Giáo dục mầm non là bậc học quan trọng để chuẩn bị nền tảng về thể chất, trí tuệ cho trẻ bước vào các bậc học khác. Tuy vậy, hiện nay bậc học này đang thiếu rất nhiều giáo viên. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn cũng khá đông, đặc biệt là ở khối các trường, nhà nhóm trẻ tư thục.
Giáo dục mầm non là bậc học quan trọng để chuẩn bị nền tảng về thể chất, trí tuệ cho trẻ bước vào các bậc học khác. Tuy vậy, hiện nay bậc học này đang thiếu rất nhiều giáo viên. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn cũng khá đông, đặc biệt là ở khối các trường, nhà nhóm trẻ tư thục.
Giáo viên Nhóm trẻ độc lập tư thục Mai Hoa (P.An Bình, TP.Biên Hòa) trong giờ dạy học. Ảnh: H.Yến |
Mức lương thấp, môi trường làm việc áp lực được cho là những nguyên nhân chính khiến giáo viên mầm non (GVMN) bỏ việc. Những chính sách nhằm phát triển giáo dục mầm non hiện nay vẫn chưa đủ để “giữ chân” đội ngũ giáo viên…
* Thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển
Năm học 2022-2023, TP.Biên Hòa có 130 trường mầm non (34 trường công lập, 96 trường tư thục), 426 nhóm lớp mầm non độc lập, 187 nhóm trẻ có quy mô dưới 7 trẻ. Mạng lưới trường, lớp này đáp ứng chỗ học cho hơn 57,9 ngàn trẻ, trong đó có đến 51,6 ngàn trẻ học ở khối các trường, lớp tư thục (chiếm hơn 89%).
Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết, năm học này thành phố thiếu hơn 560 GVMN, bao gồm cả trường công lập và tư thục. Tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm nay. “Năm nào thành phố cũng tuyển dụng GVMN nhưng số lượng hồ sơ nộp vào luôn thấp hơn nhu cầu tuyển dụng. Chẳng hạn, năm học trước chúng tôi cần tuyển 52 biên chế nhưng chỉ có 11 người nộp hồ sơ. Năm nay, chúng tôi tiếp tục tuyển thêm 70 giáo viên nhưng số lượng hồ sơ nộp vào rất ít” - ông Minh chia sẻ.
Nghị định 105/2020/NĐ-CP có quy định chính sách hỗ trợ 160 ngàn đồng/tháng cho học sinh là con em công nhân đang học tại các trường, nhóm lớp mầm non tư thục. Trong khi đó, GVMN cũng rất khó khăn, thu nhập thấp nhưng con của họ lại không được hỗ trợ. |
Theo số liệu tổng hợp của Sở GD-ĐT, hiện toàn tỉnh thiếu hơn 700 GVMN so với quy định. Nếu tính theo định mức giáo viên tối đa/lớp (2,5 giáo viên/nhóm trẻ; 2,2 giáo viên/lớp mầm non) thì số lượng giáo viên còn thiếu sẽ lên tới con số ngàn.
Không chỉ thiếu, số lượng GVMN chưa đạt chuẩn cũng khá nhiều. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có hơn 11,4 ngàn GVMN thì có đến gần 3,7 ngàn giáo viên mới chỉ có bằng trung cấp sư phạm (chiếm hơn 30%). Trong đó, có hơn 480 giáo viên ở các trường mầm non công lập, hơn 3,2 ngàn giáo viên ở các trường, nhóm lớp tư thục.
Ngành Giáo dục đã có lộ trình để cho phép số giáo viên chưa đạt chuẩn đi học nâng cao trình độ. Tuy nhiên, trong tình hình thiếu giáo viên hiện nay thì rất khó để những người chưa đạt chuẩn đi học.
Nhóm trưởng nhóm lớp Mai Hoa (P.An Bình), cô Nguyễn Lê Bảo Xuyên cho biết: “Giáo viên của nhóm được khuyến khích đi học liên thông lên cao đẳng mầm non cho đạt chuẩn và sẽ hỗ trợ một phần học phí nhưng rất khó để các cô đi học, vì khó sắp xếp thời gian. Các cô đã làm việc 6 ngày/tuần, từ sáng đến chiều tối mới về nên phải dành thời gian ngày chủ nhật cho gia đình. Còn nếu học trong ngày làm việc thì các giáo viên khác sẽ không “gánh” lớp được”.
* Mong chờ Luật Nhà giáo
Chủ Nhóm trẻ Khôi Nguyên (TP.Biên Hòa), cô Phạm Thị Thu Hằng thẳng thắn nói: “Đa phần giáo viên dạy ở các nhóm lớp độc lập tư thục chỉ có trình độ trung cấp, bởi người có bằng cấp cao hơn sẽ xin việc ở các trường lớn. Không những vậy, đội ngũ giáo viên ở các nhóm lớp nhỏ cũng không ổn định. Chúng tôi rất cần chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên để họ yên tâm công tác. Có như vậy thì giáo viên mới có điều kiện học tập nâng cao trình độ nhằm đảm bảo chuẩn GVMN theo quy định”.
Gắn bó nhiều năm với ngành Giáo dục nên Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Lương Hữu Ích thấu hiểu những khó khăn của GVMN, đặc biệt là mức lương hiện nay. “Một GVMN mới được tuyển dụng chỉ được trả mức lương khởi điểm hơn 2,7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, 1 bảo vệ làm việc theo chế độ hợp đồng được trả mức lương hơn 4 triệu đồng” - ông Ích dẫn chứng cụ thể về sự bất cập.
Theo quy định hiện nay, mức lương khởi điểm của GVMN hạng IV (chưa đạt chuẩn) hơn 2,7 triệu đồng (hệ số 1,86); mức khởi điểm cao nhất là giáo viên hạng I (giáo viên trên chuẩn, hệ số 2,34) cũng chỉ được hơn 3,4 triệu đồng. Ngoài ra, giáo viên còn có phụ cấp đứng lớp (35%) và sau 5 năm công tác sẽ có phụ cấp thâm niên, nhưng riêng trong năm thử việc thì chỉ được nhận 85% lương.
Những bất cập hiện nay đặt ra yêu cầu cần phải có nhiều giải pháp cả dài hơi lẫn tức thời để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên. Trong đó, cần phải có thêm phụ cấp và cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho GVMN.
Ở tầm vĩ mô, Luật Nhà giáo cần phải được xây dựng và ban hành thì mới có thể đảm bảo quyền lợi của đội ngũ giáo viên một cách tốt nhất, phù hợp với tính chất đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo. Nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong năm học 2022-2023 này.
Đội ngũ giáo viên không chỉ ở Đồng Nai mà cả nước đều mong muốn có được hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi tương xứng với những cống hiến của nhà giáo. Đồng thời, từ Luật Nhà giáo, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ có những chính sách đặc thù về tuyển dụng, mức lương, chế độ làm việc… để giữ chân và thu hút đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý trường học. Có như vậy thì đội ngũ giáo viên mới yên tâm công tác, hoàn thành tốt sứ mệnh của những người làm giáo dục.
Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội: Đóng góp ý kiến xây dựng Luật Nhà giáo
Bài toán khó của GDMN hiện nay là việc thiếu hụt nguồn nhân lực. Nếu không có giải pháp cả dài hơi lẫn trước mắt thì sẽ không giải được bài toán này. Muốn giữ chân và thu hút được nhân lực thì cần quan tâm đến chính sách cho nhà giáo.
Hiện nay, chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị để xây dựng Luật Nhà giáo. Vấn đề nhà giáo và vấn đề GVMN hy vọng sẽ được nghiên cứu thấu đáo để đưa vào luật. Chúng tôi rất mong địa phương tham gia góp ý trong quá trình xây dựng luật. Trước khi có Luật Nhà giáo, địa phương cần tiếp tục thực hiện chính sách hiện có đến đúng đối tượng, kịp thời nhằm ngăn dòng giáo viên bỏ việc.
Bà HOÀNG THỊ DINH, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT): Cần xem xét, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, học sinh
Điều 8 của Nghị định 105/2020/NĐ-CP về quy định điều kiện trẻ em được hưởng chế độ hỗ trợ (160 ngàn đồng/tháng) là “Trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định”.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND của Đồng Nai về thực hiện nghị định này lại quy định cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thì trẻ mới được hỗ trợ. Việc bó hẹp địa bàn này khiến cho nhiều trẻ không được thụ hưởng chính sách. UBND tỉnh nên xem xét, trình HĐND tỉnh để điều chỉnh, đảm bảo công bằng cho trẻ.
Đối với việc thụ hưởng chính sách theo Nghị định 105 của giáo viên, những giáo viên chưa đạt chuẩn thì không được hỗ trợ. Điều này cũng là bất cập gây nên thiệt thòi cho rất nhiều giáo viên. Bộ GD-ĐT đang rà soát và sẽ có báo cáo, đưa ra bàn thảo tại hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị định 105 vào tháng 10 tới đây. Vấn đề này cũng sẽ được trình Chính phủ xem xét điều chỉnh để đảm bảo công bằng cho giáo viên.
Tường Vi (ghi)
Hải Yến