ huyện đã chỉ đạo các CĐCS giữ ổn định quan hệ lao động cuối năm. Cùng với đó, tham gia với chủ DN đối thoại với NLĐ để giải quyết những vướng mắc, khó khăn về các chế độ, chính sách nhằm đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tokin Electronics (TP.Biên Hòa) PHAN TỚI THỌ HIỆP: Đối thoại thúc đẩy ổn định quan hệ lao động
Hằng năm, Công đoàn phối hợp với công ty tổ chức hội nghị NLĐ để thông báo tình hình sản xuất và lắng nghe ý kiến của NLĐ nhằm có giải pháp cải thiện, đảm bảo môi trường làm việc an toàn và các chế độ, chính sách cho NLĐ. Đối thoại là điều kiện cốt yếu để đưa ra chính sách hiệu quả, thúc đẩy sự ổn định quan hệ lao động, xây dựng lòng tin giữa đôi bên.
Thảo My (ghi)
Lan Mai