Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt quản lý các dự án bất động sản

11:05, 04/05/2022

Năm 2022, HĐND tỉnh đã hủy bỏ 62 dự án bất động sản (BĐS) nằm trong danh mục thu hồi đất từ năm 2015-2019 nhưng không tiến hành thực hiện theo quy định.

Năm 2022, HĐND tỉnh đã hủy bỏ 62 dự án bất động sản (BĐS) nằm trong danh mục thu hồi đất từ năm 2015-2019 nhưng không tiến hành thực hiện theo quy định. Đáng nói là nhiều dự án trong số đó có diện tích lên đến cả trăm ha, có những dự án kéo dài cả chục năm chưa thực hiện. Đó là chưa kể nhiều dự án chưa hoàn thành trong giai đoạn trước được chuyển sang giai đoạn 2021-2030 để thực hiện tiếp. Thậm chí, hằng năm các địa phương còn đề xuất thêm nhiều dự án để đưa vào kế hoạch sử dụng đất cho năm sau.

Nguyên nhân của tình trạng các dự án BĐS “treo” ấy bắt nguồn từ một số doanh nghiệp (DN) BĐS lợi dụng chính sách thu hút đầu tư của các địa phương để “đục nước béo cò”, nhiều DN dù năng lực tài chính hạn chế, không có kinh nghiệm triển khai dự án nhưng vẫn đăng ký dự án đầu tư để “xí phần” rồi đợi khi giá đất tăng sẽ sang nhượng cho DN khác để kiếm lời.

Thực tế thời gian qua cho thấy, khi địa bàn Đồng Nai có nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn của Trung ương, các dự án kết nối liên vùng, đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được triển khai thì các DN hoạt động trên lĩnh vực BĐS nhìn thấy cơ hội kinh doanh béo bở nên tranh thủ đăng ký đầu tư dự án BĐS để đón đầu. Nhưng khi được cấp phép đầu tư dự án rồi thì việc triển khai thực hiện lại là câu chuyện khác; một số DN thực tế đã tiến hành triển khai dự án như cam kết, nhưng cũng có những DN nhiều năm không triển khai dự án mà chờ cơ hội sang tay để kiếm lời hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Điều đó đã xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua như: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom…

Hậu quả từ các dự án BĐS “treo” ấy khiến người dân có đất trong vùng dự án gặp khó khăn khi không thể sản xuất trên mảnh đất của mình, muốn đem giấy tờ đất thế chấp ngân hàng vay vốn làm ăn không được, việc sửa chữa nhà cửa bị xuống cấp, chia tách thửa đất cho con cái khi ra riêng cũng không xong. Bên cạnh đó, nhiều dự án BĐS được hình thành nửa chừng để rồi bỏ hoang dẫn đến lãng phí, trong khi người dân thực sự có nhu cầu mua nhà ở để an cư lạc nghiệp thì không đủ tiền mua nhà do giá BĐS bị đẩy lên quá cao và địa phương cũng không thể thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…

Nói đi cũng phải nói lại, để xảy ra tình trạng đó cũng có trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khi không thẩm định năng lực tài chính của DN khi cấp phép đầu tư; không tiến hành kiểm tra, đốc thúc DN triển khai dự án khi đã trúng thầu và đặc biệt là không mạnh dạn thu hồi dự án khi DN không triển khai như cam kết…

Đã đến lúc các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần siết chặt việc kiểm tra năng lực tài chính, cấp phép đầu tư đối với các DN BĐS; tăng cường kiểm tra, rà soát lại các dự án BĐS chưa triển khai và mạnh dạn thu hồi dự án nhiều năm không thực hiện để tạo môi trường lành mạnh cho thị trường BĐS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đó cũng là điều mong mỏi của nhiều người dân có đất trong vùng dự án.

Phạm Mai

Tin xem nhiều