Báo Đồng Nai điện tử
En

Để lao động có tay nghề gắn bó với doanh nghiệp

03:05, 04/05/2022

Thực trạng thiếu lao động có tay nghề, kỹ thuật cao đã được nhận diện từ hàng chục năm trước. Điều đó càng trở nên bức thiết hơn khi trình độ sản xuất, khoa học công nghệ phát triển mạnh...

Thực trạng thiếu lao động có tay nghề, kỹ thuật cao đã được nhận diện từ hàng chục năm trước. Điều đó càng đặt ra bức thiết hơn khi trình độ sản xuất, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngay Đồng Nai trong thu hút đầu tư thời gian qua cũng chú trọng các doanh nghiệp (DN) có công nghệ sản xuất hiện đại, ít sử dụng lao động, đồng nghĩa với việc sử dụng lao động chất lượng cao.

Từ thực trạng đó, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng như DN đã có nhiều giải pháp như: chú trọng công tác đào tạo nghề; có các chế độ đãi ngộ cao; DN kết hợp với trường nghề đào tạo lao động theo nhu cầu… Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để khỏa lấp được thực trạng thiếu lao động có tay nghề, kỹ thuật cao của các DN.

Nguyên nhân của sự thiếu hụt đó xuất phát từ tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ của nhiều học sinh khi đa số lựa chọn (hoặc được cha mẹ định hướng) vào đại học hơn là học nghề, dù vấn đề này đã được nhận diện từ hàng chục năm trước và đã có những chính sách khuyến khích; dù thực tế cho thấy có nhiều người học nghề khi vào DN được trọng dụng, có chế độ đãi ngộ cao và cả thực tế nhiều người tốt nghiệp đại học phải làm công việc trái với ngành được đào tạo…

Một nguyên nhân khác được nhìn nhận qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua khi nhiều lao động về quê đã không trở lại Đồng Nai, hoặc sang làm ở DN khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn khiến nhiều DN thiếu lao động có tay nghề. Điều đó xuất phát từ việc chăm lo chế độ cho người lao động (NLĐ) ở một số DN chưa cao, điều kiện làm việc chưa tốt, nhất là việc chăm lo đời sống tinh thần, chỗ ở của NLĐ để cho họ yên tâm gắn bó với DN.

Điều đáng mừng là thời gian gần đây, xã hội đã có cái nhìn tích cực hơn về việc học nghề. Nhiều học sinh tốt nghiệp THPT căn cứ vào năng lực, điều kiện của bản thân đã lựa chọn học nghề thay vì vào đại học; nhiều trường nghề đã áp dụng chương trình giảng dạy hiện đại, thiên về thực hành nhiều hơn lý thuyết. Nhiều trường nghề đã hợp tác với DN đưa học sinh vào thực hành trực tiếp tại xưởng để tiếp cận với dây chuyền công nghệ, máy móc sản xuất; một số trường còn hợp tác với các đơn vị nước ngoài áp dụng các chương trình đào tạo hiện đại, đào tạo theo địa chỉ từ đặt hàng của DN...

Đặc biệt, để thu hút lao động chất lượng cao, khiến họ yên tâm gắn bó với mình, các DN đã quan tâm nhiều hơn đến việc chăm lo chế độ cho NLĐ. Dưới góc độ quản lý nhà nước, bên cạnh các chính sách, quy định của pháp luật, Đồng Nai đã quan tâm hơn đến việc đầu tư các thiết chế văn hóa, đặc biệt là xây dựng các khu nhà ở cho NLĐ để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ.

Hy vọng những điều đó sẽ giúp những lao động có tay nghề, kỹ thuật cao sẽ gắn bó, đóng góp nhiều hơn nữa cho DN, cũng như đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh.

Phạm Mai

Tin xem nhiều