Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 6, 24/01/2025, 02:05 En

Tính toán phương án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông

07:08, 20/08/2022

Đồng Nai đang xây dựng đề án khai thác các khu đất phụ cận các dự án giao thông để tạo nguồn vốn tái đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ. Với khoảng 1,7 ngàn ha đất được đề xuất khai thác, nguồn vốn để thực hiện là rất lớn.

Đồng Nai đang xây dựng đề án khai thác các khu đất phụ cận các dự án giao thông để tạo nguồn vốn tái đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ. Với khoảng 1,7 ngàn ha đất được đề xuất khai thác, nguồn vốn để thực hiện là rất lớn.

Việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 (bên trái) dự kiến sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư và mang lại nguồn thu lớn. Ảnh: P.Tùng
Việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 (bên trái) dự kiến sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư và mang lại nguồn thu lớn. Ảnh: P.Tùng

Chính vì vậy, việc phân kỳ đầu tư cần được tính toán kỹ để việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông trở nên khả thi.

* Đề xuất khai thác 20 khu đất lợi thế

Thời gian tới, Đồng Nai sẽ thực hiện rất nhiều dự án giao thông nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách không đủ đáp ứng hết nhu cầu đầu tư, việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông để đấu giá, tạo nguồn vốn tái đầu tư là hướng đi phù hợp với thực tế.

Tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan để nghe báo cáo kết quả xây dựng các đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh vào ngày 11-8 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông sẽ giúp tạo ra nguồn vốn để tái đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở TN-MT, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng 7 đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh gồm: đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận dự án Xây dựng đường liên cảng (giai đoạn 1), H.Nhơn Trạch; 3 đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh; 3 đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 trên địa bàn H.Long Thành, H.Thống Nhất; dự án Đầu tư xây dựng đường tỉnh 770B trên địa bàn các huyện Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Long Thành, TP.Long Khánh và dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773 trên địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ.

Với 7 đề án nói trên, các địa phương đã đề xuất khai thác 20 khu đất vùng phụ cận các dự án giao thông với tổng diện tích khoảng 1,7 ngàn ha. Theo tính toán sơ bộ, với diện tích đất khai thác như trên, sau khi thực hiện đấu giá, nguồn thu từ việc khai thác quỹ đất có thể lên tới hơn 13 ngàn tỷ đồng.

* Thực hiện theo hình thức “gối đầu”, “cuốn chiếu”

Việc thực hiện khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông theo tính toán sẽ tạo ra một nguồn vốn rất lớn để tỉnh thực hiện tái đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn. Tuy nhiên, để thực hiện khai thác được quỹ đất này, tỉnh cần nguồn vốn rất lớn. Bởi bên cạnh nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án giao thông nói trên, Đồng Nai cần thêm nguồn vốn để giải phóng mặt bằng các khu đất vùng phụ cận các dự án này.

Việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông trên địa bàn Đồng Nai không chỉ để thực hiện bán đấu giá mà còn sử dụng vào các mục đích khác. Đây có thể là quỹ đất để phục vụ mục đích bố trí tái định cư cho người dân phát sinh khi triển khai các dự án khác. Chúng ta thu hồi để phục vụ mục tiêu phát triển về sau này chứ không nhất thiết thu hồi để chỉ bán đấu giá” - Giám đốc Sở KH-ĐT NGUYỄN HỮU NGUYÊN cho biết.

Theo tính toán ban đầu, để thực hiện việc giải phóng mặt bằng đối với các khu đất vùng phụ cận các dự án giao thông, Đồng Nai sẽ sử dụng nguồn vốn từ quỹ phát triển đất của tỉnh. Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Thế Vinh, nguồn quỹ phát triển đất phải bố trí phục vụ nhiều mục đích. Do đó, nguồn quỹ này sẽ không đủ để thực hiện đồng loạt các đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông trong cùng một thời điểm. Vì vậy, theo ông Vinh, cần tính toán thực hiện phương án cuốn chiếu, phân kỳ đầu tư để có nguồn lực thực hiện.

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho hay, sử dụng nguồn vốn đầu tư công phục vụ cho việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông rất khó khăn. Bởi hiện nay, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh đã được phân bổ đủ. Do đó, ông Nguyên đồng thuận với phương án thực hiện phân kỳ đầu tư, “lấy dự án này gối đầu dự án khác”. Từ đó, ông Nguyên cho rằng, trong các đề án phải làm rõ nội dung phân kỳ đầu tư. “Dự án nào làm giai đoạn nào thì cần làm rõ” - ông Nguyên đề nghị.

Đối với các khu đất được đề xuất khai thác, ông Nguyên cho rằng cần rà soát để đảm bảo triển khai đồng bộ, phù hợp với các chương trình về phát triển nhà ở, phát triển thương mại, dịch vụ.

Với phương án phân kỳ đầu tư, trên góc độ của Sở GT-VT, Phó giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Bôn cho rằng, trong các đề án nói trên, nếu lấy mục tiêu cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành làm trung tâm, xây dựng hệ thống giao thông kết nối các địa phương với sân bay thì việc khai thác quỹ đất nên được triển khai trước đối với dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769.

Theo ông Nguyễn Bôn, đường tỉnh 769 đã có tuyến hiện hữu, dự án chỉ thực hiện nâng cấp, mở rộng nên quá trình triển khai có nhiều thuận lợi. Đặc biệt, do đây là khu vực nằm gần sân bay Long Thành nên giá trị quỹ đất khai thác sẽ lớn, cũng như thu hút được nhiều nhà đầu tư.

“Quỹ đất khai thác dự kiến của dự án là 217ha trên địa bàn H.Long Thành. Nên ưu tiên thực hiện trước đối với dự án này để tạo nguồn lực thực hiện các dự án tiếp theo” - ông Nguyễn Bôn nêu quan điểm.  

      Phạm Tùng

Tin xem nhiều