Ngành GD-ĐT tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn để có thể nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dù ngân sách hằng năm đầu tư cho ngành này rất lớn. Nhiều cơ sở giáo dục công lập vẫn đang thiếu biên chế và đời sống giáo viên còn khó khăn.
Ngành GD-ĐT tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn để có thể nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dù ngân sách hằng năm đầu tư cho ngành này rất lớn. Nhiều cơ sở giáo dục công lập vẫn đang thiếu biên chế và đời sống giáo viên còn khó khăn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 4, từ trái qua) thăm Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa). Ảnh: C.NGHĨA |
Phó giám đốc Sở Tài chính Đặng Thị Kim Thắm cho biết: “Hằng năm, tỉnh đều dành nguồn lực rất lớn phân bổ cho sự nghiệp GD-ĐT, chiếm đến trên 40% tổng chi thường xuyên của tỉnh. Con số phân bổ này vào khoảng 5.467/13.500 tỷ đồng”.
Đụng đâu cũng… thiếu
Đồng Nai hiện là tỉnh có quy mô trường lớp và số lượng học sinh lớn đứng thứ 5 trên cả nước với trên 920 trường từ mầm non đến THPT với hơn 700 ngàn học sinh. Bình quân mỗi năm, tỉnh tăng thêm khoảng 20 ngàn học sinh. Điều đó đồng nghĩa với việc tỉnh không chỉ phải xây dựng thêm trường lớp mà còn phải tăng thêm biên chế để có đủ lớp học và giáo viên đứng lớp.
Tuy nhiên có một thực tế, nhiều địa phương vẫn đang thiếu giáo viên, nhân viên trường học, phần vì lương thấp khó thu hút nhân lực, phần vì có nhiều chuyên ngành sư phạm các trường đào tạo hằng năm ra trường với số lượng hạn chế, cầu vượt cung.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG: Đầu tư mạnh cho giáo dục để có nguồn nhân lực chất lượng cao Sở Nội vụ tham mưu, đảm bảo đủ biên chế cho ngành Giáo dục, không được giảm biên chế đối với ngành Giáo dục vì hằng năm số học sinh của Đồng Nai vẫn tăng, nếu cắt giảm biên chế thì ai sẽ là người chăm lo cho sự nghiệp trồng người? Đồng hành cùng ngành GD-ĐT, Sở Tài chính và các ngành liên tham mưu đảm bảo phân bổ ngân sách kịp thời, đầu tư tạo thuận lợi tối đa cho công tác dạy và học. Đầu tư mạnh cho giáo dục để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục là một trong những giải pháp mang lại nhiều lợi ích, tiết kiệm lớn cho ngân sách của tỉnh hằng năm. Hiện nay, số cơ sở giáo dục và học sinh ngoài công lập của tỉnh đã chiếm đến trên 20%, đồng thời khẳng định chất lượng dạy và học tốt. Xã hội hóa giáo dục chẳng những giúp tỉnh tiết kiệm chi mà còn có thêm nguồn thu cho ngân sách. |
Không chỉ thiếu giáo viên, nhân viên trường học, nhiều cơ sở giáo dục công lập đang thiếu cả cán bộ quản lý. Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) Đỗ Thị Cao Sang cho biết, trường có 28 lớp, nếu theo quy định của một trường ở thành phố thì phải có 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng nhưng nhiều năm nay trường chỉ có 1 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng. Ban giám hiệu “neo người” nên ít khi nghỉ phép vì quá nhiều việc phải quán xuyến.
Là một trong số không nhiều trường chuẩn quốc gia của TP.Biên Hòa, thế nhưng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (P.Tân Mai) cũng đứng trước nhiều khó khăn về biên chế, chế độ cho giáo viên, nhân viên. Hiệu trưởng nhà trường Hoàng Thị Ngọc trăn trở, đầu năm học, trường có 3 nhân viên thiết bị - thư viện, kế toán, y tế xin nghỉ việc. Dù đã gắn bó với trường hơn 10 năm nhưng mức lương mỗi tháng các nhân viên này được nhận chỉ là hơn 3 triệu đồng, trong khi nhà trường không có khoản nào để hỗ trợ thêm cho họ. Trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, giáo viên phải ở trường từ 6 giờ 30 đến hơn 17 giờ mới được về nhà, buổi trưa phải làm thêm giờ để lo cho học sinh ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh trường lớp nhưng ngoài lương thì không có thu nhập thêm, thậm chí Tết cũng không có thưởng.
Còn Hiệu trưởng Trường tiểu học An Phước (xã An Phước, H.Long Thành) Lê Thị Dương cho hay, trường có 35 lớp với trên 1.820 học sinh, thế nhưng đụng gì thiếu nấy. Trường được giao 37 biên chế nhưng vẫn phải hợp đồng thêm 11 người, đồng thời đang khuyết 2 phó hiệu trưởng. Bên cạnh đó, trường còn thiếu 3 nhân viên gồm kế toán, y tế, thiết bị - thư viện dù năm nào cũng tuyển. Hiện những công việc tổng hợp này giao cho 1 nhân viên văn phòng làm hết, giống như một “quản gia” nhưng mức lương nhận được mỗi tháng tất cả chỉ hơn 3 triệu đồng.
Khó vì lương chưa hấp dẫn
Ngành GD-ĐT dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn cho đến khi mục tiêu giáo viên sống được bằng lương trở thành hiện thực. Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Thạnh (TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) Ngô Thị Trinh cho biết, nếu áp dụng mức lương tối thiểu vùng là 4,160 triệu đồng để ký hợp đồng tuyển giáo viên thì không tuyển được ai, vì ứng viên nào cũng đòi hỏi khởi điểm thấp nhất cũng phải trên 5 triệu đồng/tháng. Có thời điểm vì “khát” giáo viên nên nhà trường phải “linh hoạt” lấy nguồn chi khác bù đắp cho đủ 5 triệu/tháng để ký được hợp đồng với giáo viên.
Cô Trinh chia sẻ thêm: “Chúng tôi rất trăn trở với mức lương của giáo viên hiện nay, nhất là với đội ngũ nhân viên văn phòng, thiết bị - thư viện, y tế vì quá thấp, tết cũng không có gì để thưởng thêm cho họ”.
Theo lãnh đạo Phòng GĐ-ĐT H.Long Thành, nếu theo biên chế, huyện vẫn đang thiếu 192 giáo viên; còn nếu theo định biên theo thực tế, huyện thiếu tới 380 giáo viên. Nhiều vị trí giáo viên đứng lớp, nhân viên trường học năm nào cũng đăng tuyển dụng mà tuyển không được. Không chỉ giáo viên, huyện vẫn đang thiếu 51 người đảm nhận chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; thậm chí có trường, phòng phải cử người xuống đảm trách tạm thời chức hiệu trưởng nhưng không có chế độ chính sách gì thêm.
Với quy mô trường lớp, giáo viên và học sinh lớn nhất tỉnh, TP.Biên Hòa nhiều năm nay vẫn đang “loay hoay” với câu chuyện cũ là quá tải trường lớp, nguy cơ học ca 3 và thiếu giáo viên. Trưởng phòng GD-ĐT Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết, nếu tính theo định biên thực tế, thành phố còn thiếu gần 300 giáo viên, nhân viên; còn theo biên chế được giao thì thiếu 179 người. Nhiều vị trí năm nào cũng tuyển nhưng không năm nào đủ chỉ tiêu. Chẳng hạn năm học 2021-2022 cần tuyển 35 giáo viên mầm non nhưng chỉ tuyển được 11, cần 16 giáo viên âm nhạc nhưng chỉ tuyển được có 5, trong khi đó thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đang rất cần giáo viên, vì thiếu nên giáo viên phải dạy tăng giờ.
Ông Võ Văn Minh cho biết thêm, TP.Biên Hòa đã kiến nghị với UBND tỉnh xin cấp thêm biên chế nhưng đến nay vẫn chưa được bổ sung. Do đó, ông Minh có kiến nghị, những trường không tuyển được giáo viên, tỉnh phải xem xét cấp kinh phí thỉnh giảng. Đối với nhân viên trường học như: kế toán, thư viện - thiết bị, y tế, cấp dưỡng, giáo viên mầm non phải tiếp tục có phụ cấp thêm hằng tháng, giống như đã thực hiện đối với giáo viên mầm non và cấp dưỡng trong giai đoạn 2016-2021. Nếu không có chế độ hỗ trợ thêm thì nguy cơ giáo viên, nhân viên nghỉ việc sẽ còn xảy ra.
Công Nghĩa
Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:
Tiếp tục kiến nghị cho ngành có đủ biên chế và nâng cao đời sống nhà giáo
Ngành GD-ĐT đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó vai trò của đội ngũ nhà giáo là rất quan trọng. Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị cho ngành có đủ biên chế và nâng cao đời sống nhà giáo. Chúng tôi tin tưởng tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa, tạo thêm động lực cho các nhà giáo, góp phần đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, tương xứng với vị thế của một tỉnh công nghiệp tốp đầu của cả nước.
Ông NGUYỄN BẢO KHANG, Phụ trách Phòng Quản lý biên chế - công chức viên chức, Sở Nội vụ:
Sẽ tham mưu để phân bổ phù hợp với tình hình thực tế
Năm 2022, Đồng Nai được Chính phủ giao 33.848 biên chế sự nghiệp, nhưng trong giai đoạn 2022-2026, sẽ phải tiếp tục giảm 3.084 biên chế. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, vì nhiều ngành, địa phương còn thiếu biên chế. Đối với những ngành như: giáo dục, y tế, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để có sự phân bổ phù hợp với tình hình thực tế.
Đặng Công (ghi)